Tin tức - Sự kiện

Hà Nội không hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc kỳ họp sáng 3-12, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định năm 2012, kinh tế thủ đô duy trì tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có tiến bộ.

Chủ tịch HĐND TP chỉ rõ: “Kinh tế - xã hội thủ đô đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Đó là lần đầu tiên Hà Nội không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách HĐND TP và Chính phủ giao, trong khi suốt 15 năm qua Hà Nội liên tục vượt mức thu, thậm chí mức thu năm sau còn cao hơn năm trước”. Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sau đó, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng việc không hoàn thành một loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013.

Nhiều điểm “nghẽn”

Tại phiên khai mạc, ông Đào Văn Bình, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP Hà Nội, đề nghị HĐND TP xem xét thực trạng nhiều dự án sử dụng đất bỏ hoang lâu ngày không triển khai thực hiện. Ông Bình cho hay qua tiếp xúc cử tri tại nhiều quận huyện, người dân rất bức xúc trước việc nhiều đơn vị được giao đất nhưng không làm gì.

“Tôi đề nghị TP rà soát, thu hồi giao lại cho các đơn vị khác có năng lực triển khai hoặc trả lại cho người dân đầu tư sản xuất theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô” - ông Bình kiến nghị.

Ông Vũ Văn Hậu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, cho hay: “Đã rút kinh nghiệm, đã trình HĐND TP, nếu đã tháo gỡ, đã xử lý về hành chính mà chủ đầu tư không khắc phục thì kiên quyết thu hồi. Còn việc thu hồi phải thực hiện theo quy hoạch. Nếu quy hoạch không còn phù hợp thì đề nghị giữ nguyên đất đó để người dân tiếp tục sản xuất”.

Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội diễn ra từ ngày 3 đến 7-12, trong đó trọn ngày 5-12 sẽ dành cho nội dung chất vấn - trả lời chất vấn.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, ông Nguyễn Văn Sửu, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết tăng trưởng GDP của Hà Nội năm 2012 đạt thấp, ước đạt 8,1%, không hoàn thành kế hoạch.

“Đạt được mức tăng như vậy chủ yếu nhờ ngành dịch vụ tăng cao hơn mức trung bình và xu thế tăng dần qua các quý. Còn lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, trong điều kiện khó khăn các doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng nhưng mức tăng giảm dần qua các quý. Tỉ lệ sản phẩm tồn kho ở mức cao. Sản lượng của 14/21 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có xu hướng giảm qua các tháng” - ông Sửu lý giải.

Thừa nhận nhiều mặt hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Văn Sửu cho rằng bức tranh kinh tế - xã hội của thủ đô đang có nhiều điểm “nghẽn”. Đó là số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng, chỉ tiêu về xuất khẩu không đạt kế hoạch, tăng trưởng đầu tư xã hội thấp. Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và số dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép giảm.

Chỉ tiêu không đạt, ai chịu trách nhiệm?

Chiều 3-12, thảo luận ở tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội, nhiều đại biểu không đồng tình với cách đánh giá nguyên nhân không đạt 10/15 chỉ tiêu.

Đại biểu Hồ Quang Lợi, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho rằng việc không hoàn thành rất nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội cần phải soi xét, phân tích thấu đáo. “Tôi nghĩ không đặt ra chỉ tiêu thì thôi, còn đã đặt ra thì phải tính toán một cách đầy đủ, sát thực tế chứ đừng đặt ra chỉ tiêu để hướng tới, đến cuối năm lại nói không hoàn thành vì lý do nọ kia. Tôi đề nghị cần chấm dứt việc đặt ra chỉ tiêu theo kiểu đó” - đại biểu Lợi nhấn mạnh.

Dẫn chứng việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đại biểu Hồ Quang Lợi khẳng định: “Tôi cảm thấy các giải pháp hỗ trợ chưa đủ ở mức cần thiết và có vẻ chưa đúng chỗ cần nhất. Đặc biệt là chưa giải quyết hiệu quả vấn đề hàng tồn kho. Có nhiều người ví bất động sản ở Hà Nội giờ như “cục máu đông” nguy hại. Biết bao nhiêu vốn đang chôn vào các khu đô thị. Tại sao nhu cầu nhà ở vẫn còn mà không bán được, tôi nghĩ nhiều nhà đầu tư “làm mạnh” về nhà ở cao cấp, còn nhà ở xã hội thì chưa quan tâm đúng mức. Cần có định hướng lại trong phát triển thị trường bất động sản”.

Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam - trưởng Ban pháp chế HĐND TP, việc không đạt 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải chỉ rõ được nguyên nhân chủ quan, khách quan. “Nguyên nhân khách quan thì dễ nói lắm, còn nguyên nhân chủ quan là cái gì, điều hành chưa được ở chỗ nào phải mạnh dạn chỉ ra. Ngay vấn đề giải ngân có chỗ còn chưa được 50-60%, giải ngân như thế là do chúng ta. Vì vậy, việc đưa ra chỉ tiêu phải có cơ sở, việc thực hiện chỉ tiêu phải bằng quyết tâm và trách nhiệm, chứ không hoàn thành chỉ tiêu nhiều như thế mà chỉ nói là không đạt. Thậm chí không đạt chỉ tiêu cũng chẳng thấy ai bị sao cả?”- đại biểu Nam phân tích.

Theo đại biểu Nam, việc thực hiện chưa hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vừa qua có nguyên nhân do các giải pháp của TP nặng về định tính, thiếu định lượng.

“Nếu giải pháp không nói cụ thể, không số lượng cụ thể thì sau này không có gì để kiểm điểm với nhau. Ai cũng biết muốn kinh tế phát triển phải xác định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng giải pháp với doanh nghiệp của TP rất chung chung. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các làng nghề thủ công tại sao chúng ta không kích cầu cho họ? Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa này phát triển sản xuất được họ mới có tiền mua sản phẩm của chúng ta. Họ có phát triển được thì hàng vạn lao động ở đây mới có việc làm. Khi đó kinh tế mới phát triển được”.

Đề cập việc đánh giá nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Đình Dương, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nhấn mạnh: “Mấy năm gần đây, vẫn một câu đánh giá một số ngành, một số cấp, một số lĩnh vực vào cuộc chưa quyết liệt. Đã là nguyên nhân chủ quan mà không dám chỉ ra cấp nào, lĩnh vực nào, địa chỉ cụ thể thì làm sao giải quyết được”.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo