Hà Lan, Italia tranh nhau ghế cuối cùng tại Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ mới
Theo AFP, cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/6 đã xác định được bốn quốc gia giữ ghế không thường trực Hội đồng bảo an là Kazakhstan, Thụy Điển, Ethiopia và Bolivia.
Riêng chiếc ghế thứ năm, vốn là cuộc đua giữa Hà Lan và Italia đã không thể hoàn toàn thuộc về nước nào. Việc bầu thành viên không thường trực thứ năm của Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phải tiến hành năm vòng bỏ phiếu. Tuy nhiên hai ứng cử viên Hà Lan và Italy vẫn nhận được số phiếu ngang nhau là 95 phiếu, trong khi số phiếu cần thiết để chiến thắng là 127 phiếu.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phải ngưng họp hai lần để giải quyết chuyện này. Cuối cùng, thay mặt ngoại trưởng hai nước Hà Lan và Italia, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Mogens Lykketoft tuyên bố hai nước đã đồng ý thỏa thuận chia đôi nhiệm kỳ.
Theo đó, Italy sẽ giữ chức ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an năm 2017 và Hà Lan sẽ tiếp tục giữ vị trí này vào năm 2018.
Phát biểu về đề xuất chia sẻ nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực này, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho biết: “Việc hai nước giành được số phiếu ngang bằng nhau 95-95, trong các vòng bỏ phiếu cho thấy các thành viên trong đại hội đồng đánh giá cả 2 nước đều xứng đáng có được vị trí Ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an”.
Còn Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni thì cho biết quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc là sự công bằng tuyệt đối và việc hai nước cùng nhau chia sẻ nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cho thấy thông điệp đoàn kết của hai nước châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên hai quốc gia Liên hợp quốc thỏa thuận chia đôi nhiệm kỳ ủy viên không thường trực. Trong giai đoạn những năm 1950 - 1960, đã có ít nhất năm lần như vậy. Nhiệm kỳ 1964 - 1965, Malaysia và Czechoslovakia đã thay phiên nhau giữ ghế.
Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có thể đưa ra những quyết định ràng buộc pháp lý. Hội đồng gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước Uỷ viên thường trực có quyền phủ quyết gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu ra trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý (5 nước thuộc châu Phi và châu Á; 1 nước thuộc Đông Âu; 2 nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribe; 2 nước thuộc Tây Âu và các nước khác) và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ cũng như mục đích của Liên hợp quốc. Các nước ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau.
Tại Hội đồng Bảo an, các thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các Nghị quyết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo