Giật mình với các loại quỹ đầu năm học
Hoa mắt với những khoản đóng góp
Chị Hồng Cúc có con học lớp 2 Trường Tiểu học B.S (Q.5) phản ánh: “Hôm họp phụ huynh đầu năm, tôi phải đóng 3,5 triệu đồng. Ngoài các khoản học phí, bán trú, bảo hiểm, học tiếng Anh... còn phải đóng quỹ heo đất 200.000đ, quỹ khen thưởng 300.000đ, quỹ lớp 400.000đ, rồi còn quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường vài trăm ngàn nữa. Tôi không hiểu vì sao lại có nhiều loại quỹ đến như vậy”.
Ngoài các khoản thu học phí, thu hộ chi hộ, thu theo thỏa thuận khoảng 1 triệu đồng, phụ huynh học sinh (PHHS) Trường Tiểu học L.Đ.C (Q.11) cũng mệt mỏi với các khoản đóng thêm như quỹ cha mẹ HS 350.000đ; mua sách tham khảo gần 500.000đ… Tổng các khoản thu đầu năm lên tới trên 3 triệu đồng/HS.
Trường Tiểu học N.V.T (Q.4), vào đầu năm học PH đã phải đóng gần 2 triệu đồng, trong đó chiếm khá nhiều là khoản đồng phục như đồng phục đi học, dã ngoại, thể thao… Ngoài ra còn phải đóng thêm cùng lúc ba chương trình học tiếng Anh là tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh theo đề án với mức phí gần 300.000đ/tháng.
Tại Trường Tiểu học T.V.T (Q.9), PH phản ánh các khoản phí phải đóng cho việc học Anh văn quá nhiều như thiết bị học ngoại ngữ theo đề án phổ cập và nâng cao năng lực tiếng Anh: 15.000đ/tháng; Anh văn bổ trợ Cleverlearn (khối lớp 1): 80.000đ/tháng. Ngoài ra các lớp còn lại từ khối 2 đến khối 5 sẽ học chương trình Anh văn tự chọn: 30.000đ/tháng; lớp tăng cường tiếng Anh 50.000đ/tháng (không kể chương trình bổ trợ).
Tại lớp lá của một trường mầm non tư thục quận Gò Vấp, PH đã “choáng” khi nhận được phiếu liệt kê các khoản phải thu của tháng 9 bao gồm tiền ăn bán trú 540.000đ (30.000đ/ngày), tiền ăn sáng 216.000đ; học phí nuôi dạy 900.000đ; điện và vệ sinh phí 60.000đ; BH YT và bảo hiểm tai nạn 100.000đ/năm; môn năng khiếu Anh văn, võ (hoặc thể dục nhịp điệu), vẽ 70.000đ/môn/tháng; học phí giờ cá nhân: 1,1 triệu đồng. Đặc biệt, khoản tiền cơ sở vật chất 3 triệu đồng/năm. Tổng số tiền PH phải đóng lên đến trên 6 triệu đồng.
Phụ huynh sợ… ban phụ huynh
Chánh văn phòng Sở GDĐT Đỗ Minh Hoàng cho biết sở đã có công văn từ ngày 5.8 hướng dẫn về thu, sử dụng học phí và thu khác của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2014 - 2015. Theo quy định hiện hành, khoản thu hộ - chi hộ là khoản thu khác (ngoài học phí) được các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thống nhất chủ trương với phụ huynh học sinh để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, ấn chỉ hồ sơ học sinh, học phẩm - học cụ, trang bị thiết bị học ngoại ngữ.
Ngoài ra, tiền ăn và tiền nước uống cũng được hạch toán vào khoản thu hộ - chi hộ theo mức thu do nhà trường tính toán được thỏa thuận với PH nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho HS.
Chính vì Sở GDĐT “siết chặt” nên mọi khoản thu “ngoài lề” của các trường ngẫu nhiên đều bắt nguồn từ “ý tưởng” của ban đại diện cha mẹ HS. Chị Hồng Cúc cho biết: “Ban PHHS đứng lên thu các khoản quỹ, trong đó có yêu cầu PH phải đóng góp thêm một loại quỹ để giúp nhà trường mua máy vi tính trong khi hiện tại trường đã có đủ máy tính cho HS.
PH chưa kịp có ý kiến phản đối thì trưởng ban PH đã tuyên bố luôn: “Con mình học ở đây nên không thể có chuyện bạn này đóng mà bạn kia không đóng để rồi được hưởng như nhau”. Mức đóng được tuyên bố là “tùy tâm” nhưng nhìn mọi người đều đóng 200.000 - 300.000đ thì tôi cũng không thể đóng thấp hơn được”.
Nhiều PH Trường THCS Colette (Q.3) giật mình khi ban đại diện cha mẹ HS nhà trường đề nghị thu khoản phí 2 tỉ đồng để sửa chữa, xây dựng nhà vệ sinh thông minh trong năm học này. Nếu tất cả PH đồng ý thì phương án thực hiện sẽ là HS trả dần trong khoảng ba năm với số tiền 100.000-400.000 đồng/năm/HS tùy theo khối lớp. Lãnh đạo nhà trường cho biết, 2 tỉ đồng chỉ là kinh phí để xây dựng, sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh nam, nữ của HS, nếu thực hiện cả nhà vệ sinh cho GV (cũng đã xuống cấp), kinh phí đội lên khoảng 600 triệu đồng nữa.
Nhiều PH cho biết họ rất “sợ” ban đại diện cha mẹ HS. Bởi trên danh nghĩa, những người này được bầu ra để đại diện cho tiếng nói của PH nhưng thực tế, ban đại diện này giống như “cánh tay nối dài” của trường, lớp, đẻ ra các loại quỹ, các loại khoản để thu tiền mỗi dịp đầu năm học.
End of content
Không có tin nào tiếp theo