Trước những lo ngại trong dư luận về việc buông lỏng quản lý xuất bản thời gian qua, đặc biệt là với sách thuộc diện liên kết. Phóng viên đã trao đổi với ông Chu Văn Hòa- Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) về vấn đề này.
PV: Luật Xuất bản trao mạnh quyền tự chủ cho các nhà xuất bản (NXB). Nhưng ông có cho rằng, thay vì làm đúng luật, các NXB đang lạm quyền để "làm mưa làm gió” thị trường xuất bản?
Ông Chu Văn Hòa: Luật Xuất bản 2012 nội dung thay đổi nhiều nhưng tập trung 3 hướng chính: Một là, đưa liên kết xuất bản thành một chương (trước đây chỉ có Thông tư liên bộ), thông qua quản lý xuất bản đưa ra liên kết xuất bản với mọi hạng mục và luật hóa nó. Thứ hai, là tiên liệu đưa vào chương xuất bản điện tử, và rõ ràng bây giờ chúng ta bị động khi đón nhận nó. Và thứ ba là việc nâng cao trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, các biên tập viên. Xưa nay, nhiều người cứ nhầm tưởng các NXB thì xuất bản còn Cục thì kiểm duyệt, nhưng hoàn toàn không phải thế. Trong vấn đề này, phải nói thật là cần những vị giám đốc, tổng biên tập có tài, có tâm, cần những biên tập viên có nghề, biết nghề, hiểu về nghề, hiểu biết luật để đủ tư cách, phẩm chất mới làm được việc thay mặt nhân dân để làm bộ lọc tinh nhạy trước khi cho sản phẩm ra với công chúng. Nhiều giám đốc NXB giờ hỏi về Luật Xuất bản cũng chưa nắm rõ thì tránh sao được sai phạm.
Vậy đi thẳng vào quản lý liên kết xuất bản, lâu nay những sai phạm bị phát hiện cũng chủ yếu ở mảng này. Ông có cho rằng cơ quan quản lý đang "buông”?
- Lâu nay, một số NXB núp dưới bóng liên kết nhưng thực ra là bán giấy phép lấy tiền và không thèm nhìn mặt "con” mình đẻ ra, cho nên có nhiều giám đốc NXB khi bị phát hiện sai phạm mới tá hỏa hỏi: Có phải sách của "nhà” tôi không”? Bởi vì trước đó họ có xem kỹ đâu. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên trách nhiệm phát triển ngành xuất bản và quản lý xuất bản không phải duy nhất một cơ quan là Bộ Thông tin và Truyền thông mà đó chỉ là cơ quan trực tiếp tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc này…
Cục Xuất bản sẽ có những biện pháp mạnh tay như thế nào để siết hoạt động xuất bản, thưa ông?
- Tới đây, khi phát hiện sai phạm, ngoài việc xử lý tập thể chúng tôi sẽ xử lý tới từng cá nhân. Đây cũng là dịp các cơ quan nhà nước có cơ hội để xử lý các NXB làm ăn gian lận. Theo tôi, thanh kiểm tra hoạt động xuất bản là một giải pháp quan trọng nhưng không phải tất cả. Cơ bản là xây dựng những NXB đủ tiềm lực và Cục Xuất bản sẵn sàng ủng hộ, tiếp thu và kiên quyết đẩy lùi từng bước đối với hiện tượng tiêu cực trong ngành xuất bản. Chúng ta đã để xảy ra nạn bán giấy phép tràn lan, cho phát hành, xuất bản tràn lan, ăn cắp bản quyền và chất xám của xã hội quá lâu rồi đến nỗi mọi người tưởng là việc nhỏ, nhưng đến nay đã là việc lớn rồi, phải xử lý nghiêm minh và mạnh tay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đại đoàn kết