Xã hội

Giáo dục đại học và tăng trưởng xanh

Với sự phối hợp, hợp tác của trường đại học (ĐH) mạnh về nghiên cứu của khu vực Đông Á, tăng trưởng xanh sẽ sớm trở thành hiện thực tại khu vực này trong tương lai không xa.

Các diễn giả tham gia Besetoha 16.

Quan điểm tăng trưởng xanh từ góc nhìn các trường ĐH

 
Tại Diễn đàn Giám đốc 4 trường ĐH khu vực Đông Á lần thứ 16 tổ chức tại ĐHQGHN, bốn đại học Đông Á đã cùng chia sẻ quan điểm các quốc gia hiện đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường sinh thái.  
 
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ khẳng định vai trò của các Đại học trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh là góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng của quốc gia thông qua đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng xây dựng cơ sở khoa học góp phần cho việc hoạch định chính sách của Chính phủ; bằng các hoạt động trao đổi học thuật (hội thảo, hội nghị…) đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng và Chính phủ.
 
Trên cơ sở đó, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đề nghị: Hợp tác xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo sau đại học và chuyên sâu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thiết lập diễn đàn tăng trưởng xanh và chương trình trao đổi học giả trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
 
Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul Nak-in Sung đưa ra khái niệm rõ ràng: Tăng trưởng xanh là tăng trưởng kinh tế bền vững với môi trường. Tăng trưởng xanh có ý nghĩa vừa đảm bảo tăng thu nhập quốc dân nhưng vẫn giữ được những điều kiện tốt cho thiên nhiên và con người. “Tăng trưởng xanh có nghĩa là “tăng trưởng” và “xanh” cùng tồn tại, theo đó tăng thu nhập GDP dựa trên việc hy sinh hệ sinh thái không được coi là tăng trưởng xanh đúng đắn”.
 
Theo ông Nak-in Sung, hai chiến lược quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh bao gồm: Chính sách kinh tế xanh-xanh hoá các chính sách của chính phủ về công nghiệp, năng lượng, giao thông; Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
 
“Các đại học châu Á cần không ngừng trao đổi những nội dung đào tạo và các thành quả nghiên cứu, đồng thời phải nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững và tăng trưởng xanh ở châu Á – một khu vực có bối cảnh lịch sử và các giai đoạn phát triển kinh tế đa dạng. Đây chính là vấn đề mà BESETOHA phải chủ động”, ông Nak-in Sung bày tỏ quan điểm.
 
Còn Giáo sư Li Yansong - Phó Giám đốc Đại học Bắc Kinh nhận định rằng, tăng trưởng xanh là lĩnh vực khoa học liên ngành và giải quyết vấn đề liên quốc gia, toàn cầu, do đó đây là nội dung quan trọng trong hợp tác các đại học, góp phần phát huy được vai trò quan trọng của các đại học. Ông Li Yansong nói: “Các đại học nên điều chỉnh chương trình và cách thức đào tạo, chú trọng giáo dục môi trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực xanh. Các đại học cần hợp tác chặt chẽ, lấy ưu bổ khuyết nhằm phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị gánh vác sứ mạng thời đại, hướng tới xây dựng một trái đất ít ô nhiễm tươi đẹp và có ích cho đời sau”.
 
Đồng quan điểm trên, GS Furuta Motoo từ Đại học Tokyo cũng cho rằng, đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giống như trong “hải trình không có la bàn” mà nhân loại đang phải đối mặt trong thế giới hiện đại. Nó đòi hỏi sự kết hợp tri thức của tất cả các lĩnh vực khoa học, bao gồm không chỉ khoa học tự nhiên, mà cả khoa học xã hội. Đây cũng là điều mà các đại học quốc gia như 4 đại học lớn ở Đông Á cần phát huy vai trò của mình trong thời đại ngày nay.
 
Tăng trưởng xanh dưới quan điểm lãnh đạo cơ quan quản lý
 
Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, những khó khăn đặc thù của tỉnh là vừa phải đảm bảo phát triển công nghiệp khai khoáng, vừa phải giữ vững môi trường xanh-sạch nhằm thu hút phát triển du lịch. Đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu cấp bách của tỉnh Quảng Ninh, trong đó Tăng trưởng xanh là định hướng ưu tiên, là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 
 
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính.
 
Ông Hậu bày tỏ: “Tham dự Diễn đàn BESETOHA là cơ hội để tỉnh tiếp thu, học hỏi được kinh nghiệm của các nước trên thế giới nhằm cập nhật, bổ sung và hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của tỉnh”.
 
Nói về tầm quan trọng của các trường đại học đối với tăng trưởng xanh, ông Trần Hồng Hà – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, “xanh hoá” nền kinh tế không chỉ mang lại lợi ích toàn cầu mà còn mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia, doanh nghiệp và mỗi người dân. Thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là nhiệm vụ của các bên có liên quan: Nhà nước, khối doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu…
 
Thứ trưởng nhận định: “Vai trò của các trường ĐH trong việc tham gia thúc đẩy tăng trưởng xanh được thể hiện trên các phương diện: Các trường ĐH đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong, giúp các cơ quan Nhà nước xây dựng và hoạch định chính sách về tăng trưởng xanh; Các trường ĐH là nơi cung cấp nguồn nhân lực, ý tưởng khoa học và công nghệ để phục vụ tăng trưởng xanh. Đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới và chuyển giao những tri thức này cho chính phủ, xã hội và cộng đồng thông qua đào tạo, nghiên cứu và tư vấn".
 
Tại diễn đàn, 4 ĐH đã đề cao vai trò của đại học đối với mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với đặc thù của từng quốc gia, đồng thời đưa ra những cam kết của mình trong việc hỗ trợ hợp tác nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực mới này. Đồng thời, các nhà khoa học cũng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận trực tiếp về các chủ đề liên quan nhằm triển khai các chương trình hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh.
 
Với vai trò như một cầu nối giữa cung và cầu nguồn nhân lực, các trường ĐH chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực xanh cho các địa phương, bộ, ngành. Các trường ĐH thông qua nguồn nhân lực này, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh bằng thay đổi cách sống, cách sản xuất và tiêu dùng. Nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao từ các trường ĐH xanh này sẽ giúp xanh hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

 

Theo Chinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo