Giảm biên chế, lương mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu
Dự kiến, ngày 26/5 tới, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia xung quanh các giải pháp điều chỉnh, cải cách tiền lương. Theo lộ trình, năm 2014, lương sẽ tăng 25-27%.
Theo đó, lộ trình cải cách tiền lương như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, đến năm 2016, lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Nếu thực hiện đúng đề xuất này, lộ trình tăng lương lùi một năm so với đề án đã trình tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước đây.
Theo đề án đã trình, xác định đến 2015, lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Cụ thể, năm 2013, mức điều chỉnh dự kiến là 35-37%; 2014 tăng 25-27% và 2015 tăng 20-25%. Sau khi đạt nhu cầu sống tối thiểu vào 2015, hằng năm sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu theo trượt giá cộng với một phần tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đang đề nghị giãn lộ trình điều chỉnh lương theo 2 phương án.
Phương án 1, lương sẽ đáp ứng nhu cầu tối thiểu năm 2017 với mức tăng bình quân khoảng 16,5-20%/ năm, tùy theo từng vùng. Phương án 2, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu năm 2016 với mức tăng bình quân chung khoảng 18-23% một năm.
Sau nhiều lần hội thảo lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến trình Chính phủ theo phương án 2 và nếu điều kiện thuận lợi sẽ điều chỉnh tăng nhanh hơn khi thực hiện.
Theo nhiều chuyên gia, nếu điều chỉnh theo đúng lộ trình, với khu vực doanh nghiệp, nhiều đơn vị sẽ không chịu được, thậm chí có thể lâm vào tình trạng phá sản. Với khu vực nhà nước, điều quan trọng là phải cắt giảm biên chế vì bộ máy hiện nay đang quá cồng kềnh.
“Không nên tách bạch khu vực nhà nước với khu vực doanh nghiệp. Bởi vì đã là đời sống tối thiểu, người lao động ở đâu cũng đều giống nhau”, một chuyên gia nói.
Công Duy
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo