Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng tại Hà Nội: Tắc đủ đường
Sáng qua, UBND TP Hà Nội có buổi làm việc với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố, Sở Xây dựng, Tài chính... nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nhiều khó khăn đã được phân tích, mổ xẻ trong đó có khó khăn từ chính thủ tục hành chính...
Chỉ 52 cá nhân được vay
(TP) Sau hơn 2 tháng các ngân hàng triển khai cho vay theo gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân mua nhà xã hội và chủ đầu tư phát triển dự án nhà thu nhập thấp nhưng số người vay được để mua nhà còn rất ít. Ông Nguyễn Văn Đa, Phó giám đốc Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai cho biết, nhiều khách hàng rất quan tâm đến gói tín dụng này nhưng vẫn chưa có ai vay được tiền để mua nhà của dự án Kiến Hưng.
Trong đó, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng không được vay với lý do hợp đồng mua nhà đã ký trước ngày 7/1/2013. Một bộ phận khách hàng khác ký hợp đồng mua nhà sau thời điểm nêu trên cũng chưa được vay do “thủ tục phức tạp, chưa đáp ứng được điều kiện của ngân hàng”. “Đến nay vẫn chưa có khách hàng nào mua nhà của Vinaconex Xuân Mai được vay tiền từ gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng”-ông Đa nói.
Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội cho hay, sau khi Thông tư 11 của NHNN và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng ban hành, tính đến ngày 31/7, chi nhánh các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 46,6 tỷ đồng trên tổng hạn mức 130 tỷ đồng.
Dự kiến sắp tới các ngân hàng thương mại sẽ ký kết để giải ngân đối với khách hàng thuộc dự án Vigracera để đầu tư nhà ở xã hội khu đô thị mới Đặng Xá, chung cư OCT2 Xuân Phương, Nam An Khánh... Bộ Xây dựng vừa cho biết, trong gói 30 nghìn tỷ đồng, dành khoảng 30% cho các chủ đầu tư vay để xây dựng dự án nhà ở xã hội còn lại 70% dành cho người dân vay mua nhà ở xã hội.
Xã phường không xác nhận
Với mức lãi suất cho vay là 6%/năm, Ngân hàng NN Hà Nội khẳng định đây là mức lãi suất phù hợp với nhu cầu thị trường tuy nhiên giá trị giải ngân vẫn đạt thấp do còn quá nhiều vướng mắc. Điển hình là việc xác nhận tình trạng nhà ở nơi khách hàng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú rất khó khăn vì UBND xã phường không xác nhận.
Phần lớn tài sản đảm bảo là hình thành từ vốn vay nên khi ký hợp đồng hợp tác 3 bên với chủ đầu tư còn phát sinh một số khó khăn do khi thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo thì cơ quan đăng ký giao dịch lại cho rằng không thực hiện dẫn đến không đủ điều kiện vay vốn.
Bên cạnh đó, việc xác định một hộ gia đình chỉ có 1 người đứng tên vay là khó; việc xác nhận tạm trú có điều kiện là người tạm trú phải nộp bảo hiểm liên tục 3 năm do đó rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Tính đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn của NHNN và các bộ ngành liên quan về trình tự thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo và xử lý tài sản đảm bảo là nhà xã hội để thu hồi nợ trong trường hợp xảy ra rủi ro trong thời gian tài sản chưa được phép mua bán, chuyển nhượng dẫn đến ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong xử lý tài sản để thu hồi nợ. Một bộ phận người mua nhà vẫn còn tâm lý chờ đợi giá xuống tiếp...
Nhằm thúc đẩy việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi này tới người thật sự có khó khăn về nhà ở và các chủ đầu tư, Ngân hàng NN Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành xem xét nới lỏng điều kiện được vay mua, thuê nhà ở xã hội theo Thông tư 11 của Ngân hàng NN là các trường hợp đã ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư trước ngày 7/1/2013; đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, xã phường thực hiện nhanh các thủ tục xác nhận cho các cá nhân đảm bảo điều kiện vay vốn mua nhà...
Minh Tuấn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo