Hà Nội: Khẩn trương đưa tuyến buýt nhanh 55 triệu USD vào hoạt động
Theo đó, Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tại Báo cáo số 285-BC/BCS, ngày 28/8/2016 về việc tiếp tục thực hiện hợp phần xe buýt nhanh (BRT) từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa (thuộc Dự án đầu tư Phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã được phê duyệt) trên nguyên tắc khẩn trương đưa ga vào hoạt động, phát huy tối đa hiệu quả, tiết kiệm các chi phí không cần thiết, đảm bảo tiện lợi và an toàn cho hành khách.
Giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau: Việc thực hiện các thủ tục hủy thầu gói thầu CP07 phải bảo đảm tuân thủ theo các quy định của Luật Đấu thầu và Hiệp định tín dụng tài trợ cho Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới; không thực hiện việc gia hạn Hiệp định; thống nhất với Ngân hàng Thế giới kinh phí thực hiện các nội dung sau điều chỉnh để điều chuyển kinh phí còn thừa sang dự án khác; có phương án sử dụng số xe BRT đã đặt sản xuất nhằm tránh lãng phí.
Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động (phương án tổ chức giao thông, cho xe chạy thử nghiệm, vạch sơn chia làn, rào ngăn, còi...) nhằm bảo đảm tối đa về an toàn giao thông, đặc biệt là đối với hành khách; bổ sung cơ sở vật chất của các trạm chờ (quạt, máy thu hình, wifi miễn phí, cây xanh...) để tạo sự tiện lợi phục vụ hành khách khi tham gia loại hình giao thông này; phấn đấu đưa tuyến buýt nhanh BRT vào khai thác sử dụng trong tháng 12/2016.
Phối hợp với Ngân hàng Thế giới chuẩn bị kỹ các nội dung liên quan đến Dự án để thông tin truyền thông, bảo đảm sự thống nhất đồng thuận của dư luận xã hội trong việc đưa tuyến buýt nhanh BRT tham gia vào hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn Thủ đô.
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.
Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)