Tin tức - Sự kiện

Giảm cấp phó bao nhiêu thì đủ?

Một vị lãnh đạo Bộ ngành làm sai thì có thể gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Vậy có nên tiết kiệm chi cho cấp phó?

 “Cần phải quy định rõ ở Bộ, ngành nào thì có tối đa bao nhiêu cấp phó chứ không thể tùy tiện như hiện nay”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nêu quan điểm.

 
Kỳ họp Quốc hội thứ 8 vừa qua (20/10 – 28/11) vấn đề về số lượng cấp phó phân bổ không đều, có cơ quan 1 -2 người, có cơ quan 5-7 người đã được nhiều đại biểu quốc hội đề cập đến.
 
Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, hiện nay chúng ta đang bị “lạm phát” cấp phó. Cấp phó nhiều, tất yếu đội chi ngân sách Nhà nước. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) nói: “Phải cắt bớt lãnh đạo, nhiều người đi học làm lãnh đạo, phấn đấu làm lãnh đạo quá”.
 
Các đại biểu đề nghị trong luật cần quy định rõ số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ (Ảnh Hồng Phú).
 
Trước đó, thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng 7/11, các đại biểu cũng đề nghị trong luật cần quy định rõ số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ.
 
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Nên quy định mức trần tối đa và tối thiểu bao nhiêu thứ trưởng ở mỗi bộ. Mỗi bộ chỉ nên có từ 4 - 5 thứ trưởng, chứ không thể có 9 - 10 thứ trưởng”.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại cho hay, Bộ Nội vụ đã có đề án tinh giản cấp thứ trưởng, nhưng khi lấy ý kiến đã không được sự đồng ý của các bộ ngành liên quan.
 
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội cho biết, ông không đồng tình với quan điểm trên của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.
 
“Việc tinh giản cấp phó phải đưa vào luật chứ không có chuyện đồng ý hay không. Làm như thế là không giống ai và sẽ tạo ra sự tùy nghi, tùy tiện, vô nguyên tắc, không chấp nhận được”, ông Thuận nói.
 
Cũng theo ông Thuận, cần phải quy định rõ ở Bộ, ngành nào thì có tối đa bao nhiêu cấp phó chứ không thể tùy tiện như hiện nay được. Nếu Bộ, ngành nào vượt qua con số đó tức là vi phạm pháp luật. Nếu buông lỏng quản lý cấp phó sẽ dẫn tới tình trạng chạy chức, chạy quyền.
 
“Nhưng muốn biết một Bộ, ngành cần bao nhiêu cấp phó là đủ thì phải có đề tài nghiên cứu mang tính khoa học chứ không thể áng chừng được”, ông Thuận nói thêm.
 
Ông Thuận quả quyết, việc cắt giảm cấp phó không giúp ngân sách tiết kiệm được nhiều tiền như nhiều đại biểu nêu, bởi cách này chỉ giúp tăng trách nhiệm của các vị lãnh đạo còn lại và không ai dám khẳng định các vị đấy sẽ gồng gánh tốt được nhiệm vụ.
 
“Nên nhớ nếu một vị lãnh đạo Bộ ngành còn ngồi đó mà làm sai có thể gây thiệt hại hàng nhiều tỷ đồng cho nhà nước. Nếu đem so mức thiệt hại đó với số tiền chúng ta tiết kiệm được từ việc cắt giảm cấp phó thì có bõ bèn gì?”, ông Thuận nhấn mạnh.
 
Có cùng quan điểm với ông Thuận, TS. Đỗ Quang Tuấn, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, việc tinh giản cấp phó là cần thiết, nhưng nếu đi sâu vào việc cắt giảm bao nhiêu là phù hợp thì phải có tính toán chi tiết.
 
“Rõ ràng hiện nay bộ máy của chúng ta đang khá cồng kềnh và nhiều cấp phó như thế cũng là không hợp lý. Hơn nữa, trong tất cả các văn bản đều quy định, cấp phó chỉ là cấp giúp việc cho cấp trưởng thôi. Quá nhiều cấp phó như thế rõ ràng là không cần thiết, thậm chí thừa thãi, lãng phí”, ông Tuấn khẳng định.
 
Theo Khám phá
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo