Góc nhìn

Đà Nẵng: Giải trình của Dawaco đối với phản biện của các chuyên gia về đập ngăn mặn ở Hòa Xuân

DNVN - Sau khi tiếp nhận ý kiến phản biện của các chuyên gia đối với đề xuất xây đập ngăn mặn kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân trên sông Cẩm Lệ được phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam chuyển đến, ngày 5/12, ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã có văn bản giải trình, phản hồi cho Doanh nghiệp Việt Nam.

Tối nay (25/11) công bố chương trình du lịch “Ba địa phương – Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” / Đà Nẵng: Yêu cầu đảm bảo an toàn các công trình xây dựng đang “nước rút” trước Tết Nguyên đán 2021

Tình trạng nhiễm mặn đang xảy ra với tần suất và mức độ ngày càng tăng

Hệ thống cấp nước TP Đà Nẵng hiện do Dawaco quản lý có tổng công suất thiết kế 280.000m³/ngày, tỷ lệ cấp nước sạch là 95,26% dân số toàn TP, tiêu chuẩn cấp nước bình quân 136 lít/người/ngày. Khoảng 97,83% dân số nội thành và 76,81% dân số khu vực ngoại thành đã được cấp nước sạch (chưa tính người dân sử dụng nước theo chương trình nước sạch nông thôn). Thực tế, vào những ngày cao điểm, các nhà máy nước của Dawaco phải hoạt động vượt tải và có thời điểm tổng công suất cấp nước đạt mức 320.000 m³/ngày.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco)

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco).

Hai Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ và Sân Bay khai thác nguồn nước thô sông Cẩm Lệ (tại Cầu Đỏ) với tổng công suất thiết kế đến năm 2021 là 320.000m³/ngày. Đây là nguồn cung cấp nước thô chính cho Đà Nẵng. Tuy nhiên hiện việc khai thác nước thô tại Cầu Đỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và các nhà máy thủy điện ở thượng lưu, dẫn đến lưu lượng nguồn nước này bị sụt giảm và thường xuyên bị nhiễm mặn, đặc biệt là vào mùa khô.

Từ năm 2010 đến 2018, Dawaco đã phải bơm nước thô từ trạm bơm phòng mặn An Trạch cấp bổ sung cho hai NMN Cầu Đỏ và Sân Bay bình quân khoảng 7,5 triệu m3/năm; trong đó năm 2019 lượng nước thô lấy từ An Trạch là nhiều nhất, lên tới 26 triệu m3. Nguồn nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn đã làm gia tăng chi phí vận hành cấp nước và ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.

Về chất lượng, hiện nguồn nước mặt sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ vẫn đảm bảo chuẩn A theo QCVN 08:2008/BTNMT. Tuy nhiên tình trạng nhiễm mặn đang xảy ra với tần suất và mức độ ngày càng tăng. Từ năm 2010 đến nay, trung bình sông Cầu Đỏ có 81 ngày nhiễm mặn. Đặc biệt năm 2019 có 212 ngày nhiễm mặn, chiếm gần 60% tổng số ngày trong năm và tổng chi phí vận hành gần 12 tỷ đồng; năm 2020 có 110 ngày nhiễm mặn và tổng chi phí vận hành gần 7 tỷ đồng.

Vì vậy, để đáp ứng công suất cấp nước 560.000m3/ngày (tương ứng 616.000m3 nước thô/ngày) theo quy hoạch cấp nước TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 cần có giải pháp công trình phù hợp để đảm bảo nguồn cấp nước thô an toàn, bền vững. Dawaco đã cùng đơn vị tư vấn nghiên cứu nhiều giải pháp và trình UBND TP Đà Nẵng các phương án đáp ứng yêu cầu này.

Đập ngăn mặn Hòa Xuân sẽ được xây dựng như thế nào?

Để phù hợp tình hình thực tế và thực hiện theo yêu cầu tại văn bản 5610/SXD-HTKT ngày 23/7/2019 của Sở Xây dựng Đà Nẵng liên quan đến giải pháp ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Cầu Đỏ, sau khi nghiên cứu xem xét, Dawaco cùng đơn vị tư vấn đề xuất phương án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân cách cửa thu NMN Cầu Đỏ khoảng 4.500m về phía hạ lưu.

Theo phương án này, sẽ không phải đầu tư tuyến ống chuyển dẫn nước thô từ công trình ngăn mặn về NMN Cầu Đỏ. Các hạng mục đầu tư chính bao gồm: Xây dựng đập ngăn mặn kết hợp cầu giao thông rộng 12,75m với 7 nhịp, mối nhịp dài 42m (tổng chiều dài:7 x 42m = 294m), tải trọng HL 93. Làm âu thuyền bên bờ phải để đảm bảo giao thông đường thủy.

Tại vị trí này, lòng sông rộng khoảng 200m, cao độ đáy sông sâu nhất khoảng -7,0m; chiều cao cửa van điều tiết mức nước là 8,0m. Chi phí đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 410 tỷ đồng. Trên cơ sở tính tổng chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo dưỡng theo vòng đời dự án 20 năm thì chi phí tăng thêm cho 1m3 nước khoảng 213 đồng/m3.

Chi phí xây dựng vừa nêu là chi phí xây dựng cả phần cầu cộng với thiết bị công trình ngăn mặn và chưa bao gồm các chi phí khác trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Chi phí bảo dưỡng lấy theo Thông tư 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.

Trạm bơm phòng mặn An Trạch hiện trạng (công suất 210.000m3/ngày) và tuyến ống chuyển dẫn nước thô từ trạm bơm phòng mặn hiện trạng về NMN Cầu Đỏ vẫn duy trì hoạt động với chức năng là trạm bơm dự phòng để cấp nước thô bổ sung cho NMN Cầu Đỏ khi nguồn nước tại Cầu Đỏ bị sụt giảm lưu lượng trong các trường hợp cực đoan.

Phương án thiết kế công trình ngăn mặn được căn cứ vào các báo cáo của nhóm chuyên gia Đại học Bách khoa Đà Nẵng và tham khảo các dự án liên quan khác như: Nghiên cứu ảnh hưởng dòng chảy kiệt, xâm nhập mặn khi xây dựng hệ thống công trình cống ngăn mặn tại Cầu Đỏ; Đánh giá ảnh hưởng tác động của đập dâng Cầu Đỏ đến ngập lụt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; Dự án đánh giá nguồn tài nguyên nước mặt TP Đà Nẵng có xét đến biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã xác định sơ bộ giải pháp công trình là sử dụng đập trụ đỡ với các thông số như bề rộng khoang cống 5x37,8m; cao trình ngưỡng -5,50mm; cao trình đỉnh cửa van +2,50 (đã tính tới nước biển dâng do biến đổi khí hậu nên cao hơn mức nước triều max hiện tại khoảng 1m); loại cửa van Clape (cửa sập), đóng mở bằng xi lanh thủy lực… Trong đó, chiều rộng ngăn thoát lũ được xác định theo các điều kiện: Đảm bảo thoát lũ tiêu úng với tần suất thiết kế (Qlũ); Giảm gia cố tiêu năng (Qtn); Đảm bảo điều kiện kinh tế.

Tháng 9/2020, Dawaco đã phải xây dựng đập tạm ngăn mặn

Tháng 9/2020, Dawaco đã phải xây dựng đập tạm chống xâm nhập mặn trên sông Cẩm Lệ và đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng trong mùa khô vừa qua.

Các ưu, nhược điểm của phương án xây dựng công trình ngăn mặn

Đập ngăn mặn có chức năng điều tiết, chống xâm nhập mặn, nâng cao đầu nước tự chảy khi tăng công suất NMN. Các cánh cửa điều tiết của đập ngăn mặn có thể mở hoàn toàn khi nguồn nước tại cửa thu Cầu Đỏ đảm bảo chất lượng và đủ mực nước khai thác. Vào thời điểm mặn xâm nhập vào sông sẽ vận hành khép dần các cửa van điều tiết đảm bảo độ mặn tại cửa thu nước luôn đạt yêu cầu hoặc đóng hẳn các cửa van điều tiết để ngăn mặn hoàn toàn. Dòng chảy dư thừa sẽ được xả xuống hạ du qua khoang tràn tự do. Vào mùa mưa, các cửa van điều tiết sẽ luôn ở chế độ mở trong suốt quá trình vận hành, đảm bảo dòng chảy thông suốt, không làm mực nước dâng cao lũ.

Theo báo cáo tổng kết dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng tới khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước TP Đà Nẵng” thì lưu lượng dòng chảy ứng với tần suất cấp nước 95% của sông Cẩm Lệ là 18,37m3/s. Do vậy khi lấy nước thô với lưu lượng 4,07m3/s vào năm 2020 và 7,13m3/s vào năm 2030 theo quy hoạch, thì khi đóng cửa điều tiết vẫn sẽ có lượng nước tràn qua đỉnh đập chảy về hạ lưu để đảm bảo dòng chảy môi trường.

Xây dựng công trình ngăn mặn là giải pháp mà nhiều vùng ven biển đang áp dụng. Ở Việt Nam rất nhiều công trình ngăn mặn đã được xây dựng: Cống Sông Dinh (Ninh Thuận), cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM), cống Bào Chấu (Cà Mau), Thạch Nham (Quảng Ngãi), Vân Phong (Bình Định), Thảo Long (sông Hương)…

Theo các chuyên gia Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam thì Thảo Long là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Công trình có chiều rộng thông nước 472,5m, ngăn thoát nước gồm 15 khoang, mỗi khoang rộng 31,5m. Hiện công trình đang phát huy tác dụng trong việc khai thác nguồn nước đa mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sông Cẩm Lệ, thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, có trữ lượng khai thác lớn, lưu lượng ứng với tần suất cấp nước Qp=18,73 m3/s, tiềm năng khai thác sản xuất nước sạch với công suất gần 1,4 triệu m3/ngày. Đây là nguồn cấp nước chính của TP Đà Nẵng. Các báo cáo nghiên cứu liên quan gần đây đều khẳng định cần có giải pháp công trình phù hợp, lồng ghép với quy hoạch phát triển cấp nước cho nhiều giai đoạn để nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân TP Đà Nẵng hiện tại và trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng khan hiếm nguồn nước như hiện nay.

Việc xây dựng đập ngăn mặn tại Hòa Xuân có thể ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, tuy nhiên đoạn sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ có lưu lượng tàu, thuyền qua lại thấp nên tác động ảnh hưởng đến giao thông thủy không nhiều.

Ngoài ra, với việc xây dựng đập ngăn mặn này thì chất lượng nước thô chịu ảnh hưởng của các nguồn thải trong phạm vi từ trạm bơm An Trạch về NMN Cầu Đỏ. Tuy nhiên định hướng giải quyết vấn đề này đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, đến năm 2025, 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn; trên 90% nước thải sinh hoạt đô thị, 100% nước thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung đạt chuẩn. Như vậy việc quản lý các nguồn xả thải sẽ được cụ thể hóa thông qua thực hiện Nghị quyết sẽ đảm bảo tốt vấn đề môi trường trong tương lai.

Có một số tác động nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Phương án xây dựng đập ngăn mặn mặc dù có một số tác động nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể xem là giải pháp cấp nước thô an toàn, bền vững trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng quy hoạch cấp nước TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Phương án này đảm bảo ngăn mặn triệt để và đáp ứng nhu cầu nước cho các giai đoạn tiếp theo; ngoài ra việc ngăn mặn triệt để sẽ làm nước sinh hoạt tốt hơn, góp phần phát triển du lịch của TP.

Xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ sẽ đảm bảo chống xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều và đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng và hoạt động của thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, giảm hoặc không phải tốn chi phí vận hành trạm bơm nước thô nên sẽ giảm chi phí sản xuất nước, giảm phát thải nhà kính do không phải chạy bơm, thời gian thi công nhanh.

Với phương án này, trạm bơm phòng mặn An Trạch 210.000 m3/ngày hiện trạng vẫn có hiệu quả sử dụng với vai trò là trạm bơm dự phòng để cấp nước thô bổ sung cho hai nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay khi nguồn nước tại cửa thu Cầu Đỏ bị sụt giảm lưu lượng trong trường hợp cực đoan. Việc giữ lại trạm bơm phòng mặn An Trạch hiện trạng sẽ giúp tăng độ an toàn cấp nước cho TP Đà Nẵng.

Với phương án xây dựng đập ngăn mặn kết hợp cầu giao thông thì ngoài chi phí đầu tư thấp, vận hành thuận lợi, tiết kiệm ngân sách nhà nước còn có một số lợi ích kinh tế - xã hội như vùng ngọt hóa sẽ rộng hơn. Chất lượng nước cấp sau xử lý tốt hơn, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cũng như góp phần phát triển các dịch vụ khác như: du lịch, chế biến, sản xuất công nghiệp (ẩm thực, sản xuất rượu bia, chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, da giày, dệt may…).

TP Đà Nẵng sẽ chủ động phát triển nguồn cấp nước theo tốc độ phát triển đô thị trong từng giai đoạn cụ thể theo thực tế. Giảm khí phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường do không phải vận hành các trạm bơm nước thô cấp nước cho các nhà máy. Đồng thời ổn định nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa Vang nhất là các xã dọc theo sông Cầu Đỏ - Cẩm Lệ về hướng thượng lưu sông.

Trên cơ sở đánh giá về vị trí, phương án đầu tư, vận hành, Dawaco đã đề nghị Sở Xây dựng Đà Nẵng xem xét và có ý kiến thống nhất về phương án đảm bảo nguồn cấp nước thô cho TP bằng giải pháp xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân (Hạ lưu NMN Cầu Đỏ). Đồng thời Dawaco đã đề nghị Sở Xây dựng Đà Nẵng xem xét có ý kiến để bổ sung công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ tại ví trí cầu Hòa Xuân mở rộng vào Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hồ Minh Nam – Phó Tổng Giám đốc Dawaco
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm