Giảm rủi ro khi tham gia sàn B2B
Nối gót lên sàn
Năm 2010, Công ty cổ phần Sun SJC (chuyên sản xuất và xuất khẩu xơ, sợi và khoáng sản) gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm do khủng hoảng kinh tế.
Để nhanh chóng tiếp cận các nhà nhập khẩu trên thế giới, ngoài việc chào hàng trực tiếp, Công ty đăng ký làm thành viên Gold Suppliers trên website giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com.
Với kinh phí 3.000 USD/năm, sản phẩm được hiển thị nhiều, nổi bật, thu hút sự quan tâm của đối tác nước ngoài.
Ông Phạm Đoàn Trung, Giám đốc Công ty cho hay, đến tháng 6/2011, doanh số xuất khẩu của Công ty đã đạt mức 14 triệu USD.
Hiện Sun SJC đăng gần 1.200 sản phẩm trên Alibaba.com, khách hàng chủ yếu từ châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á. Năm nay, Sun SJC dự kiến doanh số đạt khoảng 30 triệu USD.
Như Sun SJC, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu khu vực Mekong, chuyên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu mặt hàng trang trí nội thất cũng quyết định làm thành viên Gold Supplier của Alibaba.com.
Theo bà Lê Đặng Kim Hiếu, Giám đốc Công ty, qua bốn năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đã khởi sắc hơn rất nhiều.
Trung bình mỗi tháng, Công ty có được hai đơn hàng giá trị lớn đến từ các thị trường như Đức, Anh, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Mexico. Những đơn hàng đó đóng góp 60 - 70% vào tổng doanh thu khoảng 1 triệu USD/năm của công ty.
Trên thực tế, các sàn giao dịch thương mại điện tử đã có hơn 10 năm phát triển tại Việt Nam. Song vài năm trở lại đây, nó mới thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp lớn và vừa.
Điển hình, đại gia Tân Hiệp Phát, vốn có vị thế hàng đầu trong thị trường đồ uống nội địa, đang có tham vọng đưa thương hiệu, sản phẩm ra thị trường thế giới, cũng quyết định tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận các nhà phân phối quốc tế.
Lý giải cho sự lựa chọn này, đại diện của Tân Hiệp Phát cho biết, chính khả năng tiếp cận các thị trường lớn của Alibaba.com là ưu điểm để Tân Hiệp Phát quyết định tham gia sàn giao dịch này.
Trong đó, thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ có số lượng thành viên đông đảo nhất trên Alibaba.com, chiếm tới 16,3%. Từ khi tham gia sàn giao dịch, trung bình mỗi tháng, Công ty nhận được 150 thông tin hỏi hàng của khách hàng khắp nơi trên thế giới.
Nhiều thương hiệu uy tín khác như Nhựa Đông Á, Hapro, Thép Tiến Đạt, Cadisun, Hòa Phát, Viglacera, Prime, Hữu Nghị… cũng chọn sàn TMĐT như một công cụ tìm thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.
Cạnh tranh tiềm ẩn
Các website dạng B2B (giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau) như Alibaba.com đang có sức lan tỏa nhanh tại Việt Nam.
Đại diện thương mại của Alibaba.com tại Việt Nam, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB nhận định, năm 2012 không chỉ bùng nổ mô hình thương mại điện tử B2B, mà mô hình này còn phát triển theo hướng tập trung và chọn lọc cao.
Nhờ tổ chức dữ liệu tốt, khả sàng lọc, mặt hàng, đối tác phù hợp với nhu cầu kinh doanh cả bên mua và bên bán ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phạm Đoàn Trung, Giám đốc Sun SJC, sàn giao dịch B2B có những độ rủi ro nhất định.
Thứ nhất, đây chỉ là kênh tốt khi doanh nghiệp ở vị trí người mua, còn nếu ở vị trí người bán, thị trường này tiềm ẩn sự cạnh tranh. Lòng trung thành của khách hàng sẽ khó kiểm soát, do họ dễ tìm được những thương vụ tốt, dẫn đến thay đổi nhà cung cấp.
Thứ hai, khi tham gia vào sân chơi này, các nhà cung cấp nhỏ có thể liên tục cùng lúc tung ra nhiều sản phẩm. Khi các sản phẩm này có tính năng như nhau, giá sẽ bị đẩy xuống mức thấp nhất có thể. Việc này sẽ khiến cho lợi nhuận ròng thấp và các nhà cung cấp nhỏ vẫn khó cạnh tranh về giá.
Thứ ba, Alibaba.com chỉ đứng ra làm trung gian, không có tính thẩm định và các công cụ bảo đảm tiền đặt cọc giống như trang eBay.
Nếu không muốn gánh chịu rủi ro toàn phần, doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử dạng này phải kết hợp thẩm định trên nhiều kênh thông tin nhằm tạo sự tin tưởng lâu dài, như xác minh qua email, điện thoại, thông qua các tham tán thương mại ở nước sở tại…
Theo ĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo