Thị trường

Hà Nội: “Giật mình” bởi hơn 4.000 tỷ đồng tiền nợ thuế đất

Trong khi nguồn thu ngân sách khó khăn, thì việc thu hồi số thuế nợ đọng sẽ có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, nợ đọng thuế luôn là “bài toán khó giải” đối với bất cứ địa phương nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đại gia “chây ỳ”…

Theo số liệu của Cục Thuế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có tới 62 dự án BĐS còn nợ tiền sử dụng đất, với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều DN nợ đến hàng trăm tỷ đồng, như: Tổng công ty Phát triển phát thanh truyền hình thông tin nợ 440 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Á Châu nợ 231 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng (Indeco) nợ 193 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) nợ gần 170 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nợ 144 tỷ đồng…

Là chủ đầu tư của hàng loạt dự án lớn (Dream City, Phú Thọ; Skypark Long Điền, Khu dân cư Việt Hân 3, Vũng Tàu, Castle Plaza, Hà Nội…). Tuy nhiên, Công ty Công ty TNHH Thương mại, quảng cáo, xây dựng địa ốc Việt Hân (Việt Hân) nợ thuế đất lên đến 213 tỷ đồng.

Dù được đánh giá là “đất vàng” của Hà Nội, nhưng Dự án Castle Plaza của Công ty Việt Hân đang “đắp chiếu” từ 3 năm nay. Trước đó, dự án này từng bị TP. Hà Nội đưa vào danh sách thu hồi. Dù đã được tiếp tục cho phép triển khai, tuy nhiên, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện.

Hàng loạt dự án lớn trên địa bàn thành phố như Dự án khu đô thị Tràng An tại Ngĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội); Dự án khu nhà ở hỗn hợp Việt Hà (Từ Liêm, Hà Nội); Dự án trung tâm thương mại Lĩnh Lam (Hoàng Mai, Hà Nội)… Tuy nhiên, phần lớn những dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà đều chậm tiến độ hoặc chưa triển khai. DN này nợ thuế Nhà nước lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Bên cạnh những dự án chưa triển khai, nợ đọng thuế đất, thì nhiều ông lớn, mặc dù công trình đã hoàn thiện và tiến hành thu tiền từ phía khách hàng, nhưng vẫn cố tình “trây ỳ”, không chịu nộp thuế sử dụng đất. Cụ thể, Dự án Beriver Long Biên (Long Biên, Hà Nội), dù sắp hoàn thiện và thu phần lớn tiền mua nhà của khách hàng, tuy nhiên, chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư xây dựng số 9 (Hanco 9) vẫn nợ tiền sử dụng đất lên đến trên 100 tỷ đồng.

Tương tự, tại Dự án HH5 Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) của Tổng công ty HUD, tuy đã được đưa vào sử dụng từ lâu, chủ đầu tư cũng đã thu hết tiền của khách hàng, song HUD vẫn còn nợ tiền sử dụng đất lên đến 42 tỷ đồng. Ngoài ra, tại Dự án Tây Nam Linh Đàm (đã được triển khai), bán hàng và thu tiền, nhưng phía HUD vẫn nợ tiền sử dụng đất lên đến 125 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nói gì?

Liên quan đến việc nợ đọng thuế đất, đại diện Hanco 9 thừa nhận: Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao nhà, nhưng vẫn còn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Theo lý giải, Hanco 9 còn nợ cả trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất là do cách tính cũ, tính toàn bộ thuế đất 5 tòa nhà của toàn bộ dự án. Trong khi đó, DN này đã chia dự án ra từng giai đoạn và triển khai tòa nhà trung tâm N03 đầu tiên. Hơn nữa, TP. Hà Nội đã có chủ trương cho phép DN được đóng thuế trên phần diện tích triển khai, do đó, Hanco 9 chỉ phải đóng thuế cho phần diện tích tại Tòa N03 với số tiền trên 50 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Hanco 9 sẽ hoàn thành nghĩa vụ tiền thuế đất trước tháng 10/2014 (thời điểm bàn giao nhà). Tuy nhiên, do dự án bị chậm tiến độ nên DN mới đóng được khoảng 40 tỷ đồng, dự kiến số tiền thuế còn nợ sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2015.

Đại diện phía Tổng công ty HUD cho hay: Số tiền nợ thuế mà cơ quan thuế Hà Nội đưa ra là chính xác. Trong đó, HUD hiện còn nợ khoảng 125 tỷ đồng tại Dự án Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm và khoảng 45 tỷ đồng tại Dự án Khu đô thị Việt Hưng.

Theo đại diện DN này, Dự án Việt Hưng HUD chỉ nợ 45 tỷ đồng, trong khi tiền hạ tầng đã chuyển giao cho TP. Hà Nội lên đến trên 200 tỷ đồng. Vì thế, HUD đang chờ cơ chế bù trừ trực tiếp. Trong khi đó, Dự án Tây Nam Linh Đàm, việc điều chỉnh quy hoạch khiến DN phải nộp thêm phần phát sinh. Đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện xong, do vậy, HUD dự kiến sẽ có văn bản xin giãn tiến độ nộp thuế.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc các DN đua nhau nợ thuế Nhà nước vì việc nợ thuế có lợi hơn khi phải đi vay ngân hàng. Bởi lẽ, vào thời điểm này, với 100 tỷ đồng thì tiền chịu phạt sau 30 ngày thông báo của Cục Thuế sẽ tính mức phạt 0,05%/ngày (tức 18%/năm), mỗi tháng DN chỉ bị phạt 1,5 tỷ đồng. Còn với lãi suất vay ngân hàng 23 - 24%/năm thì 100 tỷ phải trả khoảng 2 tỷ đồng tiền lãi mỗi tháng, nếu chậm nộp tiền lãi còn bị phạt rất cao (cao nhất tới 150%/năm). Bên cạnh đó, các DN BĐS hiện rất khó vay ngân hàng, nếu có vay được thì thủ tục cũng vô cùng phức tạp.

 

Theo Thương hiệu & Công luận
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo