Hà Nội duyệt chi 25 tỷ đồng để ứng phó dịch Mers-CoV
Thông tin trên được ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hôm 23/6.
Phát biểu tại buổi giao ban, ông Hạnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Mers-CoV, đặc biệt là sự gia tăng nhanh số ca mắc và tử vong tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây, Hà Nội đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch chủ động.
Cụ thể, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức họp giao ban hằng tuần để đánh giá nhận định tình hình dịch, khả năng dịch xâm nhập và triển khai các giải pháp sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xâm nhập vào; chỉ đạo các đơn vị hằng ngày báo cáo tình hình dịch bệnh về Sở Y tế để kịp thời tham mưu cho UBND thành phố về công tác phòng chống dịch; lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng dịch tại các cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài; đồng thời, họp với các lãnh đạo cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh…
Cùng với đó là việc tổ chức các cuộc tập huấn công tác chẩn đoán cấp cứu, điều trị dịch bệnh Mers-CoV. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã phối hợp với các cơ quan cửa khẩu sân bay Nội Bài hướng dẫn cho nhân viên trực tiếp tiếp xúc với hành khách nhập cảnh về các biện pháp dự phòng lây nhiễm Mers-CoV. Bố trí 2 máy đo thân nhiệt phát hiện sớm hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã tiến hành in ấn tờ rơi, poster tuyên truyền phát tại các cửa khẩu đồng thời kiếm soát chặt chẽ các nguồn dịch bệnh có thể xâm nhập qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt... Tập huấn cho các cơ sở y tế trên địa bàn cũng như thành lập các đội cơ động, phản ứng nhanh tại đây để có thể kịp thời ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh.
Thành phố đã tổ chức giám sát 988 chuyến bay với gần 130.000 hành khách đến từ các nước có dịch MERS-CoV. Trong đó, 156 chuyến bay với hơn 21.000 hành khách đến từ Hàn Quốc, 16 chuyến bay với hơn 4.500 hành khách từ khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, trung tâm y tế các quận, huyện tổ chức giám sát tình trạng sức khỏe của gần 2.200 hành khách đến từ các quốc gia có dịch. 4 trường hợp trong số này qua theo dõi có hiện tượng ho, sốt, phải cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương…
Đáng chú ý, Sở Y tế Hà Nội đã tập huấn cho 65 đội phòng chống dịch cơ động và các bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận nếu có bệnh nhân.
Về vấn đề kinh phí phòng chống dịch, hiện đang được dư luân quan tâm, Phó Giám Đốc sở Y Tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính xem xét cấp bổ sung kinh phí phòng chống dịch Mers-CoV từ nguồn kinh phí dự phòng, dự kiến 25 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao và chế độ phụ cấp phục vụ công tác phòng chống dịch Mers-CoV theo quy định.
Liên quan đến việc chuẩn bị xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh, ông Hạnh cho biết, Thành phố có kế hoạch hợp lý theo từng cấp độ dịch. Cụ thể, trường hợp phát hiện ca bệnh đơn lẻ nhập cảnh qua sân bay Nội Bài sẽ chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nếu khi bệnh viện này quá tải các bệnh nhân của Hà Nội sẽ được chuyển về Bệnh viện Bắc Thăng Long, với 24 giường truyền nhiễm và 360 giường kế hoạch và các bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông. Trường hợp số ca mắc cao tất cả các bệnh viện đều tham gia tiếp nhận và triển khai phương án thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
Trả lời về việc tại Việt Nam và trên thế giới đã có phương thuốc đặc trị dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông Mers - CoV hay chưa? vị Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Cho tới nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị về dịch bệnh này. Khi bệnh nhân vào viện thì sẽ được điều trị theo các triệu chứng của bệnh. VD những ai bị triệu chứng viêm phổi nặng thì sẽ điều trị viêm phổi, những ai suy tim thì sẽ điều trị suy tim…”
Ông Hạnh cho biết thêm: “Bộ Y tế đã lập sẵn phác đồ điều trị dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông Mers- CoV, nếu Việt Nam phát hiện trường hợp mắc bệnh thì chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Phó Giám đốc Hoàng Đức Hạnh cũng khuyến cáo người dân nếu không có việc gì thật cần thiết thì không nên đến những vùng đang có dịch. Người dân cần phối hợp với các cơ quan hữu quan kiểm soát ngăn chặn những hoang tin, tránh gây dự luận hoang mang trong cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo