Thị trường

Gỡ “nút thắt” kinh tế, không để lạm phát quay trở lại

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp tài chính, tiền tệ linh hoạt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ “nút thắt” kinh tế, không để lạm phát quay trở lại…

Những tín hiệu khả quan

Tại phiên họp thường kỳ (diễn ra ngày 28/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2012, thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định, khu vực dịch vụ có mức phát triển khá. Tính chung 10 tháng đầu năm có hơn 57 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, trong khi đó có 41,2 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2011). Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm mạnh so với tháng trước: CPI tháng 10-2012 tăng 0,85% so với tháng 9/2012 (2,2%), là mức thấp nhất so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các tháng cùng kỳ 2 năm liền trước.

Về tiền tệ và tín dụng, đến ngày 19/10/2012, tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 14,2%. Tính đến nay, lãi suất cho vay đã giảm 5-8% so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát. Đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 14-17%/năm.

Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, còn tiềm ẩn lạm phát cao trở lại. Tăng trưởng kinh tế chậm hơn mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ tín dụng vẫn tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI; nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn…

Sớm hoàn thiện đề án tổng thể về nợ xấu

Mục tiêu tiếp tục ổn định vĩ mô, không để lạm phát quay lại trong những năm tới. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 ở mức khoảng 8%. Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; không để giá cả lương thực, thực phẩm tăng đột biến trong dịp cuối năm, làm tốt công tác quản lý giá cả thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá, đẩy giá lên cao. Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu bằng các giải pháp quyết liệt, triệt để. Song song với đó là cần sớm hoàn thiện đề án tổng thể về xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước kiên quyết chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; công khai, minh bạch trong hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, đồng thời quản lý chặt chẽ thị trường vàng; công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến vàng, việc phát triển thị trường vàng. Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tín dụng, đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát; tăng cường công tác quản lý thu chi ngân sách; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra.

Bố trí giải ngân những dự án đã hoặc sắp hoàn thành

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ chỉ đạo bố trí giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và từ tín dụng nhà nước nhằm đảm bảo trả nợ cho các dự án đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành cho doanh nghiệp nhằm giải tỏa nợ của doanh nghiệp. Kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và NQ 13/NQ-CP và các khoản ứng trước vốn của năm 2013. Rà soát, điều chuyển, giải ngân vốn đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ứng trước của năm 2013, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA... Triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho, nhất là bất động sản (hạ giá bán, xử lý các tài sản đảm bảo, ưu tiên dự án nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp...); cải thiện môi trường kinh doanh (cải thiện thủ tục hành chính, phân cấp mạnh hơn); đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi tiêu không cần thiết.

Bộ trưởng Xây dựng đề xuất ưu tiên giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường này là cần thiết, bởi nếu thị trường bất động sản khó khăn không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp bất động sản mà còn làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Ông đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp cùng với các Bộ, ngành chức năng rà soát các dự án phát triển nhà ở cũng như thực hiện các khảo sát, đánh giá cần thiết một cách tổng thể hơn về thị trường bất động sản; đồng thời đề xuất cần tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện các giải pháp ưu tiên giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách xã hội.

 

 

Đoàn Huế (Theo CAND)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo