Năm 1999, trong Tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc đã khái quát phương châm 16 chữ vàng với Việt Nam “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Đến năm 2002, Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là “4 tốt”: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt". Nhưng với những hành động ngang ngược, gây hấn trong thời gian qua, Trung Quốc dường như đã tự phá bỏ những điều tưởng chừng là “vàng” của hai nước.
Ông Nguyễn Trung - nguyên trợ lý thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định: “Trước khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển của nước ta và có những hành động gây hấn đối với các tàu cảnh sát biển, tàu cá Việt Nam thì Trung Quốc biết rõ đã phá bỏ 16 chữ vàng và 4 tốt trong mối quan hệ với Việt Nam”.
Đánh giá tình hình trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, ông Trung phân tích: “Sau những hành động ngang ngược và bất cần của Trung Quốc, Việt Nam cần phải xem xét lại những chính sách của mình. Họ đã không còn giữ mối quan hệ 16 chữ vàng, 4 tốt nữa thì chúng ta cũng phải đánh giá, nhìn nhận đúng cục diện và mối quan hệ với Trung Quốc.
Không thể phủ nhận những áp lực và thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với các nước trong khu vực và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy rõ được thách thức này, phối hợp với các quốc gia khác thì hoàn toàn có thể đối phó được. Nên biết, Trung Quốc đặt giàn khoan là để thách thức trực tiếp Việt Nam và để kết nối cái gọi là đường lưỡi bò 9 điểm nhằm gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác”.
Là người nghiên cứu về mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử và theo dõi sát những hành động gây hấn, xâm chiếm vô pháp ở Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua, ông Trung cho rằng: “Năm 1956, Trung Quốc đã bắt đầu có những động thái thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Đặc biệt là sau khi ký hiệp định Giơnevơ, Trung Quốc đã thẳng thừng dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa trước sự phản đối kịch liệt của dư luận quốc tế.
Âm mưu đó lộ rõ hơn khi đầu tháng 5.2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào thẳng vùng biển chủ quyền của nước ta. Hành động này phải nói chính xác là xâm lược, lấn chiếm và nó đã tồn tại xuyên suốt trong tư tưởng của lãnh đạo Trung Quốc”.
“Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn thời điểm này để đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam. Giàn khoan Hải Dương - 981 đã được họ chuẩn bị từ nhiều năm nay. Nếu phân tích tình hình thế giới và trong nước thì việc Nga tiến hành sáp nhập Crimea đã đặt ra rất nhiều vấn đề trong quan hệ Nga – Ukraine, Nga – Phương Tây. Mặt khác, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cũng có bước phát triển mới. Sự hợp tác giữa hai cường quốc khiến cục diện thế giới thay đổi. Cùng với đó là thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan, nhất là phát biểu của trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc ở Shangri-La 13 cho thấy chưa bao giờ Trung Quốc lại tỏ ra hung hăng như vậy.
Tôi cho rằng, Trung Quốc đã thực sự chuyển mình sang giai đoạn thực hiện chính sách bá quyền ở biển Đông, thời kỳ chiếm được chỗ nào thì chiếm, khẳng định chỗ nào thì khẳng định” - ông Nguyễn Trung phân tích.
Để đối diện với những thách thức từ Trung Quốc, ông Nguyễn Trung cho rằng: “Chúng ta cần phải cho dân biết, dân hiểu về mối quan hệ hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta cần phải dứt khoát xử lý các tình huống, nếu không sẽ càng ngày gặp nhiều khó khăn trước thái độ của Trung Quốc. Yếu tố căn bản để nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước trước hành động xâm chiếm của Trung Quốc là dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về quan hệ hai nước. Nếu chúng ta lúng túng, không kiên quyết đấu tranh thì thế giới cũng khó lòng ủng hộ mình được”.
Báo Lao Động