Tin tức - Sự kiện

Giảm thuế giúp củng cố niềm tin với điều hành kinh tế vĩ mô

Có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nhưng theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh các loại thuế này sẽ không tác động nhiều đến ngân sách, trong khi niềm tin của doanh nghiệp với điều hành kinh tế vĩ mô sẽ được củng cố hơn.
Thông thường, trước khi điều chỉnh một sắc thuế, các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc thật kỹ những điều được và mất; tác động của việc điều chỉnh đến nguồn thu, cân nhắc nguy cơ làm mất ổn định kinh tế. Đây là những vấn đề được đưa ra trước khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. 
 
Đồng tình với việc cân nhắc được – mất khi điều chỉnh thuế, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Hữu Huỳnh cho rằng, việc giảm thuế thu nhập trong thời điểm này không chỉ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
 
So với thời điểm ban hành luật năm 2008, số lượng doanh nghiệp tính đến ngày 1/1/2012 đã tăng thêm 162.000 doanh nghiệp khiến công tác kê khai, nộp thuế mất nhiều thời gian và chi phí. Đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mức thuế suất 25% quả thực là một gánh nặng với mỗi đơn vị. Chính phủ đã đề xuất giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23% và giảm xuống mức 20% đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. 
 
Đánh giá về đề xuất của Chính phủ, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống mức 20% không chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 
Ở góc độ của đơn vị kinh doanh bán lẻ, đại diện Công ty cổ phần Nhất Nam, chủ nhân chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng không tác động nhiều đối với doanh nghiệp trong ngành vì đầu vào, đầu ra đã được cân đối. Nhưng nếu mức thuế suất phổ thông giảm sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như giúp mỗi đơn vị có kinh phí thực hiện tái đầu tư.
 
Ghi nhận việc giảm thuế suất phổ thông, cũng như thuế suất với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên có một mức thuế chung, không nên có những trường hợp đặc biệt như quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, mức thuế gián thu (tức là thuế đánh qua hàng hóa, cụ thể ở đây là thuế giá trị gia tăng) của nước ta hiện nay là 10% cũng thấp hơn so với mức bình quân của thế giới là từ 14 - 17%. Mức thuế ở nước ta đã khoan sức dân, nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ dẫn tới nguồn thu ngân sách giảm. Do vậy, về lâu dài phải tính toán chính sách để không giảm nguồn thu mà vẫn khoan sức dân. 
 
Tuy nhiên, theo Ts Nguyễn Minh Phong, nếu việc giảm thuế suất phổ thông không đi cùng với việc giãn nộp thuế thì sẽ chưa ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách. Trong điều kiện hiện nay cần thực hiện giải pháp đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp, chưa thích hợp để đưa ra mức thuế suất chung. Hơn nữa, giải pháp này được thực hiện sẽ góp phần tăng niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
 
Theo Bộ Tài chính, nếu điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức 23% và 20% thì thu ngân sách năm 2014 sẽ giảm khoảng 14.000 tỷ đồng. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng dự kiến sẽ giảm thu ngân sách khoảng 2.081 tỷ đồng.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo