Hà Nội đề xuất xây 15 bãi đỗ lắp ghép
Theo đó, cùng với bốn bãi đỗ đang triển khai là: Bãi đỗ xe Trần Nhật Duật, Phùng Hưng, Nguyễn Công Hoan, bờ sông Tô Lịch, 15 bãi đỗ xe Sở Giao thông Vận tải vừa đề xuất thêm với TP Hà Nội được xây dựng bằng công nghệ lắp ghép.
Các bãi đỗ này nằm trong các quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai.
Trong đó, có năm dự án được đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2015, gồm bãi đỗ Trần Khát Trân (2.650 m2), bãi đỗ Nguyễn Công Trứ (1.500 m2), bãi đỗ vòng xuyến cầu Vĩnh Tuy (5.000 m2), bãi đỗ Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông (950 m2) - quận Hai Bà Trưng; bãi đỗ Kim Liên (2.000 m2) - quận Đống Đa; 10 bãi đỗ xe còn lại trong đó có các bãi như mương cống hóa Thái Hà (Đống Đa), bãi đỗ Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm), bãi Công viên Nước Hồ Tây (Tây Hồ)... được đầu tư xây dựng từ năm 2016 đến 2020.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tổng kinh phí đầu tư cho 15 bãi đỗ xe trên 42,4 tỷ đồng. Đây là những dự án được ưu tiên đầu tư để giải quyết cấp bách về nhu cầu bãi, điểm đỗ của nhân dân, đồng thời giảm ùn tắc cho giao thông thủ đô.
Cùng với kế hoạch trên, để giải quyết điểm đỗ và tránh tình trạng taxi gây lộn xộn tại các khu vực trung tâm, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất xây chín điểm đón trả khách có điều hành cho taxi tại chín khu vực trung tâm, gồm: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Trung tâm thương mại Parkson, Ga Hà Nội, Chợ Đồng Xuân, BV Việt Đức, BV Mắt trung ương, khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
Tất cả các dự án này đều có lộ trình triển khai từ nay đến năm 2015.
Không chỉ khuyến khích xã hội hóa, để có vốn triển khai nhanh các dự án, Sở Giao thông Vận tải đưa ra nhiều hình thức kêu gọi đầu tư khác nhau.
Cụ thể, cùng với vốn ngân sách, doanh nghiệp tham gia đầu tư các bãi đỗ xe còn được vay vốn ưu đãi từ quỹ đầu tư của thành phố.
Với một số dự án cần có vốn lớn, chấp nhận đầu tư, tài trợ từ các nguồn trong và ngoài nước, của các tổ chức quốc tế.
Cùng với đó trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp được miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian xây dựng; đặc biệt, khi dự án đi vào hoạt động, doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng hạ tầng trong thời gian nhất định và được phép kinh doanh thêm một số hoạt động phụ trợ như: rửa xe, cà phê, siêu thị...
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo