Gỡ những nút thắt để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo báo cáo của ngành du lịch, năm 2017 là năm ngành du lịch Việt Nam đạt được những kết quả ngoạn mục, có thể nói là kỳ tích. Đó là đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế; 73,2 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu đạt 510 nghìn tỉ đồng. Theo ông, những kết quả đó đã đủ để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chưa?
Phát huy những thành quả của năm 2017, bước sang năm 2018 Chính phủ tiếp tục giao cho ngành du lịch đón từ 15 - 16 triệu lượt khách quốc tế; 80 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu đạt 620.000 tỉ đồng. Vì vậy, ngành du lịch xác định tập trung vào các vấn đề như quán triệt thực hiện Nghị Quyết 08 của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện Luật Du lịch để Luật sớm đi vào cuộc sống; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về du lịch; tập trung nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch; tiến hành giới thiệu tài nguyên, tiềm năng, sản phẩm của du lịch Việt Nam, ưu tiên những thị trường truyền thống. Tuy nhiên, để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tháo gỡ những nút thắt.
Vậy ông có thể cho biết, những nút thắt hiện nay của ngành du lịch là gì?
Những năm gần đây, rất đáng mừng đã có một số doanh nghiệp lớn là những nhà đầu tư chiến lược tập trung đầu tư vào du lịch, tạo thành những sản phẩm có chất lượng mang tầm quốc tế, tạo điểm nhấn cho du lịch Việt Nam, thu hút mạnh mẽ dòng khách cao cấp. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ nên sự đầu tư đồng bộ, tạo ra các sản phẩm du lịch chuyên biệt bị hạn chế do vốn ít, sức cạnh tranh kém, hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, quy mô phát triển của ngành du lịch còn nhỏ bé, sức cạnh tranh quốc tế còn yếu. Mặt khác, giao thông vận chuyển, nhất là kết nối đường hàng không đến các điểm đến du lịch còn khó khăn. Chúng ta phát triển mạnh cơ sở lưu trú cao cấp nhưng nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao chưa tương xứng và phần lớn đang phải thuê quản lý nước ngoài. Lao động nghề của ngành du lịch yếu và thiếu, nhất là lao động có tay nghề cao, các kỹ năng mềm, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, chính sách về visa, thị thực còn hạn chế so với các nước nên đã tạo thêm nút thắt, rào cản cho du lịch Việt Nam.
Trong hoạt động vẫn còn những doanh nghiệp du lịch làm ăn theo kiểu chụp giật, bán pháp nhân cho nước ngoài, vi phạm quyền lợi người lao động, sử dụng hướng dẫn viên không đạt tiêu chuẩn… làm vẫn đục môi trường du lịch, khiến khách du lịch kêu ca, không hài lòng.
Với những sai phạm như vậy trong ngành du lịch thì phải xử lý thể nào?
Phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng trước hết phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên kiểm tra và nắm chắc các đối tượng sai phạm để xử lý. Như khách sạn lưu trú không đạt tiêu chuẩn thì rút sao; doanh nghiệp lữ hành vi phạm thì kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh, hướng dẫn viên vi phạm thì tước giấy phép hành nghề… Luôn tăng cường kiểm tra và hậu kiểm để phát hiện sai phạm, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý.
Nhiều du khách kêu ca, các sản phẩm du lịch của Việt Nam còn nghèo nàn và có sự trùng lắp giữa các vùng, các khu du lịch. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Những điều du khách kêu ca không phải không có căn cứ. Ngành du lịch đã tiến hành Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam thành 7 vùng du lịch, dựa trên các đặc điểm như địa hình, khí hậu, tài nguyên du lịch… làm căn cứ để xây dựng các sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch của các địa phương, qua đó phát huy lợi thế và tài nguyên du lịch, tạo sự nổi bật và khác biệt trong phát triển sản phẩm. Có 4 sản phẩm du lịch chính được ngành du lịch quan tâm đầu tư.
Thứ nhất, dòng sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử, chúng tôi chú ý đến các di sản văn hóa, văn hóa dân gian, văn hóa vùng miền, tộc người, du lịch tâm linh… Đây là tài nguyên nhân văn rất giá trị và độc đáo của Việt Nam, xây dựng dòng sản phẩm này vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa khai thác phục vụ phát triển du lịch. Thứ hai, là sản phẩm du lịch biển, ưu thế rất lớn do Việt Nam có bờ biển dài, đẹp và cả 3 miền đều có bờ biển. Các sản vật của biển đa dạng phong phú. Vì vậy, ngành chú trọng đầu tư vào du lịch tắm biển, thể thao, ẩm thực và nghỉ dưỡng biển. Thứ ba, về sản phẩm du lịch sinh thái, do nhiều nơi địa hình Việt Nam rất hùng vĩ, còn hoang sơ nên rất tốt cho phát triển loại hình này. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, home stay, du lịch mạo hiểm… Thứ tư, sản phẩm du lịch tham quan, mua sắm ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM… Tại đây, du khách có thể thưởng thức giá trị văn hóa, ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng, đặc sắc và thú vị của 3 miền Việt Nam.
Để phát triển cho các vấn đề như ông vừa nói không phải là chuyện đơn giản và chỉ có cơ chế chính sách thôi chưa đủ mà cần cả tài chính và nguồn nhân lực. Chúng ta cần thừa nhận một thực tế là từ cơ chế chính sách đi đến thực tiễn vẫn là khoảng cách dài. Vậy đầu tư kinh phí thế nào để có thể cạnh tranh được với các quốc gia du lịch ngay trong trong khu vực?
Đúng vậy. Để đầu tư cho ngành du lịch có thể cạnh tranh được với các quốc gia du lịch khác, chúng ta cần những giải pháp đồng bộ. Hàng năm, ngân sách của Nhà nước dành cho ngành du lịch thông qua Chương trình xúc tiến du lịch Quốc gia và Chương trình hành động quốc gia về du lịch khoảng 2 triệu USD. Con số này quá nhỏ để có thể đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, phải huy động vốn từ các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước cần có chính sách hấp dẫn để ưu tiên thu hút nguồn vốn tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch. Mặt khác, tăng cường hợp tác công tư, huy động nguồn từ tư nhân, xã hội hóa đầu tư cho du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên cần phát huy vai trò của các ngành như giao thông vận tải, công thương, y tế, nông nghiệp… vào cuộc cùng làm du lịch. Đồng thời Luật du lịch đã cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để có nguồn lực lớn cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Nói chung, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ để có những cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào du lịch.
Gần đây, du lịch tâm linh Việt Nam có xu hướng phát triển mạnh. Đây có phải là nguồn thu lớn của du lịch cần triệt để phát huy? Quan điểm của ông về việc thu phí ở các điểm du lịch tâm linh?
Để vừa thu hút khách vừa đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch thì ngành du lịch phải quản lý tốt điểm đến. Vì vậy, thu hút được nhiều khách càng tốt nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Các di tích tâm linh hiện nay đang thu hút mạnh khách du lịch, đây là dòng sản phẩm mà du lịch Việt Nam cần phát huy. Quan điểm của tôi là thu phí ở các công trình văn hóa, điểm đến là cần thiết để vừa góp phần quản lý tốt di tích vừa tái đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, không phải công trình nào, điểm đến nào cũng đặt ra trạm thu phí thăm quan, nhất là những nơi gắn với tâm linh như Yên Tử. Nên chăng nên để cho người dân tự nguyện đặt tiền dầu đèn, ghi tiền công đức tự nguyện tại các di tích tâm linh sẽ hay hơn, ý nghĩa hơn. Chúng ta biến di sản thành tài sản, lấy di sản nuôi di sản là đúng nhưng phải trên cơ sở sự tự nguyện mới có ý nghĩa. Quản lý văn hóa rất tinh tế, vì vậy không thể máy móc, cứng nhắc được.
Cảm ơn ông. Chúc cho ngành du lịch Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu của mình!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua