Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Có quá nhiều chung cư vi phạm quy định PCCC

Vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) được HĐND TP Hà Nội và các đại biểu chất vấn liên tục trong cả 3 kỳ họp. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn còn nhiều nhà chung cư không đảm bảo PCCC mà người dân vẫn phải ở.

Cuối năm 2017, còn 58 chung cư vi phạm

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội diễn ra đầu tháng 12/2017, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 10/2017, thành phố xảy ra 626 vụ cháy làm 18 người chết, thiệt hại 400 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian trên, 3 vụ nổ xảy ra làm 3 người chết, thiệt hại tài sản 400 triệu đồng. 79 chung cư cao tầng vi phạm phòng cháy được nêu tên tại kỳ họp thứ 4 đến nay vẫn còn 58 chung cư vi phạm. Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã phải chuyển hồ sơ 13 công trình sang Cơ quan Công an điều tra.

Hà Nội có bao nhiêu chung cư không an toàn về phòng cháy chữa cháy?

Trả lời ý kiến đại biểu đối với công tác PCCC, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết đây là vấn đề được TP quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, sau sự cố cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) tháng 11/2016, UBND TP đã có công văn giao Giám đốc Sở cảnh sát PCCC TP tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Đối với công tác PCCC tại các công trình chung cư cao tầng, UBND TP đã tiếp thu và yêu cầu các đơn vị mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, đồng thời tham mưu để TP tháo gỡ vướng mắc và xây dựng lộ trình khắc phục. Về PCCC tại các khu đô thị, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhạy cảm về cháy nổ, khu công nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2016, Cảnh sát PCCC TP đã tổ chức 4.599 lượt kiểm tra cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính với 137 trường hợp.

Liệu có dừng lại con số 17?

Trong khi đó, mới đây nhất, ngày 10/3, tờ Tuổi trẻ đưa tin, TP Hà Nội “bêu tên 17” công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng có vi phạm các quy định về  PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành.

Trong đó có 8 dự án do tư nhân bỏ tiền đầu tư gồm: chung cư mini Bồ Đề (ngõ 193 Bồ Đề); khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc; tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở số 88 Tô Vĩnh Diện; tòa nhà chung cư cao tầng số 46/230 Lạc Trung; tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng - Phúc La (Hà Đông); nhà chung cư 30 tầng BMM (khu đô thị Xa La, Hà Đông); trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 29 Lạc Trung; tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh.

 

Riêng Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng 5 tòa chung cư cao tầng vi phạm các quy định về PCCC, bao gồm: tòa nhà CT1 Xa La, tòa nhà CT2 Xa La, tòa nhà CT3 Xa La, nhà chung cư CT4; trung tâm thương mại và căn hộ chung cư (thuộc khu đô thị Xa La, phường Phúc La, Q.Hà Đông).

Đáng lưu ý, trong danh sách các công trình cao tầng vi phạm quy định PCCC lần này, có 4 dự án do các đơn vị xây dựng phục vụ nhu cầu ở cán bộ, chiến sĩ công an, đó là: dự án nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ công an huyện Gia Lâm, tòa nhà C17 Bộ Công an tổ 14 Ngọc Thụy, nhà ở cho cán bộ, giáo viên Học viện Quốc tế (Bộ Công an) xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Tổng cục V (Bộ Công an) ở khu đô thị mới Cổ Nhuế.

Theo UBND TP Hà Nội, 17 công trình không đáp ứng các yêu cầu về PCCC do giai đoạn năm 2011, ý thức chấp hành các quy định PCCC của chủ đầu tư còn yếu kém, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng với thẩm duyệt thiết kế về PCCC còn hạn chế.

Nhiều công trình sau khi thi công ổn định về kết cấu, kiến trúc, chủ đầu tư mới thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Thực tế này dẫn đến việc các chủ đầu tư không thực hiện các yêu cầu về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC, thiết kế thang bộ thoát nạn, hệ thống chống tụ khói công trình.

 

Để khắc phục vi phạm về PCCC 17 công trình trên, UBND TP Hà Nội đã đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ Công an 10 nhóm giải pháp khắc phục, như: trang bị bơm di động, nguồn nước ngoài nhà phục vụ chữa cháy, bổ sung đầu phun chữa cháy Sprinkler tự động, bổ sung thang sắt ngoài công trình làm lối thoát thứ 2…

Nên đọc
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo