Tin tức - Sự kiện

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: “Kích hoạt” trong ngắn hạn

Nền kinh tế đã xuất hiện một số điểm sáng, song khó khăn vẫn chồng chất. BĐS, nợ xấu, rủi ro trong hệ thống ngân hàng tiếp tục là những thách thức cần phải vượt qua. TS Lê Xuân Sang, Phó trưởng ban Nghiên cứu chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra cái nhìn tổng quan về nền kinh tế thời gian qua.
Ông đánh giá như thế nào về diễn biến tình hình kinh tế quý 1 vừa qua?
 
Nền kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2012 và trong đầu năm 2013 đã xuất hiện một số điểm sáng như sự gia tăng đáng kể số DN hoạt động trở lại, dù song hành là lượng DN gặp khó khăn, giải thể cũng tăng theo. Nhiều tín hiệu kinh tế vĩ mô được cải thiện như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong quý 1 tăng mạnh, tuy nhờ một số dự án lớn song mức tăng mạnh giá trị đăng ký đã thể hiện lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài không giảm.
 
Cùng với đó, lượng hàng tồn kho giảm dần, chỉ số PMI và đơn đặt hàng xuất khẩu tốt lên trong quý 1, một số DN trong nước bắt đầu nhập khẩu cho sản xuất và xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế, lạm phát, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế và một số chỉ số khác đều có những kết quả khả quan. Một số chỉ tiêu an toàn tài chính vĩ mô được coi là trong ngưỡng an toàn và được cải thiện.
 
Theo dự báo từ cộng đồng quốc tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2013 sẽ đạt 5,5%. Các rủi ro được kiềm chế hoặc cải thiện, song lạm phát có thể cao hơn so với mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
 
Vậy nền kinh tế còn đối diện với những khó khăn cơ bản nào nhất, thưa ông? 
 
Khó khăn lớn nhất bây giờ là mức cầu còn yếu, tình hình kinh tế trong khu vực và quốc tế dự báo còn nhiều khó khăn, yếu tố thời tiết xấu cũng gây ảnh hưởng đáng kể. BĐS vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nợ xấu khó có thể xử lý dứt điểm trong ngắn hạn.
 
Hệ thống ngân hàng còn yếu kém, rủi ro sai lệch kép, rủi ro thanh khoản còn cao trong khi có trọng trách cõng phần lớn nền kinh tế nên dễ sụp đổ. Hệ thống giám sát thiếu, yếu, lạc hậu, nhất là giám sát dựa trên rủi ro, cả mô hình định lượng, cảnh báo sớm. Tại sao bầu Kiên có thể dùng một dòng tiền xoay đi xoay lại mà không ai phát hiện, chỉ đến khi vỡ lở ảnh hưởng toàn bộ hệ thống NH?
 
Chưa kể những khó khăn trong việc triển khai các gói giải pháp đều đang chưa được như mong muốn như thực hiện tái cơ cấu, NQ 01, 02… Thực tế đáng lo ngại hiện nay là làn sóng cải cách khó thực hiện hơn năm 1986. Năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới song chỉ có ý thức hệ. Hiện nay đã có sự cản trở bởi nhóm lợi ích, trong khi các chế tài tài chính còn yếu kém, lòng tin rất thấp. Chính vì thế, trong thời gian gần đây, khung pháp lý, chính sách đã có nhưng diễn biến rất chậm.
 
Riêng với thị trường BĐS, ông đánh giá  thế nào về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường này đã có hiệu lực từ ngày 15-4?
 
Dù còn nhiều luồng ý kiến tranh luận, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng không nhiều song nó sẽ mang đến tác dụng ban đầu với thị trường, nhất là với BĐS nhà ở xã hội, kích hoạt thị trường trong ngắn hạn.
 
BĐS có ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng kinh tế và toàn bộ nền kinh tế, hệ thống tài chính nhất là tài chính ngân hàng. Cũng như các nước phát triển khác, ở Việt Nam, cho vay BĐS chiếm tỷ trọng đáng kể. Do đó, hỗ trợ thị trường này hồi phục là cần thiết. 
 
Thông điệp được đưa ra ở đây, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhận thức chung chưa đồng đều, dùng từ "cứu” có thể gây hiểu nhầm, mà Chính phủ đang tiến hành hỗ trợ giúp đỡ ban đầu để kích hoạt thị trường, dựa trên tình hình biến chuyển kinh tế xã hội trong và ngoài nước để có những gói hỗ trợ tiếp theo. Gói hỗ trợ này vừa có ý nghĩa kinh tế, song ý nghĩa chính trị cũng rất to lớn.
 
Theo ông, mặt bằng giá BĐS hiện nay còn có xu hướng giảm tiếp hay không?
 
Chúng ta đang thiếu hụt hệ thống thông tin đồng bộ, nhất quán để có thể đánh giá chuẩn xác nhất về mặt bằng giá. Còn mức giá nào là phù hợp còn phụ thuộc nhiều nhân tố tác động trong những thời điểm khác nhau. Người dân có nên mua nhà thời điểm này hay không cũng còn phụ thuộc từng nhóm đối tượng.
 
Chỉ có thể khẳng định, đây đúng là thời điểm tốt, tạo cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà để ở thật sự tìm hiểu, lựa chọn dự án hợp lý, phù hợp điều kiện kinh tế, vật chất, tinh thần của gia đình để có cách tiếp cận mua nhà thích hợp nhất, nâng quyền của người tiêu dùng lên. 
 
Hiện nay, người dân đang được hỗ trợ mua nhà với lãi suất thấp khoảng 6%/năm, tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ duy trì trong 3 năm đầu. Nên có những giải pháp gì để tăng cường lòng tin cho người dân, thưa ông?
 
Như đã trao đổi, hành vi đầu cơ trên diện rộng nhiều dự án hầu như không còn nhưng tâm lý người dân vẫn chờ đợi giá xuống. Thế nên, người tiêu dùng nên suy nghĩ, xem xét cẩn trọng, ít nhất trong năm nay, sẽ không còn những cơn sốt giá như trước lặp lại nữa. 
 
Riêng việc hỗ trợ lãi suất thấp chỉ trong 3 năm, là do Việt Nam thường tập trung luồng tiền trong ngắn hạn, cũng khiến người dân mất niềm tin. Do đó, phải xây dựng thể chế thông qua các khung pháp lý, thực thi và tổ chức thực thi, bảo đảm người dân được tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp mang tính dài hạn hơn (khoảng 10 năm), minh bạch hơn. Xây dựng những tổ chức tài chính để tạo kênh huy động mới nhằm huy động vốn dễ hơn từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ như các tổ chức thế chấp BĐS. Nhưng công tác giám sát tổ chức các công cụ đầu tư, công cụ phái sinh này cần rất cẩn trọng. Ngoài ra, các tổ chức xây dựng đánh giá tín nhiệm cũng nên tăng cường thêm, để tạo lòng tin cho người dân và cộng đồng DN.
 
Xin cảm ơn ông!
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo