Tin tức - Sự kiện

Giám sát giao thông qua ĐTDĐ: Không gây rắc rối, phiền hà?

“Kể cả trong trường hợp hệ thống giám sát giao thông bị hack thì cũng không có bất kỳ thông tin cá nhân nào bị rò rỉ để mà lấy ra cả” - ông Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Sản phẩm ứng dụng Viettel Telecom, trấn an
Tại hội thảo ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam tổ chức hôm 18-3, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết đến năm 2016, nước ta có thể giám sát trực tuyến giao thông cũng như cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua internet, điện thoại di động (ĐTDĐ). Thông tin này tạo ra luồng dư luận trái chiều.
 
“Tiện ích cho người dân”
 
Ủy ban ATGT quốc gia và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel Telecom) đang thảo luận để xem xét triển khai đề án ứng dụng mới giúp giám sát phương tiện giao thông qua ĐTDĐ.
 
Lực lượng CSGT Hà Nội triển khai các camera theo dõi những vi phạm về an toàn giao thông để phạt “nguội” Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
 
Theo ông Khuất Việt Hùng, Việt Nam đã có hơn 130 triệu sim ĐTDĐ, các thiết bị di động khác cũng có thể gắn sim. Nếu tích hợp được ứng dụng này trên điện thoại cầm tay thì sẽ có nguồn dữ liệu về trạng thái giao thông trên đường. Để cập nhật thông tin, nhà mạng phải làm việc với khách hàng rồi đi đến thống nhất. “Thông thường ở các nước, nếu thuê bao chấp nhận để nhà mạng sử dụng dữ liệu của mình thì khi đó, nhà mạng cung cấp ngược lại những thông tin liên quan đến giao thông mà thuê bao cần” - ông Hùng dẫn chứng.
 
Theo ông Hùng, ứng dụng này “đem lại tiện ích” cho cả người sử dụng dịch vụ lẫn cơ quan quản lý nhà nước chứ không gây rắc rối hay phiền hà gì. Nó giúp phản ánh trạng thái thực của dòng giao thông, đặc biệt phản ánh tốc độ cũng như hiện tượng xảy ra trên đường để điều tiết giao thông phù hợp. Người dân sẽ được cung cấp trạng thái giao thông, sau đó chỉ cần vài thao tác đơn giản trên ĐTDĐ của mình là đã có thể vạch ra lộ trình đi lại thuận lợi nhất.
 
“Thông tin sử dụng là thông tin không định danh, chỉ là vị trí dịch chuyển của một cái chấm (chiếc ĐTDĐ cá nhân có sử dụng dịch vụ) mà không ai biết cái chấm đó là gì. Hoàn toàn không biết đó là ông A hay là bà B” - ông Hùng khẳng định.
 
Thông tin “hoàn toàn bảo mật”
 
Là đơn vị tham gia đề án ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, ATGT tại Việt Nam, TS Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Sản phẩm ứng dụng của Viettel Telecom, cho biết người tham gia giao thông chỉ cần cài đặt phần mềm bản đồ số trên ĐTDĐ để có thể xem đường đi và không mất chi phí cho nhà mạng.
 
Dữ liệu khách hàng được Viettel thu nhập để chuyển sang xử lý chỉ là các dữ liệu giao thông như tốc độ, hướng di chuyển của số đông phương tiện; tuyệt đối không xử lý dữ liệu khác của mỗi cá nhân.
 
Theo ông Giang, nhà nước không cho phép nhà mạng cung cấp các thông tin cá nhân của khách hàng cho bên thứ ba mà không theo quy định của pháp luật. Quy định hiện hành chỉ cho phép nhà mạng cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản của giám đốc công an cấp tỉnh, thành phố.
 
Viettel cũng làm rất chặt việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng và có những cơ quan kiểm soát nội bộ giám sát việc này. “Từ trước đến nay và trong tương lai cũng vậy, Viettel không bao giờ cung cấp dữ liệu của khách hàng cho người thứ ba mà pháp luật không cho phép. Dù có thực hiện dự án này hay không vẫn vậy. Kể cả trong trường hợp hệ thống giám sát giao thông bị hack thì cũng không có bất kỳ thông tin cá nhân nào bị rò rỉ để mà lấy ra cả” - ông Giang cam kết.
 
Về mặt kỹ thuật, công nghệ, ông Giang cho rằng dữ liệu đầu vào để phục vụ quản lý giao thông là dữ liệu đã được nhà mạng phân tích, xử lý và tổng hợp rồi mới chuyển qua chứ không phải là dữ liệu cá nhân của khách hàng. Khi khách hàng sử dụng dịch vụ giám sát giao thông qua ĐTDĐ, Viettel sẽ cung cấp về các dữ liệu như tọa độ A ở thời điểm hiện tại có bao nhiêu thuê bao có mặt, tốc độ di chuyển trung bình; hướng di chuyển ra sao của các thuê bao chứ không phải cung cấp dữ liệu như chủ thuê bao đang ở đâu, di chuyển thế nào...
 
“Khách hàng hoàn toàn an tâm về thông tin cá nhân của mình bởi tất cả đều được bảo mật, không ai biết bạn đang ở đâu, kể cả nhân viên Viettel cũng không thể truy cập được dữ liệu này. Tôi xin khẳng định chỉ khi nào có văn bản của cơ quan thẩm quyền thì một bộ phận an ninh đặc biệt của Viettel mới được phép thực hiện việc cung cấp hay truy xuất thông tin cá nhân theo lệnh của tổng giám đốc tập đoàn” - ông Giang quả quyết.
 
 
 

 Tiến sĩ, chuyên gia giao thông Phạm Sanh:

 

Không khả thi!

 
Dự án này sẽ không khả thi. Nếu mục đích chỉ để giám sát phương tiện giao thông, tại sao cơ quan thực hiện dự án không sử dụng thiết bị giám sát hành trình có kết nối mạng để gắn vô xe của người điều khiển (tương tự thiết bị giám sát hành trình thực hiện trên ô tô hiện nay) mà phải sử dụng dịch vụ trên thiết bị ĐTDĐ?
 
Nếu người sử dụng tắt điện thoại hay tắt mạng internet, GPS thì làm sao có được dữ liệu để giám sát? Vì vậy, việc sử dụng ĐTDĐ để giám sát xe là không khả thi. Dù các cơ quan triển khai dự án lý luận và khẳng định thông tin cá nhân sẽ không được cung cấp hay bị rò rỉ nhưng ai dám khẳng định thông tin này sẽ được nhà mạng bảo đảm an toàn tuyệt đối?

 Quá nhiều rắc rối

 
Hầu hết bạn đọc Báo Người Lao Động đều không đồng tình với đề xuất giám sát giao thông trên ĐTDĐ vì cho rằng nó vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân của khách hàng. “Không phải chuyện phạt hay không phạt mà về quyền con người, không ai có quyền giám sát bạn đi đâu, làm gì cả, trừ phi ai đó là tội phạm nguy hiểm cần giám sát” - bạn đọc Nguyen Sơn nhấn mạnh.
 
Bạn đọc Nguyễn Quốc Trung cho rằng chỉ có thể gắn thiết bị theo dõi trên phương tiện giao thông chứ không thể truy xuất dữ liệu di động. Nếu bị truy xuất trên mạng di động thì các nhà mạng sẽ bị kiện, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng. Cụ thể, để cập nhật thông tin, nhà mạng phải làm việc với khách hàng nhằm đi đến thống nhất. Ở nhiều nước, nếu thuê bao chấp nhận để nhà mạng sử dụng dữ liệu của mình thì khi đó, nhà mạng cung cấp ngược trở lại những thông tin liên quan đến giao thông mà thuê bao cần. Còn nếu khách hàng không đồng ý thì liệu có cắt số thuê bao?
 
Đông đảo bạn đọc cũng đặt ra rất nhiều vấn đề rắc rối kèm theo nếu áp dụng đề xuất này vào thực tiễn, như: tốc độ GPS không chính xác so với tốc độ thực, dễ dẫn đến phạt oan; phương án giám sát sim rác ra sao... Bạn đọc Minh Anh (quận 2, TP HCM) bày tỏ: “Lại thêm một “đề án” làm khổ dân. Tư liệu thì không thiếu, nhất là khi người dân tham gia giám sát nhưng vấn đề là có xử lý nghiêm hay không và nhất là có chống được tiêu cực trong lực lượng thực thi nhiệm vụ?”. 
Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo