Góc nhìn 2013: Thêm thời gian để khởi đầu thịnh vượng
Năm 2013, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cũng như của nhiều nhà doanh nghiệp Việt Nam, là một năm nữa khó khăn về kinh tế của Việt Nam.
Một thị trường tiền tệ năng động và lành mạnh sẽ làm hồi sinh thị trường vốn, chỗ dựa tài chính lâu dài của doanh nghiệp.
Dù số lượng doanh nghiệp đã phục hồi và thành lập mới của năm 2013 này có nhỉnh hơn so với 2012, song con số doanh nghiệp tư doanh vừa và nhỏ phá sản vẫn đang rất nhức nhối, số doanh nghiệp còn trụ lại phần lớn hoạt động cầm chừng theo kiểu chờ thời, giảm bớt lao động, chấp nhận thu hẹp sản xuất, giảm doanh thu, giảm lợi nhuận. Đa số các doanh nghiệp tư doanh nhỏ không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, một phần do nhiều ngân hàng thương mại cổ phần gặp khó khăn về thanh khoản, phần khác do các ngân hàng lớn thường chỉ nhắm đến mối quan hệ với các doanh nghiệp thân hữu và các doanh nghiệp lớn. Các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ do đầu tư tràn lan và không hiệu quả vào những lĩnh vực như tài chính và bất động sản từ những năm trước. Sản xuất kinh doanh nội địa tăng trưởng chậm, tồn kho hàng hóa ứ đọng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hệ thống ngân hàng suy yếu là những đám mây xám che phủ bầu trời kinh tế năm 2013.
Tuy rằng năm 2013, kinh tế Việt Nam đã làm được hai việc lớn đó là tập tập trung ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo bảo an sinh xã hội và bước đầu tiến hành tái cấu trúc lại nền kinh tế. Chính vì thế, theo nhận định chung cũng có những tia nắng le lói làm giảm bớt độ ảm đạm như tốc độ lạm phát xuống rất nhanh, cán cân thanh toán có thặng dư khá lớn từ năm ngoái đến năm nay; Thương mại tương đối cân bằng, giá trị đồng tiền Việt Nam không mất nhanh như trước đây, tiền đồng được tin tưởng hơn ít nhiều, các vấn đề của ngân hàng được giải quyết bước đầu như vấn đề thanh khoản… nhưng theo nhiều nhà phân tích, các dấu hiệu được coi là tích cực này cũng chỉ là phó phẩm tự nhiên của một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm dần.
Tốc độ lạm phát dự đoán ở mức trên 6%, trong khi nền kinh tế đang lún sâu vào giảm phát, khi sản xuất đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp lên xấp xỉ 10% và tăng trưởng GDP chỉ còn 5,3%. Một đồng bạc Việt Nam ổn định so với một đồng USD giảm giá liên tục trong năm 2012 cũng có nghĩa là đồng Việt Nam đang giảm giá, nhưng điều đáng suy nghĩ là sự ổn định của đồng bạc Việt Nam phản ánh một mức cung tiền đồng thấp kỷ lục so với nhiều năm trước, thể hiện qua hiện tượng thiếu thanh khoản tiền đồng triền miên của các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay và huy động tiền đồng trên thực tế tăng cao, tăng trưởng tín dụng đạt thấp dẫn đến hiện tượng khát vốn tiền đồng nghiêm trọng của doanh nghiệp trong nước. Sự cải thiện cán cân thương mại trong năm 2012 là một dấu hiệu tích cực nhưng không chắc sẽ lâu bền, khi trên thực tế, nó chỉ phản ánh tình hình giảm sút nhập khẩu do giảm đầu tư tạm thời trong năm 2012 của các tập đoàn kinh tế nhà nước khi họ phải tập trung giải quyết khủng hoảng nợ. Bằng chứng là dự báo chính thức về nhập siêu năm 2013, như sẽ thấy dưới đây, vẫn là một con số không hề nhỏ.
Nhiều nước trong EU vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng nợ công lan rộng, đồng euro ngày càng trở nên suy yếu, dự kiến sẽ giảm giá đến 2,5% vào năm 2013 so với năm 2011. Cũng vậy, một nước Mỹ đang lơ lửng trên bờ vực tài chính công (fiscal cliff) rất cần tập trung nguồn lực để vượt qua khó khăn này, dù rằng Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai mang đến tia hy vọng về một sự đồng thuận chính trị có thể giúp nước Mỹ vượt qua vũng lầy kinh tế. Trong tình hình đó, các nhà phân tích kinh tế quốc tế đều nhận định rằng các động lực khả dĩ thúc đẩy nền kinh tế thế giới thoát khỏi vũng lầy suy thoái kép xem ra còn rất mờ nhạt trong năm 2013. Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tuy đang có những động thái tích cực như nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất và mở rộng tín dụng để kích thích nền kinh tế của họ, nhưng những nền kinh tế hướng về xuất khẩu này chưa bao giờ đủ giàu có và đủ rộng mở để trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Tình hình chung nói trên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với khả năng hồi phục của những nền kinh tế mới nổi (emerging economies) trong đó có Việt Nam. Nhưng đối với Việt Nam, các trở ngại trên con đường tăng trưởng kinh tế không chỉ bắt nguồn từ tác động suy thoái của nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế chúng ta còn có những vấn đề riêng, những chấn thương riêng và hậu quả của các tổn thương này - đặc biệt là tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, sự kém hiệu quả của đầu tư công và một khu vực tư doanh đói vốn nghiêm trọng - xuất hiện rõ rệt trong năm 2013 và có thể kéo dài sang những năm tới, khiến nền kinh tế có thể lún sâu vào tình trạng lạm phát trì trệ, nếu chúng ta không sớm có những liệu pháp chữa trị kịp thời và một chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn.
Báo cáo mới đây của Chính phủ với Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015); kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và năm 2015 chỉ ra, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối diện với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%). Bội chi ngân sách giảm từ mức 4,9% năm 2011 xuống 4,8% năm 2012 và dự kiến năm 2013 đạt 4,8% bằng mức kế hoạch; tuy nhiên do thu chi ngân sách nhà nước tiếp tục mất cân đối trong năm 2013, dự kiến sẽ hụt thu khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán. Tăng trưởng trong xuất khẩu và nhập khẩu chủ yếu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (xuất khẩu chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô) với những mặt hàng có tỷ lệ gia công cao và giá trị gia tăng thấp như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày... , trong khi đó các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà suy giảm nhập khẩu. Điều này cũng cho thấy nội lực của doanh nghiệp trong nước còn yếu.
Thật vậy, một năm 2013 có thể mang nhiều ý nghĩa hơn cho một tiến trình tăng trưởng mới lâu bền của nền kinh tế Việt Nam nếu chúng ta mạnh dạn nhìn lại những nhược điểm cố hữu của nền kinh tế và thực hiện một chương trình tái cấu trúc kinh tế hợp lý mà mục tiêu chiến lược là sung dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài.
Trong nhiều năm, khiếm hụt ngân sách quốc gia lớn và các khoản tài chính khổng lồ vay trong nước và ngoài nước nhằm cung ứng nguồn lực cho khu vực kinh tế nhà nước mà chủ yếu là các tập đoàn kinh tế lớn đã không mang lại hiệu quả. Khủng hoảng nợ của các tập đoàn kinh tế và tình hình nợ tồn đọng trong hệ thống ngân hàng là những hệ quả tất nhiên phải đến. Khi hệ số ICOR của nền kinh tế lên cao, trong đó hệ số ICOR của khu vực kinh tế Nhà nước lên xấp xỉ hai con số, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chắc chắn phải sút giảm, nền kinh tế thường xuyên bị lạm phát đe dọa. Đây chính là nguyên nhân làm lệch lạc chính sách tiền tệ, đưa đến việc duy trì thường xuyên lãi suất và tỷ giá đồng bạc cao. Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Một chiến lược sung dụng tài nguyên hiệu quả phải hướng các nguồn lực vào khu vực kinh tế tư doanh, nơi đầu tư tỏ ra hiệu quả hơn với hệ số ICOR luôn luôn thấp hơn nửa so với khu vực kinh tế nhà nước. Bài học vừa qua cho thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả không phải vì họ thiếu thốn các nguồn lực mà là vì họ quá dư thừa nguồn lực, dẫn đến đầu tư tràn lan, thất thoát vốn và khủng hoảng nợ. Rõ ràng con chiều là con hư. Các tập đoàn kinh tế lớn chắn chắn sẽ hoạt động tốt hơn nếu được quản trị có trách nhiệm hơn bằng việc tiết kiệm các nguồn lực, nhất là nguồn vốn từ ngân sách. Cắt giảm đầu tư công sẽ giúp việc sử dụng các nguồn lực quốc gia trở nên hiệu quả hơn, đồng thời giúp làm giảm khiếm hụt ngân sách, giảm công chi và giảm lạm phát.
Trong điều kiện đó, một chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp và tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ phát huy tác dụng kích thích sản xuất trong nước, và khi nó đồng hành với một chính sách thuế khoan dưỡng sức dân, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ được tăng cường mạnh mẽ. Nhưng trước hết, củng cố hệ thống ngân hàng, giải quyết tình hình nợ tồn đọng thông qua các giải pháp hợp lý, công bằng và hiệu quả là công việc ưu tiên hàng đầu của năm 2013 và năm tiếp theo. Một thị trường tiền tệ năng động và lành mạnh, đến lượt nó, sẽ làm hồi sinh thị trường vốn, chỗ dựa tài chính lâu dài của doanh nghiệp.
Đoàn Huế - Doanh Nghiệp Hội Nhập
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo