Thị trường

Gốm sứ nội: Nhặt mảnh vụn từ thị trường 5.000 tỷ

Tổng doanh số toàn thị trường gốm sứ gia dụng Việt Nam đạt bình quân khoảng 5.600 tỷ đồng một năm, nhưng các cơ sở sản xuất trong nước chỉ chiếm 30%. Vì sao?

Lâu nay khi nói đến nghề làm gốm truyền thống dân tộc, người Việt Nam luôn tự hào về nền văn hóa Óc Eo (thế kỷ I đến thế kỷ VII). Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nói, nghệ thuật nung thời kỳ này đã đạt đến trình độ cao. Có nhiều di chỉ khảo cổ học được khai quật, ví dụ tại Đồng Nai hay Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), cho thấy nghệ thuật tạo đồ đất nung đã ra đời ở nước ta từ cách đây 3.000 năm. Như vậy, có thể tạm kết luận rằng, gốm sứ là một trong những nghề lâu đời nhất được hình thành tại Việt Nam. Nhưng ngày nay chúng ta chưa biết kế thừa và phát huy hết tinh hoa dân tộc, bằng chứng là hàng gốm sứ gia dụng Việt chỉ chiếm vỏn vẹn 30% thị phần cả nước.

Hàng nội: nhặt mảnh vụn!

Theo số liệu thống kê cập nhật đến ngày 16/11/2012 do một chuyên gia gốm sứ cung cấp, hiện trên cả nước có tổng số 286 cơ sở sản xuất đồ gốm sứ gia dụng lớn, nhỏ của Việt Nam, đạt tổng doanh số 1.677 tỷ đồng/năm và chiếm 30% thị phần cả nước. Xin mở ngoặc là tính chung gốm sứ các loại, không phân chia hàng bình dân hay cao cấp. Trong đó chia ra làm nhiều khu vực sản xuất khác nhau cụ thể như: (1) nhà sản xuất công nghiệp (gồm các doanh nghiệp lớn chiếm đa số thị phần trong nhóm hàng nội như: Minh Long 1, Sứ Hải Dương, Chuan Kuo Việt Nam). Mỗi nhà sản xuất trong nhóm này có 1 nhà máy sản xuất quy mô lớn với sản lượng trung bình từ 1-2 triệu sản phẩm/tháng (thống kê ước lượng, có thể chưa đầy đủ và cập nhật nhất - PV).

 

Lấy ví dụ, Công ty Gốm sứ Chuan Kuo Việt Nam (viết tắt là CK, có nhà máy tại Việt Nam và công ty mẹ ở Đài Loan), nếu tạm lấy giá bán mỗi sản phẩm bình quân là 9.000 đồng thì với sản lượng tạm tính khoảng 2 triệu sản phẩm/tháng, mỗi tháng công ty này đạt doanh số trung bình khoảng 18 tỷ đồng. Một năm tổng doanh số bán hàng bình quân của công ty này có thể đạt 216 tỷ đồng, tùy vào các điều kiện khác nhau (công suất sản xuất, sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) và chiếm 3,9% thị phần cả nước. Công ty Minh Long 1 có sản lượng trung bình khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng với giá bán bình quân 15.000 đồng/sản phẩm thì doanh số mỗi tháng đạt 15 tỷ đồng và một năm tổng doanh số đạt 180 tỷ đồng. Như vậy, thị phần của Minh Long 1 về đồ gốm sứ gia dụng nói chung chiếm 3,2% thị phần (Minh Long 1 chủ yếu sản xuất đồ sứ gia dụng trung và cao cấp nên số liệu về thị phần của công ty ở phân khúc này có khác, sẽ phân tích ở đoạn sau -PV). Tương tự, Sứ Hải Dương - một thương hiệu nổi tiếng miền Bắc đã tồn tại hơn 50 năm nay cũng có sản lượng trung bình khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng, với mức giá bán bình quân 7.000 đồng/sản phẩm. Như vậy, công ty này có doanh số 7 tỷ đồng/tháng và tổng doanh số năm là 84 tỷ đồng, chiếm 1,5% thị phần.

Ở khu vực sản xuất (2) là tỉnh Hải Dương, hiện nay có 1 cơ sở lớn có sản lượng khoảng 700.000 sản phẩm/tháng và 5 cơ sở nhỏ có sản lượng 30.000 sản phẩm/tháng. Với giá bán trung bình 6.000 đồng/sản phẩm ở cơ sở lớn và 4.000 đồng/sản phẩm ở 5 cơ sở nhỏ, suy ra doanh số lần lượt sẽ là 4,2 tỷ đồng/tháng/cơ sở lớn và 120 triệu đồng/tháng/cơ sở nhỏ. Như vậy, tổng doanh số của 1 cơ sở lớn ở Hải Dương đạt 50,4 tỷ đồng/năm và chiếm 0,9% thị phần, trong khi tổng doanh số của cả 5 cơ sở nhỏ đạt 7,2 tỷ đồng/năm, chiếm 0,1% thị phần. Ngoài ra còn có các khu vực sản xuất khác trên cả nước bao gồm (3) Bát Tràng (có 50 cơ sở sản xuất nhỏ đạt tổng doanh số 144 tỷ đồng/năm, chiếm 2,6% thị phần); (4) Thái Bình (12 cơ sở lớn và nhỡ, tổng doanh số 90 tỷ đồng/năm, chiếm 1,7% thị phần). Riêng khu vực sản xuất (5) là Bình Dương có đến 160 cơ sở sản xuất lớn, nhỡ và nhỏ đạt tổng doanh số 684 tỷ đồng/năm, chiếm 12,3% thị phần. Cuối cùng, khu vực khác (6) có 55 cơ sở lớn và nhỏ có tổng doanh số 222 tỷ đồng/năm và chiếm 4% thị phần.

 

Có nhiều rào cản đối với ngành sản xuất gốm sứ trong nước. Theo ông Nguyễn Đỗ Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương, về sản lượng các cơ sở sản xuất nội địa bị hạn chế bởi truyền thống sản xuất thủ công, đòi hỏi tay nghề người thợ cao. Tính mùa vụ của nghề này cũng cao, một năm có 6 tháng không đủ hàng bán, 6 tháng kia lại luôn dư thừa hàng. Ông Hà nói, thậm chí năm 2011 có một số cửa hàng gốm sứ ở Hải Dương chỉ mở cửa bán hàng từ 10-11 giờ sáng và nghỉ từ 16-17 giờ chiều. Năm nay có khu chợ chuyên bán đồ sứ còn phủ bạt nghỉ cả tuần vì vắng khách. Hơn nữa, một bất lợi khác của hàng nội là giá thành sản phẩm còn cao do mỗi cơ sở phải tự thực hiện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quy trình sản xuất. Các cơ sở còn phải làm cả chuỗi 50-100 loại sản phẩm đủ cho sử dụng trong gia đình và thị hiếu khác nhau của nhiều gia đình. Hệ thống phân phối hàng trong nước cũng bị xé lẻ.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến gốm sứ Việt thua trắng trên sân nhà là do các cơ sở sản xuất trong nước chủ yếu phát triển trên nền tảng thủ công, manh mún, vẫn duy trì tập quán sản xuất lạc hậu. Ở nhiều nơi, như Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) nhiều hộ dân vẫn làm sản phẩm theo kiểu cũ: đốt lò nung bằng than và chế tạo thủ công. Phương thức này có thể áp dụng khi nền kinh tế chưa phát triển, cung hàng hóa còn thấp và cầu cao nên người tiêu dùng chỉ cần có hàng hóa để tiêu dùng là được mà ít quan tâm đến chất lượng.

Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế phát triển rất nhanh, khiến nhu cầu của người tiêu dùng cũng thay đổi chóng mặt. Người mua trở nên khó tính hơn, luôn đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt, giá cả cạnh tranh và mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất nội địa chưa trở mình kịp để đáp ứng những yêu cầu đó của thị trường. Nói chính xác hơn, nhà sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu của khách hàng, dù không ít người mua có tiền sẵn sàng trả nhiều hơn để sở hữu những món đồ đẹp và chất lượng. Đáng buồn, trong tư duy của nhiều người sản xuất kinh doanh vẫn ngự trị một suy nghĩ đơn giản: hàng hóa làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó là được, dù số lượng hạn chế và hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao. Quy mô sản xuất nhỏ, mẫu mã đơn điệu, nghèo nàn nên tất yếu là hàng nội không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, trừ Minh Long 1, Sứ Hải Dương, CK và Long Phương.
 
Bà Phạm Chi Lan đúc kết: "Nhà sản xuất Việt Nam mới dừng ở việc làm theo những gì họ nghĩ là thị trường cần, chưa nghĩ được phải đi trước, tạo ra xu hướng tiêu dùng mới".

Như ở trên đã đề cập, mặc dù số lượng các cơ sở sản xuất gốm sứ gia dụng trên cả nước rất nhiều (286), phân bố chủ yếu ở các khu vực có truyền thống lâu năm về nghề gốm như Bình Dương, Bát Tràng, Hải Dương… lại nắm lợi thế sân nhà (am hiểu thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu thị trường), nhưng vẫn chỉ chiếm được 30% thị phần của một thị trường cực kỳ tiềm năng có tổng doanh số lên đến 5.600 tỷ đồng một năm. Vậy 70% thị phần béo bở ấy lọt vào tay ai? Bốn nghìn tỷ đồng doanh thu từ ngành sứ gia dụng "chảy máu" đi đâu hàng năm?

Hàng Trung Quốc: Đông, độc, rẻ!

Câu trả lời có lẽ ai cũng biết. Các loại sản phẩm gốm sứ đủ loại của Trung Quốc đang ngày đêm ồ ạt tuồn vào Việt Nam qua đủ ngõ ngách, cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, và đang làm mưa làm gió trong các chợ, trung tâm mua sắm trên cả nước. Sức mạnh của hàng Trung Quốc được ông Nguyễn Đỗ Hà, Tổng Giám đốc Sứ Hải Dương, mô tả là vô cùng ào ạt. Lợi thế chính của hàng Trung Quốc là hầu hết đều dưới dạng hàng trốn thuế, thông qua các con đường "tiểu ngạch" ở những cửa khẩu biên giới. Sự tinh vi của hình thức xâm chiếm thị trường Việt mà các cơ sở sản xuất Trung Quốc sử dụng là tìm cách nhập lậu hàng vào Việt Nam rồi đóng mác hàng địa phương ngay tại Việt Nam! Ví dụ, mác "Bát Tràng", hàng Trung Quốc. Hoặc cơ sở vừa sản xuất ở Việt Nam, vừa nhập về đóng nhãn "Made in Vietnam". Và do có nhiều cơ sở sản xuất nên mẫu mã hàng Trung Quốc rất phong phú, dù mỗi nơi chỉ sản xuất từ 1-5 loại sản phẩm.

Vẫn theo ông Hà, ở Trung Quốc có các vùng chuyên sản xuất hàng để cung cấp cho cả thế giới, nên có sản lượng cực lớn, chia cắt sản xuất ra từng công đoạn. Như sản xuất nguyên liệu riêng, sứ trắng riêng, sứ hoa riêng… và mỗi nhà máy chỉ chuyên sản xuất 1-5 loại sản phẩm nên có tính chuyên môn hóa rất cao, tạo ra sản lượng lớn, giá thành hạ. Một số vùng mới như Tịnh Cương Sơn thậm chí nhà sản xuất còn được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ, khiến giá thành sản phẩm của họ hạ thấp một cách đột ngột. Ông Hà cho biết, điều nguy hiểm là nhà sản xuất Trung Quốc chấp nhận pha cả chì trong sản phẩm và hoa văn cho nên họ hạ được nhiệt độ nung xuống, qua đó hạ được giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, điều này có hại cho sức khỏe của người sử dụng.

Trong khi đó, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long 1, chia sẻ với Doanh Nhân rằng, một sản phẩm chất lượng cao phải được nung ở nhiệt độ cao, càng cao càng tốt. Với gốm là trên 1.200 độ C, sứ là trên 1.300 độ C mới đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, theo ông Minh, hàng sứ tốt của Việt Nam được nung ở nhiệt độ 1.280 độ C. Sản phẩm chất lượng cao của Minh Long 1 được nung ở nhiệt độ 1.380 độ C - cao nhất Việt Nam hiện nay và được nung bằng hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại của Đức, lò nung cũng nhập khẩu từ Đức. Một sản phẩm của Minh Long 1 khi đến tay người tiêu dùng phải bắt buộc đạt được nhiều tiêu chí: trắng, trong, tròn, mỏng, nhưng cứng và bền, bóng, hoa văn kiểu dáng đẹp và có yếu tố văn hóa trong thiết kế. Theo ông Lý Ngọc Minh, các sản phẩm chén đĩa gia dụng bằng sứ của Việt Nam đã đạt được trình độ cao về mỹ thuật và kỹ thuật và đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Ông Minh nói, hàng Trung Quốc có đặc điểm là nung nhẹ lửa ở nhiệt độ thấp, chỉ khoảng 800 độ C nên rất dễ vỡ, độ bền thấp. Cách phân biệt là sờ lên thấy cộm tay, nhìn hoa văn thấy không chìm vào trong lớp men. Ông Lý Ngọc Minh khẳng định, sứ Trung Quốc bán trên thị trường có pha chì trong lớp hoa văn nhẹ lửa. Còn Tổng Giám đốc Sứ Hải Dương, Nguyễn Đỗ Hà thì lý giải chì có tác dụng làm hạ nhiệt độ nóng chảy của sứ và hoa văn, đồng thời làm tăng độ bóng ở nhiệt độ thấp. Do vậy hầu hết các loại sứ Trung Quốc đều sử dụng hoa văn có chì này.

Sức mạnh bó đũa


Nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, ông Vũ Quốc Tuấn, tỏ ra rất trăn trở trước câu hỏi về tương lai ngành sứ gia dụng Việt Nam. Ông chỉ ra hai nguyên nhân chính làm suy yếu ngành sứ nội. Đó là bản thân mỗi doanh nghiệp yếu, lại thiếu bắt tay nhau nên không cạnh tranh nổi hàng Trung Quốc. Thứ hai là nhà nước không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, về vốn đầu tư, cải thiện công nghệ sản xuất. "Thấy chết mà không vùng vẫy được", ông Tuấn than thở về tình trạng chung của nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước hiện nay.

Không đến nỗi bi quan như ông Vũ Quốc Tuấn, một số doanh nghiệp Việt đã tự đề ra những giải pháp cho riêng mình cũng như cả ngành sứ nội địa. Giải pháp của riêng Minh Long 1, theo ông Lý Ngọc Minh, là năm sau sẽ đầu tư mở rộng sản xuất nhóm hàng hóa ở phân khúc bình dân hơn, nhằm chiếm lĩnh thị phần. Hiện tại, đối với riêng phân khúc hàng sứ tiêu dùng trung và cao cấp cho gia đình, thị phần của Minh Long 1 chiếm 80% cả nước. Mặc dù kinh tế suy thoái, tổng doanh thu cả năm 2011 của công ty vẫn đạt 450 tỷ đồng và ông Minh đặt mục tiêu tăng 30% năm 2012.

 

Ông tiết lộ, doanh thu 9 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2011. Ông cũng kịp nhận ra tiềm năng rất lớn của thị trường sứ gia dụng bình dân, vốn đang thiếu vắng những sản phẩm có chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam. Đó cũng là động lực thúc đẩy Minh Long 1 đầu tư mạnh hơn vào phân khúc này. Với mức giá 1 bộ bát đĩa ăn sứ trắng cho 6 người của Minh Long 1 (hàng bình thường) chỉ có 400 nghìn đồng/bộ, ông Minh tin rằng, đa số người Việt Nam sẽ mua được sản phẩm bình dân, nhưng an toàn và chất lượng vào năm sau.

Muốn cứu ngành gốm sứ nội, ông Nguyễn Đỗ Hà đề xuất cần phải có sự phân nhóm và sàng lọc các doanh nghiệp trong từng nhóm, nhằm tạo liên kết và phân khúc giữa các nhóm không bị xung đột lợi ích quá lớn. Ví dụ, nhóm theo phân khúc hàng cao - trung - thấp cấp, nhóm theo từng vùng… Từ đó, tạo sức mạnh liên kết giữa các nhóm sản xuất trong nước nhằm tối ưu hóa chi phí đầu vào và chi phí lưu thông, qua đó hợp tác khai thác thế mạnh và trọng tâm đầu tư của mỗi thành viên để giảm giá thành và có độ phủ hàng sâu rộng. Sự liên kết này nếu có, sẽ giúp hàng Việt Nam cạnh tranh được về kiểu dáng, mẫu mã (do liên kết nhiều nhà sản xuất nên có thể làm được nhiều mẫu mã mới), giá thành hạ và hệ thống phân phối sâu rộng.


"Ngoài ra, phải tạo được môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau và với hàng Trung Quốc. Đặc biệt là vấn đề về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp lớn trong nước đang phải đóng thuế đầy đủ, trong khi hàng nhập lậu không phải đóng thuế nên giá thành chênh nhau tới 20-30%. Các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường và thuế cần ra tay để ngăn chặn hàng nhập lậu", ông Hà khuyến nghị. Chỉ có như vậy thì lửa lò mà biết bao thế hệ cha ông truyền lại mới tiếp tục cháy sáng tại các cơ sở gốm sứ của Việt Nam.
 

 

Việt Huế (Theo DĐDN)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo