Hà Nội không có đường Đại tướng trong năm 2013
Khác với chỉ đạo trước đó của Thành ủy Hà Nội là giao Hội đồng tư vấn và các cơ quan chức năng sớm trình HĐND thành phố xem xét đặt tên đường phố mang tên Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, trong tờ trình của UBND thành phố gửi kỳ họp HĐND sắp tới không có phương án đặt tên các vị lãnh đạo này.
Theo đại diện UBND thành phố, nguyên nhân là hội đồng tư vấn đặt tên đường phố chưa tìm được một con đường xứng tầm để mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số tuyến đường có tầm vóc hiện đại thì vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn chỉnh hạ tầng.
Thay vào đó, UBND trình HĐND xem xét đặt tên và điều chỉnh độ dài của 34 đường, phố của 10 quận, huyện. Trong đó có 11 đường mang tên địa danh, 1 đường mang tên di tích lịch sử văn hóa, 16 đường, phố mang tên danh nhân và 6 đường phố điều chỉnh kéo dài.
Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố Hà Nội dự kiến diễn ra từ 2/12 đến 6/12 sẽ đánh giá tình hình kinh tế xã hội thành phố năm 2013; việc đặt, đổi tên một số đường phố; khung giá đất năm 2013, một số loạt phí và lệ phí...
Chốt phương án, quyết tâm đặt tên đường Đại tướng
Trước đó, phương án đặt tên đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được lên kế hoạch và sẵn sàng.
"Chúng tôi đã có kế hoạch rồi. Hãy để chúng tôi làm cho Đại tướng, chúng tôi đang cố gắng làm sao để hài lòng tất cả những người dân", ông Tô Văn Động, GĐ Sở Văn hóa Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội nói về kế hoạch đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội cho biết, tất cả đã sẵn sàng, "chỉ chờ HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội quyết định".
Theo GS Ngọc, việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đi là điều đã được nhiều người tiên đoán trước. Tiên lượng trước việc này, Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội đã tiến hành tổ chức và đưa ra quyết định đặt tên đường phố mang tên Đại tướng.
Cuộc họp do GS Phan Huy Lê, Phó chủ tịch Hội đồng, ông Tô Văn Động - GĐ Sở Văn hóa Hà Nội, Phó chủ tịch Hội động chủ trì.
Hội đồng cũng đưa ra đề xuất lựa chọn tuyến đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài sẽ mang tên Đại tướng. "Đó là phương án lựa chọn tối ưu nhất" - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chia sẻ mong muốn: "Hà Nội lúc nào cũng mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến đường phố của Thủ đô".
Bà Ngọc cho biết, khi có đề xuất của các nhà khoa học, Hà Nội sẽ nghiên cứu. Kể cả khi không có đề xuất thì Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu lựa chọn con đường xứng tâm nhất với Đại tướng.
TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp UBTVQH - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng: "Đối với tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lựa chọn tuyến đường phải lựa chọn đó là trục đường mới, hiện đại, xứng tầm với Đại tướng. Tuyến cao tốc Nội bài - Nhật Tân cũng là một lựa chọn tốt.
Trong khi tại Hà Nội vẫn đang lúng túng thì trên khi cả nước, có nhiều tỉnh đã có tên đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhiều tỉnh đã đặt tên đường mang tên Đại tướng
Trước đó, dư luận quần chúng TP.HCM cũng như các cựu chiến binh hiện đang sống ở TP.HCM đã có nhiều ý kiến đề nghị lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đặt cho 1 con đường đẹp trên địa bàn thành phố để tưởng nhớ Đại tướng
Cụ thể, con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ dài hơn 7,1km, kéo dài từ giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng (Q.1) kéo dài qua cầu Sài Gòn, đến chân cầu Rạch Chiếc thuộc xa lộ Hà Nội.
Đồng thời, sẽ điều chỉnh giới hạn tuyến đường Điện Biên Phủ, sẽ chỉ kéo dài từ vòng xoay Ngã Bảy (Q.10) đến đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1). Xa lộ Hà Nội cũng sẽ thu ngắn lại từ cầu Rạch Chiếc (Q.9 là nút giao thông Ngã trạm 2 cũ (Q.9).
Trước đó, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu... cũng đã đặt được tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo đó, thông qua việc lấy ý kiến của những người nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố, các sở, ban ngành, Ban Thường vụ Thành ủy Đồng Hới,
Quảng Bình đã thống nhất đề xuất lấy tuyến đường chạy dọc ven biển xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới để đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hiện UBND TP Đồng Hới đã có tờ trình gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp.
Tuyến đường chạy dọc ven biển xã Bảo Ninh có chiều dài 7 km, mặt đường rộng 60m, đã được đầu tư xây dựng 4 km, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với 4 làn đường, 3 con lươn phân cách (2 con rộng 3m, ở giữa rộng 6m) và đến nay vẫn chưa được đặt tên. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ nối TP Đồng Hới với huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đà Nẵng cũng đã chọn ra 2 phương án đặt tên đường Đại tướng. Ngày 20/11, Hội đồng đặt, đổi tên đường TP Đà Nẵng đã chính thức công bố dự thảo “Đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TP Nẵng đợt 2 năm 2013” để lấy ý kiến góp ý của cán bộ, nhân dân TP trước khi chính thức trình ra kỳ họp thứ 8 HĐND TP Đà Nẵng dự kiến diễn ra từ ngày 11 – 13/12.
Đáng chú ý, dự thảo đề án đặt đổi tên đường tại Đà Nẵng đợt này đề xuất 2 phương án để đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Cụ thể, phương án 1 đề xuất đặt tên Võ Nguyên Giáp cho đoạn QL 1A từ điểm đầu là cầu vượt Hoà Cầm đến điểm cuối giáp tỉnh Quảng Nam, có chiều dài 8.530m.
Phương án 2 đề xuất cắt đoạn giữa của hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa (chạy dọc ven biển), có điểm đầu là đường Nguyễn Huy Chương và điểm cuối là Hồ Xuân Hương với chiều dài 5.340m, để đặt tên Võ Nguyên Giáp.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh đầu tiên đầu tiên có con đường mang tên Đại tướng.
Cụ thể, ngay từ cuối tháng 10/2013, tỉnh đã thống nhất đặt tên đường Võ Nguyên Giáp cho tuyến quốc lộ 51 đoạn từ vòng xoay đường 3 Tháng 2 đến cầu Cỏ May.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối