Giảm biên chế giáo viên trước, rồi hãy tính tới tăng lương
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo,ngành giáo dục hiện chiếm 52% biên chế sự nghiệp của cả nước (1,2 triệu người trong tổng số 2,3 triệu người).
Ngành chiếm 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp. Ngành dùng tới 80% ngân sách nhà nước phân để trả lương.
Với những thông số trên cho thấy, nếu tăng lương cho giáo dục thì ngân sách nhà nước phải chi một khoản tiền không hề nhỏ.
Nguồn tiền này sẽ lấy ở đâu trong khi kinh tế đất nước còn khó khăn?
Có lẽ vì điều này mà biết bao đề xuất tăng lương cho giáo dục vô cùng hợp lý, chính đáng (từ thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân), nhưng vẫn không được nhà nước thông qua.
Trong thực tế, nguồn nhân lực trong giáo dục phình to như thế nhưng hiệu quả, năng suất làm việc chưa thật sự hợp lý bởi cách bố trí các trường học còn dàn trải.
Nếu không có những biện pháp tinh giản biên chế, thu gọn các trường học có cơ cấu lớp nhỏ về với nhau thì bài toán tăng lương cho nhà giáo vẫn mãi chỉ nằm trên những văn bản, những báo cáo đề xuất mà thôi.
Gộp trường nhỏ lẻ trên cùng địa bàn
Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý đang chiếm số lượng khá cao. Cụ thể, 35.833 (bậc mầm non), 35.010 (tiểu học), 24.627 (trung học cơ sở)…
Đội ngũ cán bộ quản lý phình to như thế là do trước đây nhiều địa phương trong cả nước thực hiện việc chia tách trường.
Thì nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục đã cho chia tách các trường tiểu học và trung học cơ sở riêng lẻ.
Nếu như ngày trước, một xã phường chỉ có một trường học gồm cả tiểu học và trung học cơ sở gộp chung gồm một cơ sở chính và khá nhiều cơ sở phụ.
Chưa hết, một xã phường (ở đồng bằng giao thông thuận lợi) lại có từ 3 đến 4 trường mẫu giáo, tiểu học mà mỗi trường có khoảng 10 lớp học thậm chí có nhiều trường có số lớp học ít hơn 10. Trường có cơ cấu nhỏ nhưng vẫn đầy đủ ban bệ, chức danh.
Vì thế, ngân sách nhà nước hàng năm phải chi một số tiền không nhỏ để trả lương trong khi một bộ phận cán bộ nhân viên làm việc chưa hết công suất của mình.
Gộp trường để tinh giản biên chế
Khá nhiều tỉnh thành (trong đó có tỉnh Bình Thuận) đã triển khai đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học theo hướng mỗi xã phường có 01 trường mầm non, một trường tiểu học.
Đồng thời điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý, thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng một phường Tân An thị xã La Gi có tới 3 trường tiểu học gần 50 lớp với tổng số học sinh khoảng 1.500 em hoàn toàn có thể gộp về chỉ còn một trường tiểu học do một hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng điều hành.
Trường học cũ sẽ trở thành điểm trường của trường học mới.
Việc này đối với phụ huynh và học sinh không hề có sự thay đổi hay xáo trộn gì. Học sinh đang học nơi nào vẫn sẽ học tại nơi ấy.
Cách làm này sẽ dư 2 hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng, 2 kế toán và một loạt các chức danh như 2 chủ tịch công đoàn, 4 cán bộ ban chấp hành công đoàn, 4 tổ trưởng công đoàn, 6-7 tổ trưởng chuyên môn, 2 thanh tra nhân dân, 2 thư kí hội đồng, 2 phổ cập giáo dục, 2 tổng phụ trách…
Nếu làm một phép tính đơn giản việc gộp trường của một xã như thế sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ và một huyện thị, rộng hơn là một tỉnh, hay nhiều tỉnh thành sẽ là một con số khổng lồ.
Gộp trường có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?
Có một số ý kiến băn khoăn, lo ngại “việc gộp trường như thế có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh hay không?” câu trả lời chắc chắn là không.
Bởi, học sinh vẫn học tại cơ sở cũ. Mỗi cơ sở cũ vẫn để một Phó hiệu trưởng quản lý.
Vì thế, dù có gộp trường hầu như không có xáo trộn gì. Giáo viên thì vẫn dạy bình thường, sinh hoạt tổ chuyên môn sẽ luân chuyển từng lớp, từng điểm trường. Mỗi khối vẫn có một tổ trưởng và tổ phó.
Mọi kế hoạch cần thông báo đến giáo viên trong tổ đã có hệ thống Vnedu, gmail hoặc thiết lập mạng Zalo nội bộ.
Việc này cũng giảm bớt chuyện họp hành liên miên để tập trung cho chuyên môn.
rường nhiều lớp đương nhiên Ban giám hiệu sẽ làm việc mệt. Thế nhưng cũng cần giao bớt công việc cho các tổ trưởng.
Ví như chuyện giáo viên đổi tiết, nghỉ tiết vì bệnh, tổ trưởng sẽ phân người dạy thay trước khi báo với Ban giám hiệu… Hay như việc thao giảng dự giờ ở tổ giao toàn quyền cho tổ trưởng.
Thao giảng trường một năm chỉ tổ chức mỗi khối lớp từ 1-2 tiết thật chu đáo và chất lượng để giáo viên học hỏi, rút kinh nghiệm…
Ngoài công việc giảng dạy, một số các hoạt động khác cũng vậy, nên kiểm tra bằng hiệu quả công việc tránh việc báo cáo bằng giấy tờ mất khá nhiều thời gian mà không hiệu quả.
Tổ chức thi tuyển Ban giám hiệu
Gộp trường sẽ dôi dư khá nhiều Ban giám hiệu. Ai được bổ nhiệm lại, ai xuống làm giáo viên cũng chẳng hề đơn giản.
Chuyện này không làm khéo sẽ mang tiếng là đi “cửa trước, cửa sau”, sẽ có nhiều người thật sự “không có miếng mà có tiếng”, người được giữ lại cũng khó ngẩng cao đầu vì ai tin mình?
Chuyện hồ nghi cũng sẽ có thể xảy ra vì điều này điều khác, vì thế giải pháp tối ưu nhất là tổ chức thi tuyển công khai lãnh đạo nhà trường.
Ai có năng lực thật sự sẽ làm, ai không đủ tài năng lại quay về giảng dạy.
Lúc này, người thi đỗ không chỉ hãnh diện mà còn phải cố gắng thật nhiều để làm tốt công việc của mình đảm nhận, để chứng minh cho mọi người thấy mình hoàn toàn xứng đáng.
Việc gộp trường sẽ mang đến nhiều điều lợi, tinh giản bớt một số nhân viên, một số chức danh và một số cán bộ quản lý.
Đồng thời, lại tìm được người thực tài làm lãnh đạo giúp cho ngân sách chi cho giáo dục được giảm nhẹ mà chất lượng dạy và học cũng được nâng cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội