Hà Nội có chỉ số phát triển con người cao nhất nước
"Với 3,6% dân số, Hà Nội đóng góp 10% GDP cả nước", Bí thư Phạm Quang Nghị điểm những thành tựu trong Lễ mít tinh kỷ niệm ngày giải phóng sáng 10/10 tại trung tâm Hội nghị quốc gia, trước 3.500 đại biểu.
Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày Hà Nội thoát khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp được tổ chức theo nghi thức cấp quốc gia, có sự hiện diện của những lãnh đạo cấp cao nhất: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài diễn văn trung tâm của sự kiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ôn lại chặng đường nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, từ khi vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô đến dấu mốc quan trọng là ngày giải phóng khỏi thực dân Pháp 1954.
Ông nói, cách đây 60 năm, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và rút quân khỏi miền Bắc. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn, tiến về Hà Nội trong niềm hân hoan của người dân. 15h chiều, hàng chục nghìn nhân dân và các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố trang nghiêm dự Lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ.
Sau ngày giải phóng, Hà Nội bắt tay vào khôi phục thành phố, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chi viện cho chiến trường miền Nam. Hà Nội từng bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt, song người dân kiên định xây dựng hậu phương để miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Trực tiếp chiến đấu và đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, với lòng quả cảm, Hà Nội đã được bạn bè thế giới tôn vinh là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".
Đến nay, Hà Nội phát triển xứng tầm là trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế xã hội. Thành phố đổi mới hàng loạt công trình hạ tầng, nhiều khu đô thị mới, nhiều làng quê chuyển mình mạnh mẽ.
Chiếm 3,6% về dân số, 1% về diện tích, Hà Nội đóng góp 10% GDP, thu ngân sách chiếm gần 20% cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình, có chỉ số phát triển con người cao nhất cả nước. Hà Nội đồng thời là thành phố duy nhất ở châu Á được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”.
Cuối cùng, Bí thư Phạm Quang Nghị cảm ơn những người tốt, việc tốt, chiến sĩ, nhân dân đã đóng góp công sức cho sự phát triển, nâng cao vị thế của thủ đô. "Để xứng đáng với công lao của thế hệ đi trước, lớp người Hà Nội hôm nay cần nỗ lực để xây dựng thủ đô xanh, văn hiến, hiện đại. Mọi người Việt Nam đều tự hào về tổ quốc, về thủ đô Hà Nội yêu quý, song cũng gắn với trách nhiệm trong giai đoạn mới", ông nhấn mạnh.
Đại diện nhân chứng lịch sử, đại tá Nguyễn Hữu Tài, 85 tuổi, Phó cục trưởng Quân huấn (Bộ Quốc phòng), đã bày tỏ niềm xúc động khi nhớ lại ngày kháng chiến lịch sử, tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng vạn đồng chí, hàng triệu đồng bào đã hy sinh để Hà Nội có ngày hôm nay.
Nhận xét thủ đô được mở rộng đang vươn lên về mọi mặt, cuộc sống thanh bình, đáp ứng ước mơ của mọi người dân, song đại tá Tài cho rằng lối sống, hành vi của một bộ phận người dân còn chưa theo kịp. "Chúng tôi mong muốn thủ đô xứng tầm là trung tâm hành chính, kinh tế lớn của cả nước, thủ đô ngày càng giàu mạnh, để non sông nghìn tuổi vững vàng", đại tá Nguyễn Hữu Tài phát biểu.
Trong lễ kỷ niệm, lãnh đạo Hà Nội nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng. 10 “Công dân thủ đô ưu tú” và 122 cá nhân thuộc các bộ ban ngành và 1.120 gương người tốt việc tốt được tuyên dương vì những đóng góp cho sự phát triển thủ đô năm 2014.
Theo VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo