Góp vốn vào TCTD không phải để quốc hữu hóa
Trả lời báo chí về Quyết định 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng trong việc góp vốn vào các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, góp vốn để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, chứ không có chủ trương áp đặt để quốc hữu hóa ngân hàng nhỏ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Quyết định 48/2013/QĐ-TTg cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với hệ thống tổ chức tín dụng, trong bối cảnh nỗ lực giải quyết nợ xấu còn gặp nhiều trở ngại.
Bộ trưởng Đam phân tích rõ, từ cuối năm 2011, lạm phát tăng cao, nguy cơ mất an toàn của hệ thống ngân hàng buộc chúng ta phải tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực, trong đó có tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, phân loại các ngân hàng.
Trong việc chấn chỉnh đó, có một biện pháp là đưa vào giám sát đặc biệt, kèm với lộ trình hướng dẫn các ngân hàng đó trên tinh thần tự nguyện và phải tái cơ cấu vốn sở hữu kèm theo điều kiện giám sát.
Việc làm đó với mục tiêu lớn là củng cố hệ thống ngân hàng, không để đổ vỡ hệ thống. Tới đây, không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà các ngân hàng lớn cũng phải tiếp tục tiến trình này, phải củng cố, đổi mới hoạt động để từng bước có hệ thống ngân hàng vững mạnh, đủ quy mô, tầm vóc, uy tín, tiến tới cạnh tranh bên ngoài.
"Vấn đề không phải là ngân hàng lớn hay nhỏ, mà là ngân hàng hoạt động như thế nào. Nếu không hiệu quả thì phải có cơ chế giám sát, chứ không phải Chính phủ muốn quốc hữu hóa để áp đặt", Bộ trưởng Đam khẳng định.
Theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt không thực hiện yêu cầu về việc tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc sáp nhập, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền chỉ định tổ chức tín dụng khác tham gia góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo
Liên quan đến vấn đề chậm tái cấu trúc và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là một trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.
Chính phủ rất quan tâm, bắt đầu triển khai từ các tập đoàn kinh tế đến các tổng công ty. Sắp tới, sẽ có nghị định của Chính phủ quy định rất cụ thể với tinh thần các tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ tập trung vào ngành nghề chính.
"Quan điểm của Chính phủ là giữ doanh nghiệp Nhà nước để phục vụ phát triển một số ngành sản xuất thực sự cần thiết cho quốc gia, chứ không giữ doanh nghiệp Nhà nước như phương thức kinh doanh lấy lãi cho Chính phủ", ông Đam lý giải.
Các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành mà cộng đồng xã hội thấy bức xúc nhất trong những năm trước đây chủ yếu là 2 lĩnh vực chứng khoán tài chính ngân hàng và bất động sản, nay phải thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ. Chính phủ cương quyết chỉ đạo phải thoái vốn nhưng có lộ trình chặt chẽ, không gây hại, bảo toàn vốn nhà nước và cũng không làm rối thị trường.
Một số dự án điện sẽ được áp dụng cơ chế đặc biệt
Về lo ngại sẽ thiếu điện trong thời gian tới do nhiều dự án điện vướng giải phón mặt bằng, Bộ trưởng Đam khẳng định, đến năm 2015 Chính phủ đảm bảo lượng điện nguồn phục vụ đời sống và sản xuất đã đủ.
Tuy nhiên, đến năm 2017-2018, có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở các tỉnh miền Nam, do một số dự án điện chậm tiến độ. Vì vậy, Chính phủ có thể sẽ cân nhắc cho phép một số dự án được thực hiện theo cơ chế dự án khẩn cấp, với những cơ chế đặc biệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ, để đảm bảo đến năm 2018 không xảy ra tình trạng thiếu điện.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để tiến hành việc lập lại quy hoạch điện đến năm 2020 hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế.
Trả lời về việc giá điện tăng đột ngột, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, lộ trình điều chỉnh giá điện được quy định chặt chẽ, có rất nhiều điều kiện, trong đó có 2 điều kiện, không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng và mức tăng 5% trở xuống thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương.
Từ năm 2012 đến nay, vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8/2013, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Chính phủ khẳng định, dù có tăng thế nào vẫn sẽ đảm bảo hỗ trợ đối với các hộ nghèo.
Tại cuộc họp Chính phủ lần này, Thủ tướng chỉ đạo với giá điện, một mặt tiếp tục chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, không cào bằng, mặt khác nghiên cứu chính sách để khuyến khích người dân sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện.
Chính phủ vẫn bao cấp một số lượng điện nhất định cho người nghèo, nhưng bằng tiền mặt, đồng thời có chương trình hỗ trợ người dân chuyển sang dùng bóng tiết kiệm điện.
Số tiền hỗ trợ này nếu người dân tiết kiệm điện thì có thể giữ lại. Tới đây, giá điện cũng như xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch với dân.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo