GS Văn Như Cương: Đừng để ăn cắp biến thành ăn cướp!
Đó là nhận định của GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh trước việc dân Việt đang gặp phải vấn nạn "ăn cắp".
Thật đáng buồn, đáng xấu hổ
PV: - Vừa qua, có xảy ra sự việc một nữ tiếp viên hàng không của hãng VNA đã bị Cảnh sát Tokyo bắt giữ vì nghi ngờ cô này vận chuyển hàng ăn cắp. Là đại diện hình ảnh cho cả quốc gia với bạn bè thế giới, nhưng hàng không lại để xảy ra sự việc đáng chê trách như vậy. Quan điểm của thầy ra sao trước sự việc này?
GS Văn Như Cương: - Đây là 1 điều hết sức đáng buồn. Đành rằng ở trong nước thì cũng đã có những thói hư tật xấu như ăn cắp, tham ô, hôi của. Nhưng chuyện đi ra nước ngoài mà làm những việc đó thì thật đáng buồn, thật đáng xấu hổ.
Còn câu chuyện nữ tiếp viên ăn cắp, thì theo tôi thấy hình như không phải 1 trường hợp. Thậm chí, muốn vào tiếp viên thì phải chạy chọt để được tuyển vào, được phân công đi tuyến này tuyến kia cũng phải xin thế nào thì mới được đi tuyến đường mà có thể kiếm được nhiều tiền hơn do hàng buôn lậu hay hàng ăn cắp.
Mà đâu chỉ có tiếp viên, nhiều người ra nước ngoài, thậm chí có những người đi công tác cho Bộ này, Bộ kia, cũng vào siêu thị ăn cắp, rồi bị bắt, điều này đã từng có. Kể cả tri thức, nghiên cứu sinh đi học hay nhà ngoại giao cũng từng làm như vậy. Như vậy, uy tín, danh dự của người Việt Nam bị vi phạm rất nhiều.
Tôi còn biết, hiện nay, một bộ phận người Nhật còn học tiếng Việt, vì người Việt nhiều ăn cắp, nên họ học tiếng để đối phó, những tưởng họ học tiếng để giao lưu, tìm hiểu văn hóa người Việt, nhưng sự thật là họ học để dè chừng dân VN. Quá đau lòng!
Rồi nhìn lại, mấy cô tiếp viên chỉ dừng lại là ăn cắp nhỏ, đưa vào túi mấy cái quần, mấy cái áo, còn chuyện lớn, phải nói đến vụ nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ công ty Nhật Bản của lãnh đạo đường sắt. Mà trước đó có ông Huỳnh Ngọc Sỹ cũng đã từng ăn hối lộ từ doanh nghiệp Nhật Bản.
Tất cả, nhịp độ ấy, người vi phạm ngày càng lớn thì giấu mặt đi đâu, cứ nhìn lại những trang sử xưa kia, biết bao anh hùng, là niềm tự hào của cả dân tộc, giờ ra đường toàn gặp ăn cắp, thì biết giấu xấu hổ đi đâu.
PV: - Thưa thầy, nhìn lại hiện nay trong xã hội Việt Nam không chỉ có riêng hàng không mới xảy ra sự việc ăn cắp, mà đường bộ, đường thủy, nơi đâu chẳng có hiện tượng này xảy ra, chỉ là mỗi nơi hình thức lại mỗi khác. Đường bộ thì rút ruột công trình, đường thủy thì làm nơi trung chuyển ngà voi, sừng tê giác lậu…
Việc lên tiếng chê trách VNA, phải chăng chưa đúng và đủ, thậm chí là phiến diện, khi hiện nay tình trạng này đang diễn ra khắp mọi nơi?
GS Văn Như Cương: - Thực ra thì tiếp viên hàng không bây giờ mới phát hiện ra, nhưng nó cũng ít thôi, nhỏ thôi, kiếm được bao nhiêu đâu?
Điều đáng nói là không chỉ có tiếp viên hàng không, mà nghề nào đụng đến cũng thấy việc ăn cắp cả, từ hàng không, hàng biển vẫn xảy ra thường xuyên. Thật đáng buồn!
Ăn cắp trong nước đã đáng xấu hổ, dính đến nước ngoài càng xấu hổ hơn, làm giảm uy tín của VN, đó là điều đáng buồn nhất. Tất nhiên phải giáo dục, để mọi thứ tốt hơn.
Tôi thiết nghĩ, đừng lên án mấy cô tiếp viên hàng không mà phải đặt vấn đề chung, ở đâu cũng vậy, phải lên án mạnh mẽ.
Cơ hội ăn cắp ngày càng nhiều!
PV:- Không chỉ vậy, trên hệ thống tổng kết chỉ số hiệu quả hành chính công cấp các tỉnh có kết luận hiện nay tình trạng tham nhũng diễn ra tại nhiều địa phương, cứ đụng đến thủ tục là người dân phải “lót tay”. Điều này có đáng đau lòng không thưa thầy, khi nó minh chứng cho hiện thực, toàn xã hội người Việt đều "ăn cắp", không lớn thì nhỏ?
GS Văn Như Cương: - Ở đâu bây giờ cũng ăn cắp vặt, rồi cái thủ tục đút lót, lót tay là đúng.
Nhưng giờ không có hình thức kỷ luật nghiêm minh, trừng trị thích đáng. Nói ngay đến kiểm lâm thì cũng ăn cắp gỗ, mặc dù nhiệm vụ là chống buôn lậu gỗ nhưng lại câu kết ăn cắp vì lợi nhuận.
Cơ quan nhà nước thu nhận người làm việc cũng lấy tiền. Cho đến thuê người đi thi vào các trường như Học viện an ninh, Học viện quân sự cũng phải mất 300 đến 500 triệu để đi thi hộ, đó cũng là một thứ ăn cắp, chứ kém gì, thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa. Nên phải có xử lý thích đáng để răn đe.
PV: -Nói như vậy thì có phải hiện nay chúng ta chỉ cần phân biệt ăn cắp và không có cơ hội ăn cắp thôi đúng không, thưa thầy. Vì sao ạ?
GS Văn Như Cương: - Phải nói rằng cơ hội ăn cắp hiện nay rất nhiều, nhưng điều đó chứng tỏ không phải ai có cơ hội cũng ăn cắp.
Càng nhiều cơ hội bao nhiêu thì những người phạm tội, ăn cắp nhiều bấy nhiêu. Nên phải làm gì? Trước hết phải làm cho không có cơ hội ăn cắp, không dám ăn cắp, không có điều kiện ăn cắp và có cơ hội không dám ăn cắp.
PV:- Để nói về nguồn gốc của văn hóa “ăn cắp” này, thì theo thầy nó xuất phát từ đâu?
GS Văn Như Cương: - Tôi nghĩ nó tồn tại từ xa xưa, chứ không phải mới có, nhưng mỗi thời mỗi khác.
Nhớ lại trước đây, dân ta dưới chế độ phong kiến, hay có câu nói "quan thì tham, dân thì gian", do quan thì tham nên dân thì đói khổ, nên phải gian, cho quan thì muốn thu cũng phải gian, đó là tính xấu chưa ngăn chặn được.
Có nghĩa ngày xưa cũng chưa tốt đẹp, nhưng ngày nay thì cơ hội nhiều hơn, nên quan niệm "quan thì tham - dân thì gian" càng ngày càng bộc lộ ra vì có nhiều cơ hội.
Thực ra trước kia cũng có, cũng nhiều, cũng y như vậy, nhưng nó kéo dài đến hiện nay, mà chưa giải quyết được cái tư tưởng ấu trĩ đó. Đồng nghĩa nó đã tồn tại từ lâu trong tâm thức con người.
Đừng để ăn cắp thành ăn cướp!
PV: - Chúng ta phải xử lý ra sao? Nếu không xử lý thì sẽ thế nào, thưa thầy?
GS Văn Như Cương: - Theo tôi, luật pháp phải nghiêm minh, chặt chẽ, để không tạo ra nhiều cơ hội ăn cắp. Nếu có cơ hội thì cũng sợ không ăn cắp, vì có thể bị đuổi việc.
Trước đây tôi có một người bạn làm tại nhà ga, chỉ làm chân bán vé, nhưng không bao giờ dám bán 1 vé lậu, vì làm ở ga Hà Nội, nếu làm vậy thì có thể đuổi việc ngay. Chắc hẳn, nhân viên thì phải sợ, không có việc thì vợ con chết đói, nếu có làm thì phải đi xa, lên Lạng Sơn, kỷ luật nghiêm minh như vậy khiến người ta sợ.
Còn nếu không làm được thì có lẽ những hiện tượng này chắc chẵn sẽ vẫn xảy ra thường xuyên và không bao giờ dừng lại.
PV: - Để nói đến hai từ trách nhiệm hành động đáng lên án này, theo thầy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, do nền giáo dục hay nền văn hóa của chúng ta?
GS Văn Như Cương: - Thứ nhất, phải nói tới việc giáo dục trong nhà trường hiện nay. Sau đó mới nói đến tư tưởng tồn tại từ lâu trong mỗi người. Có nghĩa cả giáo dục và văn hóa đều phải có trách nhiệm trước hiện trạng này.
Thứ 2, kỷ luật chưa nghiêm minh.
Thứ 3, hình phạt thì chưa xứng đáng.
Như vừa qua, có mỗi khách hàng ở bến xe Mỹ Đình còn đánh hành khách, lôi bắt lên xe, thế nhưng giải quyết công an nói cơ chế để phạt chỉ có vài chục nghìn, như vậy nó biểu hiện cho một cơ chế không nghiêm minh, kỷ luật không nghiêm, hình phạt không xứng đáng.
Như vậy không còn phải là ăn cắp nữa mà là ăn cướp thì đúng hơn.
Xin trân trọng cảm ơn thầy!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo