Hà Nội: Giá cước vận tải ô tô tăng đến 60%
Mặc dù giá xăng dầu đang giảm mạnh, nhưng do lượng khách di chuyển đi lại đông trong ngày sát Tết khiến nhiều tuyến vận tải cố định tăng mạnh giá cước tới mức 60%.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 06/01/2015, Bộ Tài chính đã tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại một số địa phương, trong đó bao gồm giá cước vận tải đường bộ.
Sơ bộ kết quả kiểm tra và nắm tình hình cho thấy Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã triển khai kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đến các cơ quan chức năng.
Báo cáo sơ bộ kết quả kiểm tra, nắm tình hình tại bến xe Giáp Bát cho thấy, hiện nay tại bến xe này có khoảng 150 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có 10 doanh nghiệp của Hà Nội.
Từ ngày 25/10/2014 đến nay đã có 53 doanh nghiệp đăng ký giảm giá với mức giảm từ 3 - 16%, có 8 doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá lần thứ 2 với mức giảm từ 3,75 - 16,67%. Trong đó, 3 doanh nghiệp vận tải của Hà Nội thực hiện kê khai giảm giá cước.
Đặc biệt, một số tuyến vận tải cố định (Hà Nội - Hồ Chí Minh và tuyến Thanh Hoá - Hà Nội) đã đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015, với mức tăng đề nghị từ 20 - 60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
Riêng tại bến xe Nước Ngầm đã có 32/88 doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá vé với mức giảm từ 2 – 20%. Trong đó, có 2 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Cũng giống như bến xe Giáp Bát, tại bến xe Nước Ngầm một số tuyến vận tải cố định (Hồ Chí Minh - Hà Nội và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội) đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị là 40-60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
Như vậy, trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Liên Bộ Giao thông vận tải-Bộ Tài chính về tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ô tô, Bộ Tài chính đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thực hiện quyết liệt các biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp vận tải rà soát để có phương án giảm giá cước, thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên Đán Ất Mùi năm 2015 phù hợp với mặt bằng mới của các yếu tố đầu vào, trong đó có yếu tố giảm giá xăng dầu tính đến tháng 1/2015.
Trong đó, chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai, kê khai lại giá phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế và quản lý tài chính.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp này phải thực hiện ngay việc kê khai giảm giá cước so với thời điểm kê khai trước liền kề, phù hợp với phù hợp với mặt bằng mới của các yếu tố đầu vào và giá xăng dầu tính đến tháng 01/2015, trong đó cần chốt ngày thực hiện sớm nhất và phải trước thời điểm cao điểm vận tải phục vụ Tết Nguyên Đán 2015. Thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách doanh nghiệp chậm kê khai giảm giá cước.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện thực hiện kê khai của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với cước vận tải hàng hóa (bao gồm vận tải container), đề nghị cân nhắc việc bổ sung giá cước vận tải hàng hóa vào danh mục dịch vụ kê khai giá theo thẩm quyền nhằm kiểm soát có hiệu quả việc giảm giá cước vận tải hàng hóa phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu, đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế xã hội.
Theo VnMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo