Gián điệp thương mại: Cuộc chiến Mỹ - Trung
Các xung đột kinh tế Mỹ - Trung thường được miêu tả là nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tình trạng thâm hụt thương mại và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới còn tồn tại một cuộc chiến ngầm không kém phần khốc liệt liên quan tới các gián điệp thương mại.
Thống kê của các cơ quan an ninh Mỹ cho thấy Trung Quốc đang là quốc gia dẫn dầu về số các vụ gián điệp thương mại được phát hiện trong hơn một thập kỷ qua. Gián điệp thương mại không chỉ là mối đe dọa kinh tế mà còn là vấn đề an ninh quốc gia và ở cấp độ quốc gia đó là một dạng chiến tranh mạng.
Tình trạng tấn công mạng máy tính dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm xâm nhập và ăn cắp chất xám cùng với những vi phạm liên tục và ở mức độ rộng lớn quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian qua đã gây thiệt hạng hàng tỷ đô la cho nhiều doanh nghiệp Mỹ. Trong thời gian qua, Trung Quốc được Mỹ và nhiều nước phát triển khác xếp hạng là quốc gia đứng đầu trong danh sách những nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức các vụ tấn công mạng vì mục đích kinh tế.
Hơn một thập kỷ "ăn cắp"
Điều đáng ngạc nhiên chính là các vụ vi phạm có vẻ không giảm bớt cùng với sự lớn mạnh của nền kinh tế nước này. Giới phân tích cho rằng chính các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã ngầm chấp nhận gián điệp thương mại và cho rằng họ không có trách nhiệm phải giải thích "chính sách" của mình với thế giới.
Trong một thị trường tự do cạnh tranh, hai suy nghĩ này đều cần phải được xem lại. Về phía Mỹ, các chính khách và giới doanh nghiệp đều tin rằng cường quốc này cần phải thay đổi và có những đòn đáp trả thích đáng để đối phó với các vụ gián điệp thương mại ngày càng gia tăng, vì đơn giản điều đó là không thể chấp nhận được.
Những tiến bộ về công nghệ đã mở đường cho các vụ gián điệp và trở thành phương tiện để tin tặc nhiều nước (trong đó có Trung Quốc) tấn công vào các mục tiêu là cơ sở, tập đoàn hàng đầu thế giới của Mỹ. Điều tra về các vụ gián điệp thương mại được phát hiện trong những năm qua đều cho thấy sự dính líu ở những mức độ khác nhau của các tập đoàn, công ty hàng đầu của Trung Quốc như: PetroChina, Beijing Auto, Sinovel, Datang Telecom hay Pangang.
Đây đều là những công ty tiếng tăm của Trung Quốc trên thế giới và đều là doanh nghiệp nhà nước hoặc có liên quan tới chính phủ Trung Quốc. Các công ty này đều được hệ thống luật pháp Trung Quốc bảo vệ và có xu hướng chia sẻ nguồn lực với những tập đoàn nhà nước khác. Việc một doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ những bí mật công nghiệp sống còn với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành là khá hy hữu.
Những thực tế đó càng khẳng định cho kết luận rằng ngành chế tạo của quốc gia được mệnh danh là công xưởng của thế giới này đang được hỗ trợ một cách bất hợp pháp. Không khó để tìm ra những bằng chứng cho thấy sự trùng hợp đáng ngạc nhiên giữa các vụ gián điệp thương mại được phát hiện với sự phát triển "vượt bậc" của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng hay ô tô...
Telcom có lẽ là một minh chứng điển hình nhất. Các tin tặc Trung Quốc đã tiếp cận toàn diện được công nghệ của Nortel - công ty đa quốc gia chuyên sản xuất thiết bị viễn thông, trong suốt 10 năm ròng và lấy đi những thông tin vô cùng quý giá đối với các đối thủ cạnh tranh của Nortel trên thị trường. Nhiều đặc điểm của các thiết bị do Trung Quốc sản xuất sau đó lại có những ưu thế cạnh tranh đáng kể so với dòng sản phẩm của Nortel. Vấn đề là chúng xuất hiện trên thị trường rất nhanh chóng sau khi Nortel bị tấn công. Thật khó để tin rằng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Từ lâu trình độ công nghệ vượt trội luôn là một lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên thị trường thế giới. Việc lấy cắp thành công các bí mật công nghệ này, dù bằng phương thức tấn công mạng hay xâm hại quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm suy giảm giá trị thương mại và nền kinh tế Mỹ.
Công nghệ ăn cắp được có thể giúp Trung Quốc trong ngắn hạn nhưng đó luôn không phải là một chiến lược phát triển bền vững bởi gián điệp thương mại là một con dao hai lưỡi. Nó là phương tiện tuyệt vời để bắt kịp các nước phát triển nhưng cũng là vật cản để một quốc gia chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu thật sự. Bởi vì người ta sẽ không có ham muốn phải sáng tạo khi có thể đi ăn cắp của người khác và việc chuyển từ sao chép sang phát minh cũng là một chặng đường dài.
Mỹ sẽ đối phó như thế nào?
Gián điệp kinh tế đối với Trung Quốc có lẽ sẽ là một vấn đề còn tồn tại lâu dài và việc tìm kiếm một giải pháp chính trị để các nước như Mỹ giải quyết vấn đề này không hề đơn giản. Các hãng sản xuất chất bán dẫn Mỹ hay DuPont chắc chắn không thể trông cậy vào hệ thống luật pháp Trung Quốc để gây sức ép hoặc buộc tội các đối thủ Sinovel và Pangang.
Việc sử dụng cơ chế pháp lý của Mỹ hay tòa án quốc tế có thể là một lựa chọn nhưng nếu Trung Quốc phớt lờ các phán quyết thì sẽ ra sao? Có lẽ giải pháp duy nhất là Mỹ và các nước cần gia tăng sức ép với Bắc Kinh trong việc tuân thủ các quy định kinh doanh thông qua ba biện pháp chính dưới đây.
Washington luôn đau đầu đối phó với các vụ gián điệp thương mại của Trung Quốc
Một là, đưa vấn đề gián điệp thương mại vào các cơ chế đối thoại cấp cao, như Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung vào tháng 5 tới và các cuộc tiếp xúc song phương cấp cao khác. Để các cuộc gặp này thực sự có hiệu quả, Mỹ chỉ nên đặt ra một hoặc hai mục đích kinh tế chính cần đạt được trong quá trình đối thoại. Các doanh nghiệp Mỹ cũng cần chấp nhận sống chung với mối đe dọa này trong một thời gian nữa và hợp tác với nhau để cùng giải quyết nó.
Thông tin về các vụ tấn công, các thành công và thất bại trong việc ngăn chặn gián điệp thương mại cần được chia sẻ, đặc biệt giữa các doanh nghiệp trong những lĩnh vực có nguy cơ cao như viễn thông, năng lượng. Chính phủ liên bang cũng cần đóng vai trò điều phối để đảm bảo tính bảo mật của doanh nghiệp.
Hai là, Cơ quan thương mại và an ninh nội địa nên tạo một diễn đàn nơi chính phủ và doanh nghiệp có thể chia sẻ tri thức và nguồn lực. Việc thông qua các dự luật về an ninh mạng cũng hết sức cần thiết, với các điều khoản có thể áp dụng trong lĩnh vực gián điệp thương mại nhằm thiết lập các quy chuẩn giúp chính quyền có thể can thiệp sâu vào các vụ gián điệp thương mại.
Ba là, chính phủ và doanh nghiệp cần phối hợp với nhau để báo cáo các trường hợp gián điệp thương mại một cách có hệ thống và vào thời điểm thích hợp bởi từ trước tới nay doanh nghiệp Mỹ đôi khi gặp khó khăn hoặc thất bại trong việc báo cáo, ngăn chặn các vụ gián điệp thương mại. Doanh nghiệp cũng cần có quyền được hỗ trợ kỹ thuật từ phía chính quyền liên bang trong việc tịch thu các dữ liệu bị đánh cắp hoặc phong tỏa các đường tiếp cận thông tin kinh tế mật.
Những vụ gián điệp kinh tế điển hình của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua - Năm 2001: Hai công dân Trung Quốc bị buộc tội ăn cắp bí mật phần mềm của tập đoàn Lucent rồi tuồn về cho Datang Telecom. - Năm 2002: Hai nguời khác đuợc hỗ trợ bởi chính quyền thành phố Hàng Châu bị cáo buộc là lấy cắp bí mật công nghệ của 4 tập đoàn khác nhau của Mỹ. - Năm 2003: Nhân viên của PetroChina bị bắt giữ khi đang tìm cách lấy cắp phần mềm ảnh địa chấn tại Thung lũng Silicon. - Năm 2004: Hãng thiết bị viễn thông Canada Nortel - một trong ba nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới phát hiện các hacker có nguồn gốc từ Trung Quốc đã xâm nhập toàn diện vào hệ thống mạng của hãng này trong một thời gian dài, đe dọa an ninh mạng của Nortel và nhiều khách hàng của hãng. - Năm 2005: Nhân viên người Trung Quốc làm việc tại công ty chuyên sản xuất sơn và chất phủ AkzoNobel của Hà Lan có trụ sở tại Mỹ ăn cắp những chất liệu cần thiết cho việc sao chép kỹ thuật tạo lớp phủ công nghiệp tiên tiến. - Năm 2006: Một người Mỹ và một người Trung Quốc bị buộc tội ăn cắp thông tin độc quyền của nhà sản xuất linh kiện xe hơi Metaldyne và tìm cách chuyển chúng cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. - Năm 2007: Kexue Huang bị tòa án bang Indiana buộc tội chuyển các bí mật thương mại cho chính phủ Trung Quốc - vụ án đầu tiên của bang này liên quan tới hoạt động gián điệp kinh tế nước ngoài. - Năm 2008: Cựu nhân viên của hãng sơn DuPont Tze Chao bị buộc tội làm gián điệp cho Pangang với nhiệm vụ ăn cắp công nghệ sản xuất titan dioxit nhằm giúp Pangang nắm bắt được chìa khóa của dây chuyền sản xuất của DuPont. - Năm 2009: Nhân viên của hãng xe hơi Ford bị bắt giữ vì ăn cắp bí mật công nghệ của hãng và bán cho Beijing Auto - Năm 2010: Hàng chục tập đoàn đa quốc gia trở thành mục tiêu của các vụ tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc thông qua các vụ tấn công tinh vi vào tài khoản Gmail và vào các loại tài sản thuộc sở hữu trí tuệ. - Năm 2011: Công ty sản xuất chất siêu dẫn Mỹ kiện tập đoàn sản xuất tua-bin hàng đầu Trung Quốc Sinovel vì tội ăn cắp phần mềm để điều khiển tua-bin gió - Năm 2012: Giám đốc cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết tin tặc Trung Quốc đã tấn công vào một công ty chuyên cung cấp dịch vụ an ninh máy tính các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ như Lockheed Martin. |
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo