Giải phóng Thủ đô qua lời kể nhân chứng lịch sử
Ngày này 60 năm trước, từng đoàn quân đã tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong rừng cờ đỏ sao vàng.
Ngày lịch sử
60 năm trước, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954), công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Chúng chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Pháp muốn lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội lâm vào cảnh trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ.
Biết trước âm mưu của địch, chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Đúng 16h00 ngày 9/10/1954, theo thỏa thuận, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháp binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.
20 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng đón những đoàn quân chiến thắng trở về. 15h00 chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân cùng các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố đã dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.
Hồi tưởng của những nhân chứng
Dù 60 năm đã trôi qua nhưng những ấn tượng về ngày giải phóng Thủ đô không thể phai mờ đối với Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên (SN 1929, đang sống tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Trước khi về hưu, Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên là Phó chủ nhiệm Cơ quan chính trị Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Trước đó, ông Tiên là cán bộ đã chiến đấu và công tác tại Đại đoàn 308 Quân Tiên phong trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ cứu nước.
Nhớ lại thời điểm lịch sử năm 1954, ông Tiên cho biết, chỉ vài ngày sau khi ký Hiệp định đình chiến, Đảng và chính phủ đã giao cho Đại đoàn 308 của ông nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.
“Cũng như các cán bộ khác trong đơn vị, tôi rất tự hào được tham gia sự kiện trọng đại này. Sáng 10/10/1954, các cán bộ chiến sỹ đều đeo huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ do Bác Hồ tặng thưởng. Với khí thế của người chiến thắng, từng đơn vị đội ngũ chỉnh tề, theo kế hoạch qua các cửa ô tiến vào nội thành.
Nhân dân Hà Nội cờ hoa trên tay, đứng chật kín hai bên hè phố chào đón. Họ vui mừng, nồng nhiệt đón con em mình chiến thắng trở về bằng những nụ cười rạng rỡ và bằng cả những giọt nước mắt vì hạnh phúc,” ông Tiên kể.
Theo ông Tiên, trong đội hình về tiếp quản Thủ đô khi đó có cả Trung đoàn Thủ đô, tức Trung đoàn 102. Đây là đơn vị đã được Nhân dân Hà Nội sinh ra, đùm bọc, nuôi dưỡng và cùng chiến đấu trong 60 ngày đêm trong những ngày đầu chống Pháp nhằm giữ chân địch để cả nước chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
“Tôi nhớ lại ca khúc nổi tiếng tiếng về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao, trong đó có câu: ‘Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về như đài hoa đón ngày nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh’. Những gì diễn ra trong sáng ngày 10/10/1954 đúng như ca khúc đã thể hiện,” ông Tiên nói.
Nói về sự phát triển của Hà Nội sau 60 năm, ông Đinh Mộng Tiên nhận xét: “Sau chiến tranh, khó khăn chồng chất, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần tự lực tự cường của nhân dân, nhất, đất nước ta ngày càng đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt. Chính trị ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.
Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp hơn, khẳng định được vai trò, vị thế của mình, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân cả nước, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình mà thế giới đã tôn vinh.
Với tư cách là một Đảng viên, công dân Thủ đô, cựu chiến binh, tôi xin nguyện sống xứng đáng với lòng tin Đảng và nhân dân. Cảm ơn Đảng, chính sách của Đảng và thành phố đã quan tâm tốt đến người có công với cách mạng như chúng tôi”, Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên chia sẻ.
Cùng tâm trạng xúc động nhớ lại Ngày giải phóng Thủ đô, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Thụ (sinh năm 1934, nguyên quán ở Bắc Ninh, hiện đang là công dân phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) chia sẻ, năm 1951, khi đang là thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám, ông được điều lên phục vụ chiến dịch Tây Bắc rồi sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ…
Trong quá trình chiến đấu, ông từng chứng kiến nhiều đồng đội của mình ngã xuống. Bản thân ông cũng đã từng bị bom vùi lấp, thoát chết 4 lần. Hơn ai hết, những người vào sinh ra tử như ông hiểu rõ cái giá của hòa bình. Bởi vậy, khó có lời nào diễn tả hết niềm vui mừng của ông khi thực dân Pháp đầu hàng, Hà Nội được giải phóng, hòa bình lập lại.
Về sự phát triển của Thủ đô hiện nay, ông Thụ đặt niềm tin vào thế hệ trẻ: “Hiện nay dù còn nhiều khó khăn nhưng Thủ đô đang 'thay da đổi thịt' hàng ngày. Thế hệ trẻ năm xưa với lòng quả cảm, anh dũng kiên cường đã đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ. Nay với các bạn trẻ Thủ đô được học tập và đào tạo đầy đủ chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.”
Theo VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo