Tin tức - Sự kiện

Giảm thuế để khuyến khích đầu tư

Dự kiến giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo đề nghị sửa Luật thuế TNDN của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình từ phía các DN. Ngân sách Nhà nước chấp nhận hụt thu nhưng đổi lại, việc giảm các mức thuế suất sẽ khuyến khích DN đầu tư, phát triển sản xuất, qua đó sẽ tác động tích cực đối với kinh tế- xã hội trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Xu thế giảm dần theo lộ trình
 
Bộ Tài chính cho biết, thuế suất thuế TNDN ở nước ta có xu hướng ngày càng giảm và thực hiện thống nhất giữa các thành phần kinh tế. Thuế suất thuế TNDN hiện hành 25% là mức trung bình so với trong khu vực (bằng Trung Quốc), nhưng còn cao hơn một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Hongkong…
 
Theo xu thế cải cách thuế của các nước đều có xu hướng giảm dần mức thuế suất phổ thông để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh môi trường đầu tư trong thu hút đầu tư. Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 cũng đã đưa ra nội dung điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Trên thực tế, Luật thuế TNDN hiện hành đã hạ mức thuế suất phổ thông từ 28% xuống 25%, được đánh giá là có tính cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Việc sửa đổi quy định về ưu đãi thuế đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước.
 
Chính sách ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số lượng DN đã đăng ký thuế và đang hoạt động hàng năm đều tăng so với năm trước. Năm 2008 là 286.401 DN; năm 2009 là 348.421 DN; năm 2010 là 423.073 DN; năm 2011 là 440.763 DN, năm 2012 là 461.134 DN.
 
Về vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam không ngừng tăng, năm 2009, vốn thực hiện đạt 10 tỷ USD; năm 2010 vốn thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009; năm 2011 vốn thực hiện đạt 11 tỷ USD, bằng với năm 2010; năm 2012 vốn thực hiện dự kiến 11 tỷ USD, bằng với năm 2011.
 
Thuế TNDN là nguồn thu quan trọng của NSNN. Từ năm 2009 đến năm 2011, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới và có sự điều chỉnh giảm mức động viên thuế suất thuế TNDN từ 28% xuống còn 25% nhưng số thu từ thuế TNDN vẫn đảm bảo tăng trưởng qua các năm, góp phần bảo đảm số thu cho NSNN, giữ vững khả năng tự lực của NSNN, đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Dự kiến gần 88% DN hưởng mức thuế 20%
 
Để thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế, đồng thời phù hợp với xu thế cải cách thuế của các nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 10 Luật thuế TNDN theo hướng: Giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%; đối với DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.
 
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mức thuế suất phổ thông giảm xuống còn 23% và việc áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực và cũng không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng, không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi.
 
Việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 20% cho các DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ có tác dụng thúc đẩy và hỗ trợ cho DN quy mô nhỏ vừa phát triển do đây là nhóm DN chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế (khoảng 87,8% tổng số DN trong cả nước), có vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước các cú sốc, các biến động kinh tế vĩ mô bất lợi, đồng thời vẫn đảm bảo không ảnh hưởng lớn tới số thu ngân sách nhà nước do các DN có quy mô nhỏ và vừa này chỉ đóng góp 39% số thuế nộp ngân sách.
 
Chia sẻ khó khăn với DN trong bối cảnh hiện nay thông qua các chính sách thuế nhận được sự đồng tình rất lớn từ phía dư luận và cộng đồng DN. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ thận trọng khi việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến số thu của ngân sách, và cũng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn chi cho an sinh xã hội cũng như chi thường xuyên. Điều này cũng đã được Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo sửa Luật thuế TNDN cân nhắc, tính toán.
 
Thực tiễn cải cách chính sách thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua cho thấy mặc dù mức thuế suất được điều chỉnh giảm từ 32% xuống 28% năm 2004 và sau đó xuống 25% năm 2009, song nhờ triển khai kịp thời các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu thuế và nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, số thu từ thuế TNDN những năm sau đã dần ổn định trở lại và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
 
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và tỷ lệ lạm phát được duy trì theo các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và xu hướng động viên từ thuế TNDN tiếp tục diễn biến như giai đoạn vừa qua thì dự kiến sau năm 2016 động viên ngân sách từ thuế TNDN có thể quay trở lại mức như hiện nay (năm 2012, động viên ngân sách từ thuế TNDN ở mức 4,82% GDP). 
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo