Thị trường

Giúp doanh nghiệp không phá sản tự phát

Tình trạng “doanh nghiệp chết, nhưng không chôn được” đã và đang thật sự trở thành vấn đề nổi cộm, đòi hỏi phải gấp rút sửa đổi Luật Phá sản một lần nữa.

Phá sản không phải là hoạt động tiêu cực trong nền kinh tế thị trường

 Lý do là, bởi sau 9 năm thực thi Luật Phá sản sửa đổi, Tòa án mới tuyên bố phá sản cho chưa đầy 100 doanh nghiệp, trong khi riêng 11 tháng đầu năm nay, có đến 55.000 doanh nghiệp có nhu cầu phá sản.

Trong cơ chế thị trường, hoạt động thành lập, đăng ký kinh doanh luôn song hành cùng phá sản. Năm 2013, thế giới chứng kiến thành phố công nghiệp Detroit (Mỹ) và thị trấn Aninoasa (Romania) nộp đơn yêu cầu tòa án làm thủ tục phá sản. Còn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngay ở những nước có nền kinh tế phát triển, cứ 100 doanh nghiệp sinh ra, sau 3 - 4 năm, chỉ 60 - 70 doanh nghiệp tồn tại, số còn lại vì nhiều lý do đều thực hiện phá sản.

Phá sản dù không mong muốn, nhưng có thể xảy ra với bất cứ trường hợp nào, từ doanh nghiệp quy mô nhỏ đến những tập đoàn, định chế tài chính quy mô lớn, như các tập đoàn Conseco, Enron, Worldcom, Ngân hàng Barings…

Phá sản không phải là hoạt động tiêu cực trong nền kinh tế thị trường, thậm chí còn có ý nghĩa tích cực, bởi nó giúp nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh, giúp chủ doanh nghiệp giải phóng toàn bộ công nợ để bắt đầu hoạt động mới; tạo điều kiện cho ngân sách thu được một phần nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp; giúp chủ nợ, người lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thu được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không thể tìm được nguồn thanh toán các khoản nợ quá hạn, hoạt động phá sản là cơ hội cuối cùng để phục hồi hoạt động, tìm lối thoát trước khi buộc phải thực hiện bước đi sau chót là tuyên bố phá sản và xử lý tài sản.

Bởi theo quy định về phá sản ở nhiều nước trên thế giới, nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản (có nợ quá hạn không trả được), trước khi tuyên bố phá sản, tòa án sẽ chỉ định những người có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, uy tín làm quản tài viên để cùng với chủ doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng, đối tác, người lao động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu. Và chỉ khi tái cơ cấu không thành công mới tiến hành bước cuối cùng là tuyên bố phá sản.

Như vậy, để doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong “trật tự” theo quy định về phá sản, thì nền kinh tế được lợi hơn rất nhiều so với việc “phá sản tự phát” bằng biện pháp cực chẳng đã là giải thể, ngừng hoạt động, thậm chí bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh.

Nhận thức rất rõ lợi ích của việc cho doanh nghiệp phá sản, ngay từ năm 1993, Quốc hội đã ban hành Luật Phá sản và sửa đổi năm 2004, nhưng Luật Phá sản chưa thực sự đi vào cuộc sống do rất nhiều nguyên nhân, như quy định bất cập trong giải quyết tài sản khiến thời gian làm thủ tục phá sản kéo dài, nhiều khi không thực hiện được, chủ nợ không thu hồi được tài sản, nên không mặn mà trong việc đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản.

Quy định, doanh nghiệp chỉ bị tuyên bố phá sản sau khi thực hiện thủ tục thanh lý tài sản và hoàn trả nghĩa vụ với chủ nợ cũng khiến hoạt động phá sản hầu như không thực hiện được, do ngược với quy trình phá sản đang được áp dụng phổ biến trên thế giới.

Ngoài ra, thiếu đội ngũ thẩm phán có kinh nghiệm, trình độ; chưa có đội ngũ quản tài viên; quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chưa rõ ràng, cụ thể cũng đang cản trở hoạt động phá sản.

Luật Phá sản năm 2014 (thay thế Luật Phá sản sửa đổi năm 2004) đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Hy vọng, những bất cập nêu trên sẽ được xử lý, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Qua đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng nhờ việc chủ doanh nghiệp “thoát khỏi” trách nhiệm với doanh nghiệp cũ sau khi tuyên bố phá sản, trong khi số lượng doanh nghiệp “chết yểu” giảm nhờ thực hiện tái cơ cấu trước khi tòa án tuyên bố phá sản.

 

Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo