Tin tức - Sự kiện

Giới trẻ Việt ngày nay quá...rảnh

Đã có rất nhiều dư luận khen chê suốt tuần vừa qua, khi người khổng lồ McDonald’s khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, tại Sài Gòn.

Tâm điểm dư luận rơi vào những đoàn người rồng rắn, lũ lượt xếp hàng phía trước cửa hàng McDonald’s. Có những lúc, khách hàng tới nhiều đến mức, làm nghẽn cả vòng xoay Điện Biên Phủ. Nhiều người đi qua tặc lưỡi, chỉ một bữa ăn thôi mà, có nhất thiết phải khổ thế không. Nhưng, vẫn có nhiều người khác bênh vực, mỗi người mỗi sở thích, chỉ cần xếp hàng trật tự thì chẳng vấn đề gì.

 
Lại nhớ sự kiện tương tự khi Starbucks khai trương cửa hàng tại Sài Gòn cách đây chưa lâu. Dân Sài Gòn cũng xếp hàng rồng rắn để mua cho được cốc nước uống “pha đường có mùi cà phê”.
 
Ở đây, chúng ta sẽ không bàn về chuyện có nên làm thế không, mà sẽ bàn về chuyện vì sao giới trẻ Việt Nam lại chấp nhận nắng nôi chờ suốt gần một giờ đồng hồ để mua một suất thức ăn nhanh?.
 
Với nhiều người lớn, thì McDonald’s chỉ là một cửa hàng thức ăn nhanh, muốn đến xem cho biết hoặc ăn coi ngon dở thế nào, để ngày khác, lúc nào ít khách. Họ thấy việc bỏ ra trên dưới 30 phút trong điều kiện thời tiết nóng bức chỉ để ăn một đĩa gà rán là không cần thiết. Đó là còn chưa nói, thức ăn nhanh vô cùng không tốt cho sức khỏe, có nguy cơ gây béo phì và các bệnh nguy hiểm khác.
 
Điều đầu tiên, khiến các bạn trẻ, khách hàng mục tiêu của McDonald’s, không ngại khó, ngại khổ “trường kỳ kháng chiến” trước cửa hàng để được ăn một chiếc hamburger là do họ có quá nhiều…thời gian rảnh. Bởi, với một người trưởng thành, đang đi làm, chẳng ai lại nghĩ đến chuyện tới đội nắng trước McDonald’s trong hơn 30 phút để ăn một miếng gà rán hay một cái bánh, cốc kem.
 
Hơn 30 phút đứng mỏi gối, chồn chân với nhiều bạn trẻ chẳng là cái “đinh ghỉ” gì; thời gian chính là thứ họ thừa nhất. Rất nhiều bạn trẻ Việt cực kỳ lười biếng, ngoài thời gian đến lớp, họ không chơi thể thao, chẳng học thêm ngoại ngữ cũng không tham gia các hoạt động xã hội; đọc sách là một việc vô cùng củ chuối. Thế nên, xếp hàng 30 phút hay hơn nữa, đối với họ cũng chẳng là vấn đề.
 
Điều thứ hai, với nhiều bạn trẻ, việc họ phải xếp hàng cho bằng được để vào McDonald’s không phải do muốn thưởng thức hương vị gà hay kem, họ không quan tâm nhiều đến điều đó, mà muốn cho mọi người biết: mình đã viếng thăm cửa hàng McDonald’s, một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất nhì thế giới; bằng cách, chụp ảnh đưa lên facebook, twitter, instagram. Nói không ngoa, nếu McDonald’s đổ bộ vào Việt Nam sớm hơn khoảng tầm 5 năm, khi các loại mạng xã hội chưa phổ biến tại Việt Nam, hẳn sẽ không có cảnh chầu chực sớm trưa như thế. Ăn là thứ yếu, thể hiện sự sành điệu, năng động (những người đầu tiên ăn McDonald’s), khoe hàng mới là quan trọng.
 
“Người Việt Nam không đến các cửa hàng thức ăn nhanh để thưởng thức hương vị món ăn. Họ đến McDonald’s như là cách thể hiện sự sành điệu, xu hướng thời thượng”, Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương của McDonald đã bình luận như thế trên USA Today. Dù mới bắt đầu khai phá thị trường Việt, nhưng có vẻ McDonald rất hiểu tâm lý người Việt, nhất là giới trẻ. Với người lớn, McDonald chỉ là một cửa hàng bán thức ăn nhanh; nhưng với giới trẻ, McDonald là thời thượng, hiện đại. Chiều hướng sính ngoại trong giới trẻ một lần nữa được thể hiện rõ rệt.
 
Cũng chính tâm lý “sính ngoại” nên trong vài năm nay, các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng trên thế giới đã tham gia vào cuộc đua nhằm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Thực khách Việt đang bị các tên như tuổi KFC, International Dairy Queen Inc; Domino’s Pizza Inc; Starbucks; Lotteria,…chinh phục. Các tên tuổi này đang lấy tiền trong túi của người tiêu dùng Việt Nam.
 
Nói đi thì phải nói lại, để được “sính”, thương hiệu phải xuất sắc hơn nhiều, khác biệt hơn nhiều và đôi khi phải may mắn hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Và chúng ta đều biết rằng, nếu đã được “sính”, mặc kệ ai chỉ trích thì cứ việc, nhưng vinh quang và tiền bạc thì cứ tự nhiên chảy về.
 
Nói cho rõ, "sính ngoại" không phải là xấu, vì không ai có quyền bắt chúng ta phải “yêu’ hay phải "ghét" một thương hiệu nào đó. Ai chả mong một ngày nào đó sẽ có một thương hiệu Việt nào đó xuất hiện ở Mỹ, ở khắp châu Âu, khắp thế giới,...và cũng được hàng chục ngàn người chào đón mỗi khi xuất hiện. Sẽ rất lấy làm tự hào nếu người dân Mỹ xếp hàng để mua cho bằng được một ổ bánh mì Sài Gòn, chẳng hạn.
 
Vấn đề ở đây là, có vẻ giới trẻ Việt Nam đang thích lãng phí thời gian vào những thứ phù phiếm, không thật tế. Như đã nói, đa phần trong số họ "chịu đựng" xếp hàng chỉ để thể hiện sự sành điệu. Ăn là thứ yếu, chụp hình khoe sành điệu là chủ yếu. Họ say mê lướt web, đắm chìm trong thế giới ảo trên các mạng xã hội. Họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền mua váy đẹp, tìm cảnh đẹp bỏ công sức đi chụp ảnh để đăng lên facebook để nhận nhiều lời ngợi khen của người lạ; trong khi chưa từng mua bất cứ món quà nào tặng ba mẹ, anh chị cũng như chưa từng đỡ đần cha mẹ bất cứ công việc nhà nào.
 
Chắc chắn, có không ít cô thầy giáo vô tình đi qua cửa hàng của McDonald, sẽ cảm thấy ghen tị. Ước chi, khi học hành thi cử, học trò của mình cũng có thể kiên nhẫn, chịu thương chịu khó như khi lăn xả giữa trời nắng để được vào McDonald ăn gà rán. Ước chi, các em cũng bừng bừng khí thế như thế khi tham gia các lao động trong trường lớp hoặc các hoạt động xã hội. Nền giáo dục của Việt Nam đang không bằng một miếng gà rán!.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo