"Không có gì phải giấu giếm cả, cần báo cáo và công khai thông tin một cách trung thực để cảnh báo người dân và các cơ quan chức năng vào cuộc” .
Đó là lời phát biểu của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong buổi thăm và làm việc tại BV Đống Đa (Hà Nội) sáng 26/4. Tại đây, ông Nghị ghi nhận những cố gắng trong phòng chống và điều trị bệnh nhân sởi ở các BV, nhưng cũng thẳng thắn phê bình Hà Nội “có phần lúng túng” trong việc ứng phó với dịch sởi đang xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, số mắc sởi tại Hà Nội rất cao (theo báo cáo của Sở Y tế là 1.378 trường hợp, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân trên cả nước), số tử vong cũng cao (chiếm 50% cả nước) và cao hơn nhiều so với các vụ dịch trước, dịch diễn ra trong thời gian dài (đến nay đã gần 4 tháng, hiện đã chững nhưng vẫn ở mức cao và đã xuất hiện ở cả 30 quận/huyện).
“Nhưng chúng ta cứ lúng túng trong việc có công bố dịch không, công bố thì thế nào, không công bố thì thế nào? Điều kiện công bố dịch, công bố thế nào do cơ quan chuyên môn đánh giá nhưng dù có công bố hay không và dù có nói với ngôn ngữ gì thì tình hình dịch cũng là nghiêm trọng, ứng phó với dịch phải tương xứng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn trong buổi làm việc, Bí thư thành ủy Hà Nội đề nghị: Việc công bố dịch hay không phải chính thức, đến hôm nay việc công bố dịch vẫn chưa rõ ràng, không thể cứ nói “nửa thế này, nửa thế kia”!
“Tôi đọc báo, nghe đài thấy WHO nói nếu có 3 ca mắc, tử vong thì đã có thể công bố dịch. Còn ở ta đã có 61/63 tỉnh thành có sởi, Hà Nội thì cả 30 quận huyện đều có bệnh nhân sởi rồi”, ông nói.
Về vấn đề minh bạch thông tin, ông thẳng thắn: “Không có gì phải giấu giếm cả, cần báo cáo và công khai thông tin một cách trung thực để cảnh báo người dân và để các cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu dịch vượt quá khả năng ứng phó của Hà Nội thì các Bộ, ngành khác phải cùng vào chống dịch, mình không nói ra thì sau này người ta có thể nói có thấy anh nói gì đâu?”.
Tại thời điểm này, ông Nghị nhấn mạnh ngành y tế Hà Nội tuyệt đối không được chủ quan, phải tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch sao cho hiệu quả, giảm số mắc, số tử vong bởi tính mạng người bệnh là quan trọng nhất.
Sau khi thăm và làm việc tại BV Đống Đa, Bí thư thành ủy Hà Nội đã đến thăm BV Nhi TƯ.
Trước đó,hôm 18/4, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo công bố dịch sởi. Tạ đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long một mặt né nhiều câu hỏi khó, một mặt tuyên bố có dịch sởi ở VN, nhưng không công bố mà chỉ thông báo dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quy định hiện hành cứ có ba ca sốt phát ban nghi sởi ở một ổ dịch, trong đó có hai trường hợp dương tính với sởi đã có thể thông báo dịch. Các văn bản, giấy tờ từ đầu mùa dịch sởi đến nay đều ghi rõ là “phòng chống dịch sởi” chứ không nói là không có dịch. “Việt Nam hiện nay là đã thông báo dịch”- ông Long nói.
Sáng 16/4, tại cuộc họp “kín” do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân chủ trì với sự tham gia của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện chữa bệnh nhi, bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội, Bộ trưởng đã hỏi ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc Hà Nội có công bố dịch sởi hay không, TS Hiền cho biết, phải báo cáo, xin ý kiến UBND Hà Nội.
“Công bố dịch hay không là quyền của UBND các tỉnh, Bộ Y tế không được phép can thiệp. Ví như với bệnh tay chân miệng, UBND tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn chủ động công bố dịch, không có sự tác động nào của Bộ Y tế.
Trong tình huống này, chúng tôi cũng không được quyền trả lời thay y tế địa phương, hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của UBND Hà Nội. Có công bố dịch hay không là quyền của họ, sau đó Bộ Y tế mới có thể có ý kiến”, nữ Bộ trưởng cho biết.
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, dư luận đã tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng Bộ Y tế đang giấu dịch sởi. Mặc dù tuyên bố áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch sởi từ cuối năm 2013, nhưng đến đầu tháng 2, 2014 thì các biện pháp ngăn dịch đầu tiên mới được áp dụng tại tỉnh Yên Bái, một trong 4 tỉnh đầu tiên ở Việt Nam công bố dịch sởi. Theo dư luận, hoạt động ngăn dịch đã được Bộ Y Tế tiến hành một cách chậm chạp.
Cũng trong sáng 16/4, bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng, đáng lẽ đến giờ này phải công bố ngay dịch sởi và Bộ Y tế đã chậm trễ trong công bố dịch.
"Tôi thấy Bộ Y tế đã phản ứng chậm. Chúng ta nói Bộ Y tế giấu dịch hay chạy theo thành tích thì vấn đề này là muôn thủa, không chỉ của Bộ Y tế mà ở nhiều ngành khác trong cơ chế quản lý hiện nay", ông An nói.
Báo Đất Việt