Tin tức - Sự kiện

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp và người trồng cà phê

Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, vừa chính thức khai trương, sẽ hoạt động như thế nào, doanh nghiệp kinh doanh cà phê và nông dân được lợi gì...?

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao VN (Vicofa), đánh cồng khai trương BCCE chiều 10.3 - Ảnh: Trần Ngọc Quyền

 
Tổng giám đốc Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) Trần Thanh Hải đã trả lời  xung quanh các vấn đề trên. Ông cho biết:
 
BCCE là nơi mua bán (market place) cà phê Robusta loại 2, vốn đang được giao dịch phổ biến tại thị trường Liffe (London, Anh). BCCE có 2 hình thức giao dịch: hợp đồng giao ngay (spots) như mua bán thông thường và hợp đồng tương lai (futures).
 
Cho dù hình thức giao dịch nào cũng phải là hàng hóa, ký gửi tại những kho hàng đạt chuẩn được chứng nhận bởi BCCE. Người gửi hàng sẽ nhận được chứng thư gửi hàng (warehouse receipt) có khả năng lưu ký và giao dịch trên sàn (tradable certificate).
 
Chứng thư gửi hàng có thể dùng để thế chấp - giao dịch; thế chấp - tín dụng (do vài ngân hàng làm thanh toán trung gian) và không nhất thiết phải nhận 100% tín dụng của lô hàng khi người gửi chưa muốn bán.
 
Cụ thể, một doanh nghiệp A hay hộ Nguyễn Văn A có 10 tấn cà phê loại 3 (có độ ẩm cao, hạt khác màu hay hạt vỡ cao hơn quy định), khi mang hàng vào kho ký quỹ sẽ được BCCE kiểm định.
 
Sau khi quy đổi về chuẩn, lô hàng được cấp chứng thư. Có chứng thư rồi, doanh nghiệp A được quyền kinh doanh như đặt lệnh trên sở giao dịch hoặc có thể dùng thế chấp, vay ngân hàng…
 
BCCE sẽ triển khai việc kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài như thế nào?
 
Sau 5 vòng đàm phán, hiện chúng tôi đã được cho phép kết nối cấp độ 2 như thành viên thanh toán bù trừ (clearing members) của Liffe (Anh) và CME (Mỹ), là hai sàn giao dịch hàng hóa lớn của thế giới, nên có thể đặt lệnh trực tiếp (online trading) qua sàn, chuyển tiền hằng ngày, tiền vào - ra tùy trạng thái lời hay lỗ.
 
Khi kết nối, BCCE phải ký quỹ trên sàn nước ngoài và phải nối hệ thống đặt lệnh với nước ngoài. Ngoài ra, BCCE phải mở tài khoản tại một ngân hàng có trách nhiệm thanh khoản tiền cho các giao dịch (settlement banks).
 
BCCE hiện chưa thể là thành viên trực tiếp của sàn giao dịch nước ngoài vì còn nhiều lý do.
 
Doanh nghiệp kinh doanh và người trồng cà phê sẽ được lợi như thế nào khi tham gia giao dịch trên BCCE?
 
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp VN mua bán, xuất khẩu cà phê hoàn toàn phụ thuộc vào giá quốc tế, trong đó bị trừ lùi rất nhiều. Theo ước tính, hằng năm VN mất gần 200 triệu USD do giá bị trừ lùi.
 
Ngoài ra, việc để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đè giá cũng là vấn nạn khi được mùa. Với cơ chế mới, BCCE vừa là nơi quy tụ, tập hợp người mua bán hàng vật chất, vừa có thể đặt lệnh ra nước ngoài để phòng vệ (hedging), tránh rủi ro cho khách hàng.
 
Để làm được điều này, BCCE sẽ phải kết nối với sàn nước ngoài và cơ chế chạy theo sát giá giao dịch thế giới (giảm trừ lùi). Đây là mục tiêu của BCCE cũng như của các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước.
 
Cảm ơn ông!
Theo Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo