Xã hội

Giáo dục nghề nghiệp: Công nhân cũng phải được coi trọng như tiến sĩ

Trong khuôn khổ Ngày hội giáo dục diễn ra tại TPHCM, Sở GDĐT TP đã tổ chức hội thảo về giáo dục nghề nghiệp và các giải pháp đồng bộ góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Tham gia sáng tạo sản phẩm trong Ngày hội giáo dục TPHCM

Gửi học sinh cấp 3 vào doanh nghiệp

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc văn phòng sử dụng lao động - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra quan điểm của giới sử dụng lao động về đào tạo và giáo dục dạy nghề tại Việt Nam.
 
Theo đó sẽ có các hoạt động như chương trình chuyển tiếp từ trường học sang doanh nghiệp, chương trình đào tạo kỹ năng làm việc cho lao động trẻ… Học sinh cấp 3 sẽ được gửi vào doanh nghiệp để học về những yêu cầu của nơi làm việc như về khả năng trình bày bản thân, quản lý bản thân và thời gian, giao tiếp, làm việc cá nhân và theo nhóm, tuân thủ các quy tắc an toàn vệ sinh lao động, áp dụng đúng các quy trình làm việc, giữ gìn nơi làm việc… để các em được va chạm với thực tế ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
 
Thực tế hiện nay cho thấy thị trường đang thiếu trầm trọng lao động được đào tạo và có tay nghề, chất lượng cao. Các cơ sở đào tạo nghề thuộc khối doanh nghiệp chỉ chiếm dưới 30%, hầu hết các xí nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc tự tổ chức đào tạo nghề cho người lao động gặp nhiều khó khăn.
 
Vì thế, cần phải có sự liên kết trong tuyển sinh học nghề giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề để học viên sau khi học xong sẽ được nhận vào làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cơ sở dạy nghề trong việc dạy thực hành, chuyển giao công nghệ mới cũng như cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, việc làm, điều kiện làm việc, thu nhập để người học có sự lựa chọn sau khi tốt nghiệp.
 
Ông Huy chỉ ra một thực trạng là những người tốt nghiệp trường nghề chưa được xã hội coi trọng, vẫn còn những phân biệt đối xử trong các cấp bậc đào tạo khiến cho học sinh không thiết tha với việc học nghề. Cần phải có những biện pháp đãi ngộ cụ thể cho những tay nghề bậc cao. Người công nhân cũng cần được coi trọng, ngang hàng như những bằng cấp tiến sĩ, kỹ sư khác.
 
Phân luồng ngay từ bậc THCS, THPT
 
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nhận định, giáo dục đào tạo nghề cần phải có những đổi mới cho phù hợp với xu thế hiện tại. Để làm được điều đó, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới mục tiêu đào tạo, đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đối mới phương pháp đào tạo theo hướng cá nhân hóa, tích cực hóa người học, kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm…
 
Sở GDĐT TP đã thành lập 4 Hội đồng Hiệu trưởng các trường TCCN, CĐ, ĐH chuyên ngành như ngành sư phạm, sức khỏe, du lịch và kỹ thuật công nghệ, qua đó các trường kết hợp với các sở, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp chuyên ngành trong quá trình đào tạo, giải quyết nơi thực tập, việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo phối hợp với các trường ĐH nước ngoài như TAFE của Úc…
 
Quan trọng hơn, công tác phân luồng, hướng nghiệp được thực hiện từ ngay sau bậc THCS và THPT, giúp học sinh nhận thức rõ năng lực bản thân để có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo