Góc nhìn

CEO SUNSAY Phạm Hữu Tâm: Nuôi tham vọng sấy khô… cả thế giới

DNVN - Bắt đầu cơ duyên với “Sấy” khi còn là sinh viên, rồi đam mê muốn thay đổi diện mạo trong việc chế biến, sấy khô nông sản Việt, nên Phạm Hữu Tâm đã bắt đầu gây dựng nên Sunsay như hiện nay. Anh Phạm Hữu Tâm, chàng giám đốc trẻ của SunSay đã có buổi trò chuyện với Doanh nghiệpViệt Nam về những trăn trở về ngành sấy tại Việt Nam.

CEO BRNDY: “Nếu khách hàng là vàng, thì nhân lực chính là kim cương” / Đà Nẵng: Giải trình của Dawaco đối với phản biện của các chuyên gia về đập ngăn mặn ở Hòa Xuân

Anh Phạm Hữu Tâm (áo trắng) đã khởi nghiệp thành công với việc đưa công nghệ sấy Made in Vietnam.

Anh Phạm Hữu Tâm (áo trắng) đã khởi nghiệp thành công với việc đưa công nghệ sấy Made in Vietnam.

Chào anh Phạm Hữu Tâm, cơ duyên nào đưa Tâm đến với ngành chế tạo, sản xuất và kinh doanh máy sấy?

Anh Phạm Hữu Tâm: Chào chị, Tâm vốn xuất thân từ gia đình thuần nông ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Trước đây mỗi năm, miền Trung thường hứng chịu ít nhất từ 5 đến 6 cơn bão, thời tiết đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hoạch và làm khô nông sản của nông dân thời đó. Hàng năm, việc đối diện với thiên tai, bão lũ gần như đã đi vào tiềm thức và xem điều đó là hiển nhiên sẽ xảy ra mỗi năm, thiệt hại về nông nghiệp do thời tiết là rất lớn nhưng chưa có giải pháp nào để giải quyết.

Mong muốn của mình ban đầu khi chọn ngành chỉ đơn giản là học ngành gì để sau này dễ có việc làm, ngành gì xã hội cần nhiều. Năm 2005, Tâm đăng ký thi đại học với ngành Cơ Điện Lạnh mà sau này là ngành Công nghệ Nhiệt lạnh vì ngành này có cả cơ khí, điện và lạnh thì sau khi ra trường dễ có việc làm và rất may mắn, nơi mình học mình lại gặp được 1 người thầy lớn trong đời về sấy.

Lúc còn đi học, cứ đến mùa mưa bão, Tâm thường cảm thấy rất trăn trở lo âu khi nghe tin quê nhà phải hứng chịu những cơn bão. Năm 2006 có cơn bão Xangsane rất lớn. Khi ấy, hoa màu và lúa đến mùa thu hoạch đã bị hư hỏng hết, thiệt hại rất nhiều. Cùng thời điểm đó, Tâm bắt đầu được tiếp cận đến những thuật ngữ đầu tiên của ngành như kỹ thuật nhiệt, kỹ thuật sấy khô, làm thế nào để làm khô được nông sản, làm thế nào để không còn phụ thuộc vào thời tiết. Khi tìm hiểu, mình thấy ở quê rất cần 1 mô hình sấy như vậy.

Năm 2007, rất tự tin, Tâm nghĩ mình có đủ khả năng thực hiện 1 dự án lớn nên ấp ủ ý định đến dịp nghỉ hè đến, sẽ về quê và làm máy sấy đầu tiên trong đời để giải quyết câu chuyện hư hỏng nông sản do mưa bão tại quê. Từ đó, Tâm chia sẻ ý tưởng này và nhận được sự khuyến khích và giúp đỡ của thầy chủ nhiệm, sự đồng ý của gia đình. Trong thời gian đó, Tâm đã chuận bị cho việc lên ý tưởng, thiết kế mô hình phù hợp và chi phí để thực thi.


Hè 2008, Tâm trở về quê trong tâm trạng háo hức với dự án này. Nhờ sự giúp đỡ của anh Hai, hai anh em đã tự tay mua từng vật tư thiết bị để đưa về thực hiện. Sau khoảng nữa tháng, máy sấy đầu tiên đã hoàn thành và đón nhận mùa thu hoạch mới.

Khi máy sấy đi vào hoạt động, rất nhiều bà con ở quê đến xem và đặt vấn đề sấy giúp.

Lúc đó, Tâm vẫn nhớ mãi những câu hỏi “chất vấn” như: “đây là máy sấy hả?”, “sấy vậy lúa có bị chín hay cháy không?”, “sờ vào lúa được không?”, “có bị phỏng tay không? Thời điểm đó, chưa ai biết đến sấy là gì và gần như đấy là lần đầu tiên họ được nhìn thấy 1 chiếc máy có thể làm khô được nông sản mà không cần phải đổ ra sân để phơi, không lo mưa đến, không phải sợ hư hỏng nữa. Các hợp tác xã và thương lái ở các khu vực lân cận cũng đến xem và nhờ sấy giúp từ lúa đến các nông sản khác. Và máy sấy gần như chạy liên tục cho đến hết mùa thu hoạch.

Cầm những hạt lúa được làm khô trên tay và nhìn những cơn mưa vẫn trút xuống như thác đổ, máy vẫn chạy, trong tôi dâng trào niềm hạnh phúc khó tả. Tâm cảm thấy hạnh phúc và cảm nhận như đó chính là con đường mình muốn đi.

Trong quá trình học tập và tìm hiểu sau đó, Tâm nhận ra Việt Nam mình được ưu đãi về khí hậu, nông sản Việt Nam mình rất đa dạng nhưng công đoạn chế biến và bảo quản sau thu hoạch lại kém. Đa số bán tươi không qua chế biến và câu chuyện được mùa mất giá xảy ra liên tục, người nông dân làm nông nghiệp rất khó khăn từ công cụ đến giá bán. So với các nước khác, có thể gọi ngành chế biến sấy và bảo quản ở Việt Nam mình còn rất lạc hậu, rất nhiều người không biết đến khái niệm sấy là gì.

Năm 2009 Tâm ra trường, cũng như tất cả bạn bè khác mình tìm kiếm một công việc để mưu sinh. Trong những ngày tháng đi làm, mình cảm thấy thật sự muốn làm một điều gì đó hơn là công việc hiện tại. Với máu kinh doanh và trải nghiệm từ những công việc trước đó cùng mong muốn làm được điều gì có ích hơn cho nông nghiệp, Tâm bắt đầu chuẩn bị cho việc khởi nghiệp sắp đến.

Trong dịp tết năm 2010 khi về quê ăn Tết cùng gia đình, Tâm đã quyết định đây là thời điểm để mình bắt đầu khởi nghiệp. Sau khi thu xếp công việc ở TP.HCM, tháng 3/2010 Tâm quay về Đà Nẵng và công ty đầu tiên về ngành sấy ra đời.


Vậy là tròn 10 năm, SUNSAY ra đời, không cần hỏi thì cũng biết SUNSAY đã và đang từng bước đóng góp khá nhiều cho diện mạo chế biến nông sản Việt Nam, nhưng cái được và chưa được, theo Tâm là gì?

Nếu nói về cái được, mình nghĩ rằng: Cái được thứ nhất là SUNSAY đã làm chủ được đa số các công nghệ về sấy từ nóng đến sấy lạnh và sấy thăng hoa, góp phần nâng cao năng lực ngành Sấy của Việt Nam.

Cái được thứ hai là các thiết bị mình sản xuất rất đa dạng với giá thành hợp lý phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng nên khách hàng ưu tiên lực chọn máy trong nước hơn so với máy nhập khẩu.

Cái được thứ ba là SUNSAY đã tư vấn và hỗ trợ miễn phí cho nhiều dự án muốn khởi nghiệp, cho các bạn mượn máy sấy để có điều kiện nghiên cứu sản phẩm trước khi quyết định khởi nghiệp về lĩnh vực chế biến sấy này.

Cái thứ tư là khi SUNSAY giữ được giá trị lõi về ngành sấy và chủ động sản xuất trong nước, các giải pháp được tạo ra đều hướng đến phù hợp cho từng đối tượng có thể ứng dụng được. Và việc đồng hành cùng với khách hàng sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai.

Nếu nói về cái chưa được, theo mình:

Chúng ta cần phát triển mở rộng ra thành giải pháp toàn diện hơn cho từng loại sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra cuối và kết nối đầu ra trong nước và xuất khẩu.

Cần hợp tác với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, kiểm tra nhiễm khuẩn, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, xây dựng quy trình sản xuất, đăng ký các chứng chỉ để tạo thành hệ sinh thái khép kín sẽ hỗ trợ nhanh chóng hơn cho khách hàng làm đúng ngay từ đầu.

Cần xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự đủ năng lực và bản lĩnh để đón đầu xu hướng chế biến sấy và bảo quản sẽ bùng nổ của Việt Nam trong thời gian đến.

Nghiên cứu và phát triển sâu hơn để xây dựng các quy trình sấy chuẩn cho từng loại sản phẩm từ qui mô nhỏ đến quy mô công nghiệp giúp khách hàng chủ động trong quản lý chất lượng sản xuất.


Tôi thấy Tâm di chuyển rất nhiều, lên rừng, xuống biển đủ cả. Tiếp cận khách hàng ở những nơi thật cao, thật xa, thậm chí còn biết, Tâm mang cả hệ thống máy sấy đến cho khách hàng trải nghiệm trước rồi mới tính đến việc kinh doanh? Tại sao Tâm lại chọn cách làm như vậy?

Tâm cho rằng muốn bán bất cứ một món hàng nào đó thì việc đầu tiên là mình cần phải biết ai có nhu cầu và người đó cũng phải biết về mình và sản phẩm của mình có đáp ứng được không và lợi ích mang lại như thế nào. Huống hồ gì là một hệ thống sấy, số tiền bỏ ra cũng không nhỏ.

Ngành sấy ở Việt Nam còn khá mới mẻ và nhu cầu khách hàng của bên Tâm thì vô cùng đa dạng, mở rộng từ nông nghiệp tới hải sản, đó là lý do cho những chuyến đi lên rừng, xuống biển liên tục của Tâm. Càng đi, Tâm càng hiểu được khách hàng đang cần gì và đang gặp những vấn đề gì mà mình có thể giải quyết được. Mình sẽ đi từng bước “chậm và chắc” để thấu hiểu và đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Mình rất ấn tượng với mảnh đất Đà Lạt. Đà Lạt là vùng đất của nông nghiệp công nghệ cao, khí hậu ở đây là một lợi thế lớn nên hiệu quả trồng trọt rất cao. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ sấy vào chế biến và bảo quản còn hạn chế. Đó cũng là cơ hội để khai phá! Đặc thù đầu tư thiết bị sấy trên này đa số dựa vào niềm tin từ sự giới thiệu hơn là các kênh khác. Thay vì cố gắng bán máy mà không biết có phù hợp với khách hàng hay không, hãy giúp khách hàng trải nghiệm đến khi có được chất lượng sản phẩm và nhìn được tận mắt máy sấy trước khi đầu tư là việc cần làm.

Một số dòng máy sấy chuyên dụng mới sẽ được SUNSAY thiết kế trong năm nay để phù hợp hơn với mô hình chế biến sấy và các loại hoa quả tại Đà Lạt. Sau chuyến đi, mình đã chuyển ngay một máy sấy lên đó cho các bạn mượn để sấy các sản phẩm trái cây Đà Lạt và làm quen với máy sấy SUNSAY bên mình. Những hợp đầu tiên đã hình thành ngay sau đó, đó cũng là thành quả vừa rồi sau những chuyến đi.

Trong 10 năm qua, mình thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong lĩnh vực sấy, nếu như 10 năm trước, mấy ai biết đến sấy ngoài sấy nông sản để giảm thiệt hại do thời tiết. Rồi 5 năm trước, mọi người bắt đầu quan tâm đến sấy thực phẩm để đa dạng sản phẩm chế biến nhưng ở mức độ giảm rủi ro và chủ động hơn. Trong 3 năm trở lại đây, mọi người đã biết đến máy sấy lạnh rất nhiều và hiện nay máy sấy thăng hoa đã bắt đầu được để ý.

Tâm cũng hay chia sẻ quan điểm với nhân viên: Đừng nhìn khách hàng là người mua hàng, hãy nhìn khách hàng như bạn, như đối tác lâu dài, đồng hành và giúp đối tác thành công là con đường phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Nhu cầu sấy sản phẩm ngày càng cao, nhất là thời gian cận Tết như hiện nay, có quá nhiều sản phẩm được giới thiệu, bày bán là sấy giòn nhưng sản phẩm lại có dầu? Tâm trả lời “chất vấn” của khách hàng thế nào, để khách hàng có lòng tin rằng, sử dụng sản phẩm bên mình đảm bảo sấy khô, không dầu, giữ lại những thành phần tốt cho thực phẩm?

Hiện nay, rất nhiều sản phẩm “sấy giòn” nhưng lại có dầu, sản phẩm đó không phải là sấy. Đó là chiên chân không nhưng nếu để chiên thì chắc sẽ khó bán được, người tiêu dùng lại không có đủ thông tin để nhận biết. Cuối cùng ăn sản phẩm chiên nhưng trong đầu vẫn nghĩ là sấy.

Trước đây, trong bao bì có ghi thành phần là dầu, sau này để ẩn danh tốt hơn thì sửa thành chất béo nên khách hàng không nhận biết được, cứ nghĩ chất béo từ sản phẩm không phải từ dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Dầu cũng tốt cho cơ thể nhưng có 1 số người vì vấn đề sức khỏe họ kiên dầu thì cần hiểu rõ về sản phẩm sử dụng.

Ở nước ngoài, sản phẩm chiên thì để là chiên là Fried, sấy ghi rõ là sấy là Dried. Chỉ một từ thôi nhưng đó là minh mạch. Chúng ta cần minh bạch để người tiêu dùng hiểu đúng, chọn đúng. Và với tinh thần cũng như với phương châm kinh doanh của mình, team SUNSAY cam kết mang đến những sản phẩm SẤY thật sự phục vụ cho nhu cầu tết của khách hàng trong thời gian tới.

Để thuyết phục khách hàng tốt, SUNSAY lựa chọn theo con đường để khách hàng trải nghiệm trước, khách hàng đánh giá đạt yêu cầu thì mới đầu tư hoặc cho khách hàng tham quan các mô hình sản xuất mà bên mình cung cấp và lắng nghe chính khách hàng của mình nói về máy sấy SUNSAY. Không ai bán hàng giỏi bằng chính khách hàng của mình bán hàng cho mình.

Tham vọng của Tâm trong tương lai?

Việt Nam có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, nếu chúng ta chủ động được công nghệ chế biến sấy, chủ động được sản xuất thì sản phẩm làm ra từ nông nghiệp sẽ đa dạng, có sự khác biệt và có giá trị kinh tế cao, đó là cách để người nông dân làm giàu được trên chính cánh đồng của mình. Với hơn 10 năm trải nghiệm trong lĩnh vực sấy, bằng công nghệ Made in Vietnam, Tâm mong muốn đưa Máy Sấy SUNSAY trở thành thương hiệu quen thuộc và giúp nâng cao giá trị chế biến để sản phẩm từ nông nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn trên thương trường quốc tế.

Ngoài ra, mình mong muốn xuất khẩu được công nghệ và thiết bị sấy ra thế giới để khẳng định khả năng của người Việt Nam mình.

Kinh doanh, nói thật, nếu là sản xuất các mặt hàng có thể “tiêu dùng” thì thành quả chắc chắn sẽ dễ nhận ra hơn so với chế tạo máy, kinh doanh thiết bị máy móc đúng không? Tuy vậy, kiên định cho một niềm đam mê, hành trình 10 năm với một tình yêu tham vọng “sấy khô” cả thế giới như Tâm mặc dù còn rất nhiều chông gai, quả thật khiến những người trẻ muốn dấn thân lại càng có thêm động lực?

Quả thật như chị nói, kinh doanh buôn bán các sản phẩm tiêu dùng là cái chúng ta có thể nhìn thấy, cảm nhận và thành quả thắng thua rất rõ ràng, khách hàng lại có thể thường xuyên mua đi mua lại rất nhiều lần và lâu dài. Tuy nhiên, chế tạo máy móc thì không như thế được. Trong lĩnh vực này chuỗi giá trị dài, vừa nghiên cứu, vừa quản lý sản xuất, vừa làm marketing, vừa chốt sale, quản lý chung và nhu cầu mỗi khách hàng lại khác nhau. Tâm thấy, cái khó nhiều hơn cái “dễ”, để xây dựng phải mất rất nhiều thời gian và trả học phí đắt đỏ.

Nhưng không có nghĩa là khó thì mình bỏ cuộc, vậy thì tất cả tâm huyết, đam mê, tạo ra những sản phẩm Made in Vietnam, phụng sự cho nông nghiệp Việt Nam, làm giàu trên mảnh đất Việt Nam này sẽ thế nào? Trong khó khăn vẫn có cơ hội, khó khăn thì mình tìm cách khắc phục tháo gỡ, cũng may trong hành trình này, Tâm thật may mắn khi gặp được rất nhiều người anh, bạn quý và bạn đồng hành vô cùng đáng trân trọng. Nên với những bạn trẻ, những kỹ sư, nếu có sự đam mê và nhiều ý tưởng thú vị, phục vụ cho cuộc sống, đừng ngần ngại, hãy hành động và bắt tay, ngay khi mình còn trẻ.

Xin cảm ơn Anh!

Hồ Ngọc (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo