Sáng 16/7, Đại tá Ngô Ngọc Thu cho biết giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển cách vị trí cũ khoảng 30 hải lý về hướng Tây Bắc.
Trao đổi với chúng tôi, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: đây không phải là việc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam mà chỉ là sự di chuyển của nó, giống như trước đây đã từng có sự di chuyển từ vị trí hạ đặt đến vị trí mới về hướng Đông Nam.
Hiện tại các lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn kiên trì theo dõi sự di chuyển của giàn khoan này, chưa thể khẳng định là Trung Quốc rút đi được. Còn nguyên nhân vì sao Trung Quốc di chuyển, các lực lượng chấp pháp không thể tiếp cận sát giàn khoan nên không thể biết. Hiện các tàu của Việt Nam vẫn giữ nguyên tần suất hoạt động, nỗ lực tiếp cận giàn khoan của Trung Quốc để tuyên truyền khẳng định chủ quyền của quốc gia.
Trước đó, nhiều tờ báo đăng tải thông tin Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Có nhiều đồn đoán về lý do giàn khoan Hải Dương 981 được di chuyển khỏi vị trí cũ. Trong đó, có ý kiến cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 phải "chạy" bão Rammasun. Từ chiều tối 17/7 đến cuối tuần, dự báo, cơn bão Rammasun cực mạnh sẽ vượt qua Philippines vào biển Đông ở phía đông đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc dù là giàn khoan “siêu hiện đại”, “siêu bền vững” và “siêu khủng” nhưng cũng chỉ được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 10.
Trước sức mạnh và diễn biến phức tạp của bão Rammasun, để đảm bảo an toàn, khả năng Trung Quốc sẽ phải rút các tàu làm nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981, đồng thời, không loại trừ sẽ phải di dời giàn khoan này vào vị trí gần bờ.
Còn Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) khẳng định giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí ở khu vực gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) hôm 15/7.
CNPC cũng cho biết, dấu hiệu của dầu và khí đã được tìm thấy sau 73 ngay giàn khoan này hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Công ty này đang tiến hành đánh giá các dữ liệu thu thập được và quyết định chuyển bước đi tiếp theo.
Theo lời ông Qiu Zhongjian, chuyên gia địa chất dầu khí thuộc viện kỹ thuật Trung Quốc, các phân tích ban đầu về các dữ liệu địa chất cho thấy các điều kiện và tiềm năng cơ bản của dầu mỏ ở khu vực giàn khoan hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam nói trên, tuy nhiên hoạt động khai thác tạm thời chưa thể thực hiện vì Bắc Kinh còn phải tổng hợp, phân tích và đánh giá những tài liệu về khu vực này. Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 vì các lý do an toàn bởi tháng 7 là tháng bắt đầu của mùa mưa bão, ông Qiu Zhongjian giải thích.
Trong một diễn biến khác, Cục Hải sự Trung Quốc hôm 10/7 thông báo giàn khoan Nam Hải 4 sẽ hoạt động tại Biển Đông từ ngày 9/7/2014 đến ngày 30/6/2015.
Khu vực tác nghiệp nằm cách cảng Bát Sở, tỉnh Hải Nam khoảng 62 hải lý về phía tây nam, với tọa độ 18°36'48,47" Bắc/ 107°40'28,43" Đông. Điểm hạ đặt giàn khoan Nam Hải 4 tuy nằm trong khu vực vịnh Bắc bộ nhưng không xâm phạm chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vị trí hạ đặt giàn khoan Nam Hải 4 cách điểm vuông góc gần nhất trên đường phân giới vịnh Bắc bộ khoảng 35 km về phía Trung Quốc. Hiện Trung Quốc cũng đang có giàn khoan Nam Hải 9 hoạt động ở vị trí tương tự, sát đường phân giới vịnh Bắc bộ như Nam Hải 4.
Cục Hải sự Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 cũng sắp tham gia thăm dò ở Biển Đông.
Báo Đất Việt