Gửi tiền vào ngân hàng không sinh lời nhất nhưng có an toàn nhất?
- Như chúng ta biết, trong thời gian gần đây có những vụ tai tiếng trong ngành ngân hàng. Chính vì thế, người gửi tiền có những lo lắng, liệu tiền gửi của họ có an toàn hay không? Chúng ta gửi tiền ở ngân hàng càng lâu, thời hạn trên 1, 2 năm thì rủi ro càng lớn. Do, một ngân hàng trên nguyên tắc vẫn có thể phá sản, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chủ trương không để ngân hàng nào phá sản. Tuy nhiên chúng ta có bảo hiểm tiền gửi. Với bảo hiểm tiền gửi tối đa 50 triệu đồng/khoản tiền gửi, thì người gửi tiền cũng được bảo đảm. Song những sai phạm và vụ việc thời gian vừa qua cho thấy cũng có tính rủi ro và rủi ro cũng đang tăng lên.
- Hiện nay, nhiều ngân hàng sẵn sàng cử nhân viên đến tận nhà khách hàng để nhận tiền gửi. Nghe có vẻ có lợi nhưng thực tế là có rủi ro, nếu nhân viên ngân hàng cấu kết biển thủ tiền và không nộp tiền vào tài khoản cho khách hàng?
- Thật sự các ngân hàng có dịch vụ cho khách hàng lớn, quan trọng của mình. Những khách hàng muốn gửi từ 1 tỷ đồng thì ngân hàng có thể cử nhân viên đến tận nhà làm tất cả thủ tục giấy tờ và nhận tiền. Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng quy định: ngay cả Giám đốc chi nhánh cũng phải đến nhà của khách hàng đó để nhận tiền gửi. Và thường có 4 nhân viên đến nhà nhận tiền và hoàn thành thủ tục, gồm người kinh doanh, bảo vệ, kế toán, thủ quỹ. Thế nhưng, nếu 4 người đó cấu kết với nhau thì đây là hiện tượng mang tính lừa đảo. Trong trường hợp như thế, các ngân hàng đã lỏng lẻo trong kiểm tra những nhân viên đến với khách hàng của mình.
- Nếu 4 người thông đồng lấy tiền của khách hàng thì ngân hàng có chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng hay không?
- Trên nguyên tắc, nếu là người đại diện có thẩm quyền được ủy quyền đến nhận tiền của khách hàng, sau đó họ biển thủ, lừa đảo thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Vì ngân hàng đó cũng có thủ tục đưa 3 hay 4 cán bộ, nhân viên đến nhận tiền khách hàng, nếu cán bộ nhân viên đó làm đúng theo quy trình, khách hàng cũng làm đúng quy trình thì sẽ không có vấn đề rủi ro. Trong trường hợp thất thoát do 4 người đó cấu kết với nhau biển thủ thì ngân hàng phải có trách nhiệm trong chuyện đó. Và tất cả vụ việc như thế phải ra cơ quan pháp lý để xử lý một cách hợp lý nhất.
- Trình tự hiện nay của các ngân hàng không giống nhau, có ngân hàng thì cần tới 4 chữ ký, có ngân hàng cần 3 chữ ký trong một số hợp đồng. Sự không thống nhất này có rủi ro gì, thưa Ông?
- Mỗi ngân hàng có trình tự mẫu mã khác nhau, đó là do quy định nội bộ của ngân hàng, NHNN. Theo Luật các Tổ chức tín dụng, tất cả ngân hàng đều có quy trình thể thức, chính sách đúng đắn, hợp lý để bảo đảm an toàn cho khách hàng. Nhưng mỗi ngân hàng tùy theo điều kiện kinh doanh của mình, tùy theo truyền thống của họ, có mẫu mã khác nhau, chính vì thế một khách hàng có thể ký 4,5 giấy tờ.
- Có nhiều hợp đồng soạn sẵn, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, và có sẵn chữ ký của người đứng đầu cơ quan đó. Người gửi tiền hay đối tác chỉ cần ký vào hợp đồng là có hiệu lực. Vậy có rủi ro nào khi nhân viên ngân hàng hay công ty đó làm điều không đúng?
- Bất cứ hợp đồng nào chúng ta đều biết rằng, mình phải kiểm tra xem người ký hợp đồng với mình có chức năng, nhiệm vụ có thích hợp không. Có rất nhiều trường hợp đã xảy ra: một cán bộ, nhân viên, lãnh đạo của ngân hàng đến nhận tiền gửi của khách hàng. Họ đem mẫu mã, chứng từ chứng nhận mình là người quản lý ngân hàng. Khách hàng xem, tin tưởng và ký hợp đồng đó. Nhưng không ai ngờ được, cán bộ đó đã đi khỏi ngân hàng từ lâu.
Cho nên, nếu gửi tiền vào ngân hàng thì đến trụ sở của ngân hàng, chi nhánh, phòng giao dịch, hội sở của ngân hàng. Ở đó có kiểm soát viên, có tất cả cán bộ nhân viên khác, không sợ có vấn đề lừa đảo. Còn nếu là nhân viên, cán bộ ngân hàng hay ông Tổng giám đốc đến nói gửi tiền cho tôi, giấy tờ tôi ký, chưa chắc đã tin 100% được.
Năm ngoái, có một khách hàng đến ngân hàng gửi tiền xong, chứng nhận rồi, đến cuối cùng ngân hàng bảo số tiền nhận được bị thiếu. Do đó, lúc gửi tiền, khách hàng phải kiểm tra biên nhận có đúng số tiền mình gửi hay không.
- Năm 2013, nhiều ngân hàng đã tiến hành sáp nhập hay hợp nhất và có thể xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm nay. Điều này có dẫn tới rủi ro với người gửi tiền hay không?
- Nếu ngân hàng sáp nhập với nhau thì không có rủi ro mất tiền. NHNN bao giờ cũng chỉ đạo, giám sát vấn đề sáp nhập các ngân hàng với nhau. Thường thì sáp nhập như thế là tốt cho ngân hàng yếu kém, hoặc các ngân hàng đang hoạt động. Rủi ro hệ thống sẽ không có. Tuy nhiên, khi một ngân hàng sáp nhập với ngân hàng khác và khách hàng trở thành khách hàng của ngân hàng mới, tiền của họ không mất nhưng có thể những điều kiện họ đã được hưởng với ngân hàng cũ sẽ thay đổi. Có thể thay đổi về lãi suất hay điều kiện, thay đổi ngay cả vấn đề phục vụ, nên cũng có rủi ro.
- Hiện nay đã có bảo hiểm tiền gửi, nhưng có vẻ hạn mức hơi thấp. Nếu ngân hàng có vấn đề nào đó, thì người gửi tiền không hoàn toàn nhận được số tiền mình đã gửi?
- Đã có nhiều thảo luận giữa chuyên gia, Quốc hội và cơ quan chức năng về việc có nên nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi hay không? Hạn mức 50 triệu đồng đối với một khoản tiền gửi là nhỏ, vì người dân Việt Nam thu nhập hiện tại đã khá lên. Như ở Mỹ, mức bảo hiểm tiền gửi là 250 nghìn đô la, tương đương khoảng 8 lần thu nhập bình quân mỗi năm một người ở Mỹ. Với chúng ta, cũng nên có hạn mức bằng 4 hay 5 mức thu nhập hàng năm của mỗi người. Hiện tại, tôi nghĩ rằng mức 50 triệu đồng là rất thấp, có thể tăng 200 triệu, hoặc thậm chí 400 cho đến 500 triệu nhưng nên có lộ trình.
- Một trong những công cụ kiểm soát tài chính là cơ quan giám sát tài chính để tránh những sự việc xảy ra trong ngành ngân hàng. Ông đánh giá thế nào về cơ quan giám sát tài chính ở nước ta hiện nay?
- Làm sao chúng ta có thể biết được tiền gửi của chúng ta tại một ngân hàng là an toàn? Làm sao chúng ta biết được ngân hàng đó làm đúng theo Luật các Tổ chức tín dụng và đúng theo quy trình nội bộ của họ? Chỉ có cách, cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan thanh tra của NHNN đi thanh tra, giám sát ngân hàng. Chúng ta cũng có Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ngay cả QH, Bộ Tài chính cũng có thanh tra giám sát.
Nhưng nói chung, việc giám sát các ngân hàng hiện tại của Cơ quan thanh tra vẫn còn nặng tính tuân thủ, không phải giám sát mức độ rủi ro. Có nghĩa, các thanh tra đến giám sát ngân hàng thì họ xem có vi phạm luật hay không, tuân thủ điều này điều kia theo quy định. Có những báo cáo rất dài của các cơ quan thanh tra phần lớn là về quy định tuân thủ, nhưng không thấy những bản thanh tra đưa ra ngân hàng này rủi ro lớn, ngân hàng kia rủi ro thấp.
Ở Mỹ, các ngân hàng được thanh tra dưới mức độ rủi ro. Họ đã có hệ thống đánh giá về an toàn quản trị, về vốn thanh khoản. Cuối cùng, các thanh tra đưa ra mức độ rủi ro và họ xếp hạng mức độ rủi ro. Ở Việt Nam, có lẽ các cơ quan thanh tra và Ủy ban Giám sát của các cơ quan công quyền nên xem xét hệ thống thanh tra của mình và chuyển từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra rủi ro. Như thế khách hàng của tất cả ngân hàng đều an tâm mọi tài sản của mình được trao gửi đúng tay.
- Xin cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng