Xã hội

Giây phút "đấu trí với tử thần" cứu bé trai bị đâm thủng tim

Trải qua 4 giờ mổ nghẹt thở, ekip bác sĩ phải "đấu trí với tử thần" để giành lại mạng sống cho bé trai bị cọc sắt đâm xuyên ngực, thủng tim.

Bé Sang ngày xuất viện. Ảnh: Vietnamnet

Được biết, trước đó, vào buổi tối ngày 26/10, khi Sang chơi trong nhà thì nghe tiếng bạn gọi từ ngoài. Vì cửa chính bị khóa, bé liền chạy lên lan can tầng 2. "Lan can cao hơn người nên Sang phải leo lên rồi ngó xuống tìm bạn, nhưng do chới với, bé bị ngã từ độ cao 8m xuống hàng rào" – chị Lan kể.

Khi người nhà chạy ra thì hoảng hồn chứng kiến bé nằm ngửa trên hàng rào, bị thanh sắt đâm xuyên người, liền bế đi cấp cứu, báo Vietnamnet đưa tin.

Bé được chuyển tới BV Thống Nhất trong tình trạng vết thương xuyên thấu từ trước ra sau, da niêm nhợt nhạt, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, xen kẽ đã có đợt ngưng tim.

Thuật lại ca mổ thần tốc ngoài dự kiến trong đêm, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, khoảng hơn 20h ngày 26/10, ông đang chuẩn bị đi công việc riêng thì nhận được điện thoại từ giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất ở khu vực quận Tân Bình gọi thông báo có ca bệnh nguy kịch cần hỗ trợ theo quy trình “Báo động đỏ liên viện”.

"May mắn là nhà tôi gần bệnh viện và sẵn có taxi đang chờ. Ngay lập tức, tôi lên taxi và đến bệnh viện Thống Nhất khoảng 10 phút sau cuộc gọi. Đến nơi tôi thấy thằng bé đã xanh như tàu lá. Vết thương trên ngực đã được đồng nghiệp ở Bệnh viện Thống Nhất khâu tạm nhưng trông sắc diện bệnh nhi, tôi biết chắc bên trong đang chảy máu nghiêm trọng nên đề nghị mổ ngay mà không cần phải chẩn đoán thêm", bác sĩ Hiếu kể, báo Tri thức trẻ đưa tin.

 

Các bác sĩ đã thảo luận chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút ngay trên bàn mổ và thống nhất ý kiến. Lệnh báo động đỏ được phát đi, toàn bộ êkíp trực và các bác sĩ giỏi nhất và cả Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đều có mặt để cùng bác sĩ Hiếu tiến hành mổ. Tổng cộng, có khoảng 20 người, trong đó có 3 bác sĩ chuyên phẫu thuật tim, phổi có mặt tại phòng mổ để tiến hành ca cấp cứu.

Bác sĩ Hiếu cho biết: “Vừa mổ ra thì thấy máu trong lồng ngực ào ra. Nhận thấy ở màng tim có một vết rách khoảng chừng 3cm. Máu thoát ra từ vết rách đó. Tôi nhận định đây là một trường hợp đâm trúng tim rồi. Lúc đó, máu vọt ra rất là nhiều. Chúng tôi đưa một ngón tay vô chặn nó lại. May mắn là ngón tay tôi đưa vô trúng chỗ lỗ thủng của tim nên giảm được một lượng máu chảy ra đáng kể”.

"Khi mở lồng ngực của bé, chúng tôi mới thấy sự quyết đoán của bác sĩ Hiếu là vô cùng chính xác. Tim bệnh nhi thủng một lỗ khoảng 3cm. Máu từ vết thương chảy ra liên tục", một bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất nói.

"Việc khâu bít lập tức được tiến hành, tuy nhiên khâu xong vết thương ở tim và kiểm tra đến phổi thì chúng tôi tiếp tục phát hiện 2 vết thủng nữa. Phải mất hơn một giờ căng thẳng, các vết thương mới được khâu kín thành công", bác sĩ Hiếu thuật lại.

Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thám sát phần phổi. “Phổi bệnh nhân có hai vết rách nữa ở vùng thùy dưới phổi bên phải, mỗi vết rách khoảng chừng 3cm”, bác sĩ Hiếu nói.

 

Do bệnh nhi bị mất máu quá nhiều, bệnh nhi còn bị 2, 3 vết thương ở thành ngực, đội ngũ y tế phải khâu các vết thương hở, hồi sức tích cực, liên tục tiếp tổng cộng 5 đơn vị máu cho bé. Có thời điểm, tim bệnh nhi đã ngưng đập nhưng nhờ bóp bóng kịp thời nên hoạt động trở lại.

Ca mổ kết thúc hơn nửa đêm. Khi tình trạng bệnh nhi vừa ổn định, huyết áp trở lại, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển sang BV Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị.

Sở Y tế đã khen tặng cho tập thể và cá nhân các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhi nhờ Qui trình báo động đỏ liên viện. Ảnh: NĐ

Theo báo CA TP.HCM, tại BV Nhi Đồng 1, bé được kiểm tra lại, siêu âm tim có khối máu tụ trong trung thất chèn ép tim, làm hạn chế khảo sát cấu trúc tim và được hồi sức tích cực. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn toàn viện và quyết định phẫu thuật cấp cứu lần hai với mục đích thám sát, lấy máu tụ và đánh giá tổn thương tim.

Ngoài các vết thủng, các bác sĩ có xác định bé bị gãy xương sườn và một đốt sống lưng. Tổn thương này khiến hai chân bé bị yếu, nhưng hiện cháu bé đã hồi phục hoàn toàn, chạy nhảy như trẻ bình thường.

PGS TS BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá sự phối hợp liên viện một cách nhịp nhàng và kịp thời giữa 2 bệnh viện: Thống Nhất và Nhi Đồng 1 để cứu chữa cháu bé. BS Tăng Chí Thượng đánh giá đây là một ca khó, nhưng cháu bé đã được cứu sống ngoạn mục.

 

Đến nay, sau 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé Nguyễn Thanh Sang (5 tuổi, ngụ TP.HCM) đã hoàn toàn khỏe mạnh khi xuất viện.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo Vietnamnet, Tri thức trẻ, CA TP.HCM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo