Tin tức - Sự kiện

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Muốn cải cách giáo dục phải tập trung vào đạo đức và chất lượng

Dành gần cả cuộc đời cho giáo dục, đến nay, với tôi hai chữ đạo đức và chất lượng luôn luôn trở thành nỗi niềm trăn trở. Bởi lẽ, thiếu nó, thì ngành giáo dục ở mọi thời đại sẽ khó có bước phát triển theo đúng nghĩa.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại

Giáo dục Việt Nam nhìn từ quá khứ 

 
Trong thời kỳ chiến tranh, mặc dù đời sống vật chất vô cùng gian khổ, điều kiện học tập hết sức thiếu thốn, những lớp học mái tranh liếp nứa trong những cánh rừng heo hút đã đào tạo được một thế hệ thanh niên sau này hầu hết đều trở thành rường cột trong nhiều ngành khoa học ở nước ta cho tới nay.
 
Thành công lớn nhất của nền giáo dục cũ ở nước ta theo tôi là đã bồi dưỡng được lòng ham hiểu biết cho người học. Đã có một lớp trí thức ở ta dù bằng cấp rất khiêm tốn nhưng là những tài năng thực sự trên nhiều lĩnh vực. Những tấm gương của thầy cô giáo, những người được nể trọng trong làng xã từ những ông Cử, cụ Nghè cho tới ông hương sư là mẫu mực về sự hiểu biết, tấm gương về cách cư xử hợp đạo lý, trụ cột của các gia đình tử tế được mọi người ngưỡng mộ cũng là động lực thôi thúc lòng ham học của mỗi người khi được cắp sách tới trường. Người ta tiếp bước truyền thống coi “nhân bất học bất tri lý”, học để mở mang tầm nhìn, học để sống cho ra con người. 
 
Dẫn chứng trên để thấy rằng, giáo dục của thời đại trước tuy thiếu thốn nhiều về điều kiện vật chất nhưng vẫn tạo ra được những con người chuẩn mực đạo đức, những nhân tài lừng danh cho mọi thời đại. 
 
Soi xét hiện tại
 
Thế nhưng, điều đáng buồn là từ sau cải cách ruộng đất, thang bậc giá trị trong giáo dục đã thay đổi. Bởi lẽ, mục đích học tập hiện nay chỉ đơn giản là bằng cấp, cùng với một số “thủ tục” tất yếu sẽ thành công. 
 
Đơn cử, trong giáo dục đại học, người học chỉ quan trọng làm sao tốt nghiệp để có tấm bằng, còn người dạy học cốt sao đào tạo được nhiều. Vậy nên, dù có trình độ cử nhân hay thạc sĩ, thì tỷ lệ thất nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ không nhỏ vì muốn làm được nghề đã được đào tạo, người học cần được đào tạo lại, nghĩa là sau ba bốn năm học, thời gian và tiền của trở thành “nước lã ra sông”- như vậy là, giáo dục đang xa rời với chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu của xã hội.
 
Trên thực tế, trẻ em nước ta tới trường không phải để được tạo điều kiện phát huy những năng lực cá nhân mà để dần thành thạo “nghệ thuật diễn”. Sắp tới trường, các em đã được cha mẹ dạy cho cách “diễn”, “diễn” để làm đẹp lòng thầy cô, “diễn” để cha mẹ được đẹp mặt với thiên hạ vì con là học sinh giỏi, là học sinh của các trường chuyên lớp chọn. Và rồi, bài học đầu tiên của mỗi học sinh ngay từ cấp tiểu học cũng là học cách “diễn”. Từ “diễn” khai giảng tới “diễn” vẻ “tự nguyện” tham gia vào các lớp học thêm do thầy cô tổ chức… Vì thế, tôi thật sự không mấy ngạc nhiên khi theo kết quả điều tra mới đây ở VN, người có trình độ học vấn càng cao, tỷ lệ gian dối càng nhiều, từ khoảng 20% ở tiểu học lên tới  80% ở đại học.
 
Cải cách tương lai ?
 
Thực tế trên cho thấy, muốn giải quyết nền giáo dục hiện tại thì phải tập trung vào hai vấn đề đó là: giáo dục đạo đức xã hội cho người học ngay từ ngày bắt đầu tới trường (cấp tiểu học) và định hướng nghề nghiệp trong tương lai (ở bậc đại học). Nghĩa là, giáo dục phải gắn liền với trách nhiệm đạo đức xã hội và chất lượng nguồn nhân lực. 
 
Trước hết, phải thay đổi việc dạy đạo đức trong nhà trường, bởi đây là vấn đề mấu chốt để chấn hưng giáo dục. Chúng ta thường nói trí, thể, mỹ phải đi liền với nhau. Rõ ràng đạo đức bao giờ cũng được đặt lên trước. Không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết các trường học đều có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là học sinh phải học lễ nghĩa trước, sau đó mới học văn hóa. Vì thế, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề hết sức quan trọng”. 
 
Theo chuẩn mực quốc tế, thì uy tín và năng lực đào tạo của mỗi trường ĐH, được đánh giá qua tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm, có khả năng làm tốt công việc và đặc biệt là làm đúng ngành nghề được đào tạo. Do vậy, muốn đạt được mục tiêu này, người học cần phải đạt chuẩn đầu ra, có đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết của ngành nghề được đào tạo, có khả năng nhanh chóng đáp ứng và thích nghi với thực tiễn công việc, với những tiến bộ nhanh chóng của khoa học - công nghệ. Thế nhưng, bản thân cá nhân người học sẽ không tự quyết định được yếu tố này mà theo tôi sẽ có 3 yếu tố quan trọng nhất tác động tới vấn đề này, đó là giáo trình, giáo viên và kỹ năng nghề. 
 
Cụ thể, về giáo trình phải đảm bảo hướng dẫn cho học sinh từ kiến thức tới kỹ năng học áp dụng trong thực tế như thế nào với nền kinh tế nơi học sinh đang sống và phát triển. Đối với đội ngũ giáo viên phải đảm bảo về chất lượng giảng dạy. Ví dụ như trường Đại học London, giáo viên phải là người dạy tiếng Anh bản ngữ để đảm bảo đúng chất Anh. Về kỹ năng nghề phải linh hoạt và phát triển, không chỉ dạy những cái đã biết mà phải dạy những cái kỹ năng ngành nghề đó yêu cầu để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, khi phát triển khung cấu trúc chương trình thì phải tìm giá trị, nhu cầu mới để tái trúc lại chương trình cho phù hợp thực tế. Ba yếu tố này, phải được thực hiện đồng bộ vì mỗi yếu tố đều có liên quan chặt chẽ đến nhau như cùng trên một trận chiến không thể tách rời. Ví dụ như ăn mặc đẹp nhưng đi đôi giày cũ sẽ làm lệch lạc hình ảnh.
 
Tôi được biết, ở nước Anh, họ có một ban kiểm định chất lượng hoạt động độc lập, không thuộc tổ chức quản lý tiền của Chính phủ. Ban kiểm định này sẽ phụ trách về chất lượng giảng dạy của các trường. Chất lượng họ đo được là họ dựa trên chất lượng trải nghiệm của các trường đó và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường. Thường để đánh giá đúng chất lượng của một trường đại học thì trường đó phải hoạt động khoảng 5 năm. Với trường ĐH London (UoL) thì Ban kiểm định này đánh giá cả hoạt động ngoài nước Anh và cả trong nước Anh. Cụ thể, họ giám sát cả về chất lượng bằng của sinh viên học tại Anh hay học tại Việt Nam sẽ phải tương đương nhau. Các chương trình của British University Vietnam (ĐH Anh Quốc VN - BUV) cũng được đánh giá và kiểm soát dựa trên hệ thống này.
 
Do vậy, nếu giáo dục đại học của VN cũng làm được như họ- nghĩa là gắn giáo dục với chất lượng nguồn nhân lực đào tạo thì bức tranh về nền giáo dục của VN sẽ có nhiều điểm sáng hơn.
 
Thay lời kết cho bài viết, tôi muốn nói rằng, để nền giáo dục của VN phát triển theo đúng nghĩa và hội nhập cùng cộng đồng thế giới, thì giáo dục phải được gắn liền với vấn đề trách đạo đức và định hướng nghề nghiệp (nghĩa là chất lượng nguồn nhân lực).
 
HNĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo