Hà Nội: Công bố quy hoạch nghĩa trang đến năm 2030
Sáng 11/12, UBND TP Hà Nội và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội công bố quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc quy hoạch nhằm xây dựng đồng bộ nghĩa trang và nhà tang lễ, nhằm khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; sử dụng hình thức táng phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, văn hóa truyền thống, ưu tiên sử dụng hình thức táng mới, văn minh, hiện đại tiết kiệm đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng cho cải tạo, xây dựng các nghĩa trang
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 496/QĐ-TTg, ngày 8/4/2014), từ nay đến năm 2020, Hà Nội dành 13.000 tỷ đồng để đóng cửa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới một số nghĩa trang; đến năm 2030 là 24.000 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới nhà tang lễ quốc gia.
Dự báo đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang thành phố sẽ là 1247 ha. Trong đó, tại khu vực đô thị là 1103 ha và 144 ha dành cho khu vực nông thôn.
Đối với nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, sẽ cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 5,5 ha lên 5,8 ha đến năm 2015; sử dụng hình thức táng một lần. Đồng thời, sẽ xây mới nghĩa trang cấp quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, quy mô khoảng từ 100 - 150 ha; sử dụng hình thức táng tổng hợp. Hai nghĩa trang này phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Đối với nghĩa trang tập trung liên tỉnh, sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Đồng thời, mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2, huyện Ba Vì, sử dụng hình thức táng tổng hợp, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng và các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Phú Thọ).
Đối với nghĩa trang tập trung cấp thành phố, đóng cửa các nghĩa trang: Sài Đồng (quận Long Biên), Văn Điển (huyện Thanh Trì) và cải tạo thành công viên nghĩa trang trước năm 2015 (riêng nghĩa trang Văn Điển chỉ phục vụ hỏa táng).
Bên cạnh đó, mở rộng nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) với quy mô hiện có là 37 ha lên 87 ha đến năm 2020, sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần và hỏa táng, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng.
Quy hoạch, cải tạo mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 7 ha mở rộng lên 23 ha đến năm 2030; sử dụng hình thức cát táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu đô thị huyện Mê Linh.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng mới các nghĩa trang: Minh Phú và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); Xuân Nộn (huyện Đông Anh); Trung Màu (huyện Gia Lâm); Trần Phú (huyện Chương Mỹ); Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên).
Về quy hoạch mạng lưới nhà tang lễ, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ có 44 nhà tang lễ. Trong đó, sẽ cải tạo, nâng cấp 11 nhà tang lễ hiện có (nhà tang lễ thành phố và nhà tang lễ trong bệnh viện) nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường; tiếp tục xây dựng 7 nhà tang lễ thuộc các dự án đang triển khai; dự kiến xây dựng mới 26 nhà tang lễ (trong đó 1 nhà tang lễ quốc gia).
Đồng thời, tiến hành quy hoạch các cơ sở hỏa táng với tổng số 9 cơ sở trong đó: Tiếp tục sử dụng cơ sở hỏa táng hiện có tại Nghĩa trang Văn Điển phục vụ nhu cầu hỏa táng cho khu vực đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội và xây dựng 8 cơ sở hỏa táng mới.
Triển khai cắm mốc quy hoạch trong quý 1/2015
Phát biểu tại buổi lễ công bố quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao thẩm định quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đề án khó nhưng Viện Quy hoạch Xây dựng nghiên cứu công phu, chất lượng. Các lĩnh vực nghĩa trang, rác thải, môi trường sẽ góp phần nâng cao chất lượng đô thị. Việc công bố công khai quy hoạch đến các quận, huyện, nhân dân địa phương cần được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân địa phương, nhất là ở những nơi xây dựng các nghĩa trang quy mô lớn. Bên cạnh đó cần sử dụng quỹ đất hiệu quả, đảm bảo môi trường. Xu hướng hỏa táng ở Hà Nội đang tăng lên nhưng cần thẩm định tốt các công nghệ để tránh gây ô nhiễm. Nâng cao năng lực quản lý ở các quận, huyện để thực hiện đảm bảo đồng bộ các quy hoạch rác thải, nghĩa trang, cấp thoát nước.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đánh giá với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai. TP sẽ giao các Sở chuyên ngành, từ nay đến quý 1/2015, tổ chức công bố cắm mốc, công khai cho nhân dân được biết. Giao UBND 30 quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện nghĩa trang tập trung trên địa bàn. Các quận, huyện khoanh vùng để giữ nguyên hiện trạng với những nghĩa trang chưa di chuyển được, không được hung táng thêm. Xây các nghĩa trang tập trung cấp huyện. UBND các xã phải xây dựng nghĩa trang tập trung của xã mình, khuyến khích hỏa táng, hạn chế hỏa táng; gắn với phong trào toàn dân xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh, từ nay đến năm 2020, Hà Nội tập trung hoàn thành quy hoạch nghĩa trang, huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Phó Chủ tịch cũng vui mừng thông báo, Hà Nội vừa hoàn thành nhà hỏa táng ở Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng. Trong năm 2015, hoàn thành mở rộng Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng.
Theo Hà Nội mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo