Giày dép Việt Nam được hưởng GSP từ 2014
Mặt hàng giày dép của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ năm 2014.
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho hay Uỷ ban châu Âu vừa ban hành quyết định về việc ngừng cấp GSP cho một số mục sản phẩm GSP.
Theo quyết định này, các sản phẩm giày dép của Việt Nam thuộc nhóm 12a và 12b đã được đưa ra khỏi danh mục "trưởng thành" của Liên minh châu Âu (EU) và được hưởng chế độ GSP.
Quyết định này là văn bản pháp lý bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2016. Ngoài giày dép, những mặt hàng khác của Việt Nam xuất sang EU cũng tiếp tục được hưởng ưu đãi GSP.
Trước đó, nguy cơ EU không cho một vài mặt hàng chủ lực của Việt Nam hưởng ưu đãi GSP là khá cao do EU áp dụng cơ chế “trưởng thành” - không cho hưởng ưu đãi GSP đối với một số sản phẩm của quốc gia đã có trình độ phát triển cao xuất khẩu vào EU. Theo cơ chế này, các sản phẩm nhập khẩu từ EU chỉ được hưởng ưu đãi GSP từ một nước có thị phần trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP đạt tới 17,5%. Việc EU mở rộng và đưa nhiều sản phẩm vào mục “trưởng thành” đã làm cho nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam sẽ không được hưởng GSP, nên thị phần hàng nhập từ Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP của EU và như vậy, hàng hóa của Việt Nam nhập vào thị trường này rất dễ đạt tới ngưỡng “trưởng thành”.
Với việc EU tiếp tục dành ưu đãi thuế quan theo GSP cho các sản phẩm giày dép của Việt Nam theo quyết định mới nói trên là tin vui cho ngành xuất khẩu da giày. Bởi nhiều năm qua, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành da giày Việt Nam. Thời gian qua, các nước EU gặp khó khăn về kinh tế, nên lượng hàng xuất sang thị trường này cũng bị thu hẹp. Việc được hưởng ưu đãi thuế sẽ giúp cho sản phẩm da giày của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm cùng loại ở những quốc gia khác xuất khẩu vào EU.
Hiện nhiều hàng hoá Việt Nam được hưởng GSP (tức được hưởng mức thuế suất bằng 0% hoặc thấp hơn quy định của WTO). Thực tế, ngoài hàng hoá thuộc mục XII của Việt Nam xuất vào EU như giày dép, ô dù, túi xách,…hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam đều được hưởng GSP khi xuất vào thị trường này. Trong đó, giày dép chỉ được hưởng mức MFN, tức 7,69% thay vì mức GSP 3,5-4%. May mặc vẫn được hưởng mức thuế ưu đãi GSP 9,6%, thay vì mức MFN 12%.
Theo GSP mới, cơ chế trưởng thành áp dụng khi tổng nhập khẩu hàng hóa vào EU thuộc một mục của một nước vượt quá 17,5% tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự từ tất cả các nước đang hưởng GSP của EU trong vòng 3 năm (đối với mặt hàng dệt may là 14,5%).
Nhật Minh (Theo VGPNews)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo