Giữ nguyên lịch chích ngừa viêm gan B
Chiều 24-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp với hai hội đồng: Hội đồng Tư vấn sử dụng văcxin và Hội đồng Đánh giá tai biến sau tiêm chủng.
(Tuổi Trẻ) Kết thúc cuộc họp, Bộ Y tế có thông báo tiếp tục tiêm văcxin viêm gan B sơ sinh theo lịch là 24 giờ sau sinh. “Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con mình đi tiêm chủng văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất chủ động dự phòng các bệnh truyền nhiễm đã có văcxin” - thông báo của Bộ Y tế cho hay.
Theo thông báo này, Hội đồng Đánh giá tai biến sau tiêm chủng của Bộ Y tế cũng thống nhất với đánh giá tại Quảng Trị, về nguyên nhân sự cố làm ba trẻ tử vong sau tiêm văcxin ngừa viêm gan B sơ sinh tại Bệnh viện huyện Hướng Hóa là sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị đã độc lập lấy mẫu văcxin, mẫu phủ tạng ba trẻ gửi Viện Kiểm định quốc gia về văcxin và sinh phẩm y tế.
Về ca tử vong tại Bình Thuận sau tiêm văcxin viêm gan B sơ sinh ngày 21-7, Hội đồng cũng kết luận trẻ đột tử chưa rõ nguyên nhân, không có triệu chứng biểu hiện sốc do văcxin nhưng hiện lô văcxin liên quan đã bị tạm dừng sử dụng tại tỉnh Bình Thuận.
Trong khi đó, chiều 24-7, chị Võ Thị Thúy (27 tuổi, mẹ của bé tử vong ở Bình Thuận) cho biết sau khi tiêm thì đến 14g-15g ngày 21-7 bé có bị tím tái ở chân. Lúc tử vong cơ thể bé nửa tím nửa vàng chứ không phải không có dấu hiệu gì như các bác sĩ nói. “Khi bé mất, bệnh viện đem bé đi cấp cứu rồi khoảng hai tiếng sau mang bé trả lại cho chúng tôi và bảo chúng tôi đem về vì không cho để thi thể ở bệnh viện. Sáng 22-7 người nhà của tôi đưa bé về mai táng. Từ khi việc xảy ra đến nay chưa có cán bộ y tế nào tiếp xúc với gia đình tôi để kiểm tra cái chết của bé” - chị Thúy nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau cuộc họp trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết việc tranh luận trong phiên họp về việc có hay không nên giữ lịch tiêm viêm gan B sơ sinh rất lâu, kết luận cuối cùng của hội đồng là giữ lịch tiêm trong 24 giờ sau sinh để bảo vệ trẻ có mẹ dương tính với viêm gan B (nếu lây bệnh, những trẻ này có nguy cơ xơ gan và ung thư gan cao). Trả lời về việc lịch tiêm này có bắt buộc không vì tỉ lệ viêm gan B dương tính ở VN chỉ khoảng 10% dân số và đã có nhiều bệnh viện có xét nghiệm máu trước sinh, ông Bình cho rằng chương trình tiêm chủng mở rộng là vận động, nhưng vận động ở mức cao, có ghi vào Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm để cha mẹ và người giám hộ đưa trẻ đi tiêm ngừa. Ông Bình cho biết thế giới đang có 81 quốc gia có lịch tiêm viêm gan B sơ sinh như VN.
Theo thông tin của chúng tôi, năm 2007 sau hàng loạt trường hợp tử vong sau tiêm ngừa văcxin viêm gan B sơ sinh, tỉ lệ tiêm ngừa mũi sơ sinh đúng lịch đã giảm chỉ còn 20-25%, hiện nay tỉ lệ này đã tăng lên nhưng cũng chỉ ở mức dưới 70%.
Phát biểu tại hội thảo tổ chức cùng ngày về sử dụng văcxin chất lượng, an toàn và hiệu quả, nguyên Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Đỗ Sỹ Hiển cho rằng chương trình tiêm chủng mở rộng đã có 9/26 loại bệnh có văcxin bảo vệ. Tuy nhiên ông Hiển đánh giá một số văcxin đang sử dụng vẫn thuộc thế hệ cũ như văcxin ho gà toàn tế bào (như thành phần có trong văcxin Quinvaxem liên quan nhiều trường hợp tai biến sau tiêm vừa qua), văcxin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không sử dụng. Cũng theo ông Hiển, VN đã thanh toán bệnh bại liệt hơn mười năm nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng loại văcxin bại liệt tiêm an toàn hơn.
Nguyễn Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Kỳ tích bệnh nhân hồi tỉnh sau 80 ngày sống thực vật
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cột tin quảng cáo