Giảm thuế để phá ‘cục máu đông’
Phần đông doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng giảm để phá “cục máu đông” hàng tồn kho.
Trên thực tế, việc giảm thuế TNDN xuống mức thấp hơn mới chỉ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp có nguồn thu, nhất là doanh nghiệp có nguồn thu lớn. Trong khi đó, những doanh nghiệp hiện gặp khó khăn thực sự, chưa cân đối được thu – chi, thì sự hỗ trợ đó chưa thật hiệu quả. Gần đây nhất, Nghị quyết 48/NQ-CP, ngày 4/4/2013 của Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính tính toán phương án giảm thuế VAT để hỗ trợ phát triển thị trường nội địa, tăng thu nhập thực tế của người dân.
Thực ra, việc Bộ Tài chính do dự trong việc giảm thuế VAT không phải là không có lý do, bởi với mức thuế suất phổ thông 10%, Việt Nam hiện là một trong số ít nước trên thế giới có thuế suất thuế VAT thấp nhất. Ngoài ra, nếu thuế suất thuế TNCN giảm 2% thì ngân sách sẽ giảm thu ít nhất 14.064 tỷ đồng/năm.
Lý do là mặc dù thuế suất thuế VAT của Việt Nam khá thấp (10%), nhưng theo Ngân hàng Thế giới, số thu từ sắc thuế này trên tổng thu ngân sách của Việt Nam năm 2012 lên tới 26,08% - cao hơn rất nhiều so với hầu hết các nước trên thế giới, chỉ kém Chile (38,7%), Trung Quốc (30,3%) và Indonesia (31,8%). Nghĩa là, nếu ngân sách thu được 100 đồng từ tất cả các khoản thu, sắc thuế, thì người tiêu dùng đóng góp hơn 26%, khiến thu nhập thực tế của người dân giảm xuống.
Sự động viên quá mức và liên tục tăng từ người dân thể hiện qua số thu từ thuế VAT/tổng thu ngân sách tăng từ 21,25% (năm 2008) lên 24,38% (năm 2009) và trên 26% năm 2012 dẫn đến hệ quả là tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước trong quý 1 năm nay tăng thấp hơn cùng kỳ 2012. Tổng doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong 2 năm qua cũng giảm đáng kể so với những năm trước.
Doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ tăng chậm đã khiến hàng tồn kho trở thành “cục máu đông”. Sản xuất đình trệ; doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất gia tăng và hậu quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, thu nhập thực tế của người lao động bấp bênh, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, kéo theo thu ngân sách từ các sắc thuế, khoản thu khác giảm, khiến cân đối thu-chi ngân sách đặt trong tình trạng báo động. Một khi thu nhập thực tế của người dân giảm, giá cả hàng hóa, dịch vụ cao do phải chịu thuế VAT cao, tất yếu sẽ nảy sinh tâm lý thắt chặt chi tiêu, khiến hàng tồn kho tăng, sản xuất đình trệ… cân đối thu - chi lại càng trở nên căng thẳng.
Để giải quyết vòng luẩn quẩn này, cần có giải pháp mạnh, ổn định và lâu dài, trong đó việc xem xét giảm thuế VAT một số ngành hàng, lĩnh vực là điều cần tính đến.
Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Đây là cơ hội để cơ quan này thực hiện yêu cầu của Chính phủ và cũng chính là yêu cầu của cuộc sống là xem xét giảm thuế VAT theo hướng mở rộng số lượng hàng hóa, dịch vụ được hưởng thuế suất 5%; giảm số lượng hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế 10%. Ở đây, cũng nên xem xét cho các cơ quan báo chí có doanh thu từ hoạt động quảng cáo được hưởng thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay. Việc giảm thuế VAT đối với doanh thu từ hoạt động quảng cáo trên báo chí sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đẩy sức mua tăng, góp phần không nhỏ trong việc giải phóng hàng tồn, phát triển sản xuất. Ngân sách cũng sẽ tăng thu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế.
Nếu bảo đảm đảm cân đối thu - chi chỉ bằng biện pháp tăng thu thì an ninh tài chính quốc gia không những không bền vững, mà còn gây hệ lụy đến cả nền kinh tế và đời sống người dân. Vì thế, cùng với việc giảm thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân; giảm phí, lệ phí; gia hạn, miễn, giảm một số khoản thu, sắc thuế... việc giảm thuế VAT cần được nghiên cứu và có giải pháp hợp lý
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo