Tin tức - Sự kiện

Giải pháp kích cầu là quan trọng nhất!

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 5/2013 chỉ nhích tăng 0,75% so với tháng trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức 5 tháng đầu năm tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước. Đó là thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 27/5.
Chưa thể khẳng định giảm phát
 
Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia lo ngại khi CPI tháng 5 giảm 0,06% so với tháng 4/2013, bà Ngô Thị Ánh Dương- Phó vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục thống kê- phân tích: Nếu nói kinh tế rơi vào giảm phát thì chúng tôi chưa đồng tình, bởi vì CPI không giảm liên tiếp trong các tháng mà vẫn tháng tăng, tháng giảm, hoặc giảm nhẹ.
 
Tuy nhiên, bà Dương lưu ý: CPI giảm có mừng và lo. Mừng vì mục tiêu kiềm chế lạm phát đạt được; nhưng nếu phân tích sâu hơn cũng có điều đáng lo, vì 26 tỉnh 3 tháng liên tiếp CPI giảm, 42 tỉnh liên tiếp 2 tháng giảm. Hơn nữa, trong tháng 5, nếu không có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Vĩnh Phúc thì CPI chung có thể giảm hơn.
 
Một số ý kiến cho rằng, dù CPI tăng giảm nhẹ cũng không nên chủ quan trong điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước quản lý, tránh lặp lại bài học như năm 2012, khi tháng 6, tháng 7 CPI giảm thì bất ngờ tháng 9 lại tăng vọt.
 
Đánh giá về tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận xét: mặc dù có nhiều ý kiến lo lắng, nhưng phải nhìn thấy những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế như: tổng mức bán lẻ trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng, dù rằng tốc độ giảm dần, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức vẫn tăng 4,78%; diễn biến CPI trong các tháng cũng giảm nhẹ hoặc đứng chứ chưa giảm sâu; kim ngạch xuất khẩu 5 tháng tăng trên 15%, nhập siêu tăng dần và hiện là 3,85%...
 
Doanh nghiệp vẫn khó khăn
 
Đại diện các hiệp hội ngành hàng đều phản ánh tình hình khó khăn của các DN. Ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép- cho biết: Tháng 5, sản lượng thép xây dựng giảm 8,2%, tiêu thụ giảm 9,5% so với tháng trước. Mặc dù vào mùa xây dựng nhưng nhu cầu vẫn rất chậm. Hiệp hội khuyến khích các DN tự xác định thị phần của mình để điều tiết sản xuất. Hiện giá thép ổn định ở mức thấp. Nguyên nhân chính là nhu cầu giảm sút mạnh. “Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như giảm thuế thu nhập DN, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ chuyển dự án nhà cao cấp thành nhà xã hội và cho người thu nhập thấp... nhưng đến nay tình hình vẫn chưa khả quan vì gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản vẫn triển khai rất chậm”- ông Nghi nhấn mạnh.
 
Còn ông Nguyễn Văn Thiện- Chủ tịch Hiệp hội Xi măng- cung cấp thêm những thông tin đáng suy nghĩ: Giống như các DN ngành thép, đến nay các DN sản xuất xi măng vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, mặc dù tồn kho không nguy hiểm vì các DN tự điều tiết nguồn nhưng do những năm qua đầu tư vào xi măng quá ồ ạt, cung vượt cầu, khả năng sản xuất là 70 triệu tấn thì nhu cầu chỉ khoảng trên 40 triệu tấn nên một số nhà máy dừng sản xuất. “Các nhà máy không sản xuất được, xi măng không bán được thì lấy đâu mà trả lãi ngân hàng. Hiện có khoảng 50% DN có lãi thấp, 30% DN hòa vốn, còn 20 lỗ trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm, nếu tiếp tục tình hình này sẽ dẫn đến đóng cửa.”- ông Thiện nói.
 
Tập trung cho giải pháp kích cầu
 
Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ- cho biết: Các thành viên hiệp hội đã cố gắng hết sức bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu... tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng vẫn không tăng nhiều. “Người tiêu dùng hiện nay có thói quen chờ đợi các chương trình khuyến mại, giảm giá mới mua vào, chứ bình thường rất khó. Nhưng phải ghi nhận, trong lúc khó khăn như hiện nay nhưng thời gian qua các thành viên của hiệp hội vẫn cố gắng tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng, như Fivimart, Hapro, Trần Anh đều mở thêm điểm bán”- Bà Loan nói.
 
Bà Loan kiến nghị: Bao nhiêu năm nay Nhà nước ưu tiên cho nhiều lĩnh vực nhưng chưa có sự hỗ nào cho lĩnh vực bán lẻ, vì thế đề nghị Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ được tiếp cận các ưu đãi về vay vốn, mặt bằng… để DN bán lẻ có thể đứng vững trong khó khăn.
 
Để “phá băng” thị trường bắt động sản, kích thích các ngành sản xuất khác, ông Phạm Xuân Hòe- Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước- cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02. Theo đó, từ ngày 1/6, 30.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường với lãi suất ưu đãi hỗ trợ cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội. Song giải pháp này sẽ có độ trễ, cần 4-5 tháng nữa để các chủ đầu tư thực hiện thủ tục chuyển đổi dự án.
 
Song song với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để tháo gỡ “cục máu đông” nợ xấu. Từ 9/7/2013 nợ xấu sẽ từ ngân hàng thương mại chuyển sang đây. Khi ngân hàng chuyển nợ xấu về VAMC thì DN có thể tiếp tục được vay vốn. Tuy nhiên, ông Hòe lưu ý, DN được vay vốn thì nợ xấu phải có có tài sản bảo đảm và tài sản này phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ. Đặc biệt, khách hàng vay phải còn tồn tại.
 
Bàn tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Đỗ Văn Chiến- Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương)- cho rằng: Hiện nay không có cách nào khác là phải làm mọi biện pháp để tăng sức mua của người tiêu dùng, biện pháp này phải chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 35%) trong các gói kích cầu. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng kết quả chưa như mong muốn, vì thế cần tiếp tục tìm biện pháp có tính bứt phá.
 
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lưu ý: Hiện nay các ngành hàng đều trong tình trạng cung vượt cầu, mà theo quy luật thì sẽ có lúc cầu sẽ vượt cung. Phải thấy rằng, nhu cầu vẫn tăng thể hiện qua tổng sức mua tăng. Nhưng nếu chủ quan về nguồn cung thì đến lúc nào đó có thể xảy ra thiếu cung. Thứ trưởng cũng đồng tình với ý kiến nên bổ sung giải pháp kích cầu vào trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
 
 
 
 
Gia Bảo
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo