Giao dịch ngoại hối trên sàn Forex là trái pháp luật
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 16/3 về quan điểm của cơ quan quản lý đối với sàn Forex, cũng như khuyến cáo các tổ chức, nhà đầu tư không nên tham gia hình thức kinh doanh này.
Theo ông Huy, bản chất kinh doanh sàn Forex (hay sàn giao dịch ngoại hối) là hoạt động kinh doanh ngoại hối qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của tỷ giá các đồng tiền hay giá hàng hóa nguyên liệu trong đó có vàng.
Ngoại hối được hiểu là bao gồm ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và vàng trong đó có cả vàng trên tài khoản.
Việc kinh doanh trên sàn Forex không phải hoạt động mua, bán ngoại hối phục vụ nhu sử dụng ngoại hối mà là hoạt động mua, bán ngoại hối nhằm đầu cơ biến động giá.
Ông Huy cho biết: Theo Điều 36 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày18/3/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam, nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối là: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; Ngân hàng Nhà nước quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành, tổ chức và cá nhân chỉ được thực hiện các giao dịch hối đoái (giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao quyền chọn) theo quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng được phép.
Các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động ngoại hối khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối.
"Do vậy, các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối là trái pháp luật", Vụ trưởng NHNN nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 95/2011/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tổ chức và cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ và kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo Nghị định này, Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Hiện nay, mặc dù giao dịch trên sàn Forex là bất hợp pháp nhưng vẫn có một số tổ chức và cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động này. Ngoài rủi ro pháp lý có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng, tổ chức và cá nhân còn phải đối mặt với rủi ro phải trả phí giao dịch cho chủ sàn trong khi chủ sàn có thể can thiệp vào quá trình giao dịch theo hướng có lợi cho họ bất lợi cho người tham gia.
"Đặc biệt, thị trường ngoại hối là một thị trường biến động nhanh và khó lường nhất trong các thị trường tài chính, tiền tệ rất nhạy cảm với các thông tin kinh tế toàn cầu nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong khi đó, nhà đầu tư Việt Nam còn gặp hạn chế về tiếp cận thông tin nên rủi ro thua lỗ là rất cao", ông Huy cảnh báo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024