Hà Nội lại đối mặt với nguy cơ thiếu điện
Nhiều dự án, công trình điện chậm triển khai, đặc biệt là các công trình 220kV, đang khiến Hà Nội đối mặt trở lại với nguy cơ thiếu điện...
Nguy cơ mất an toàn, quá tải
Mới đây, tại cuộc họp bàn về việc đánh giá thực hiện “Quy hoạch phát triển điện lực TP.Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020”, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, hiện tại TP.Hà Nội được cấp điện từ 9 trạm biến áp (TBA) 220 kV: Hà Đông, Chèm, Mai Động, Sóc Sơn, Xuân Mai, Thường Tín, Vân Trì, Phủ Lý, Phố Nối. Khu vực trung tâm thành phố chủ yếu được cấp điện từ các trạm biến áp 220kV Chèm, Hà Đông, Mai Động.
Trong quy hoạch lưới điện Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020, sẽ có 8 TBA và các đường dây 220kv phải xây dựng để bảo đảm cấp điện cho Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 1/8 TBA 220kV (TBA Vân Trì) được đưa vào vận hành (dự kiến trong năm 2014 sẽ có thêm trạm Thành Công vào vận hành). Phần lớn các trạm 220kV đã có từ trong quy hoạch trước (giai đoạn 2006-2010), tuy nhiên đến nay chỉ đóng điện vận hành được trạm Vân Trì. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án điện chậm triển khai vẫn là các khâu thủ tục liên quan đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng...
Phó Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết, EVN đã yêu cầu sử dụng tối đa công suất các TBA 220kV đang vận hành để bảo đảm việc cấp điện cho Hà Nội, tránh tình trạng quá tải, thiếu sản lượng. Thậm chí Hà Nội là địa phương duy nhất có TBA 220kV phải sử dụng cùng lúc 3 máy biến áp để bảo đảm việc cấp điện. Cũng theo báo cáo của EVN HANOI, sau thời gian thực hiện quy hoạch, tổng hợp các công trình 110kV đưa vào vận hành cũng cho thấy mới chỉ có 8/31 công trình đưa vào vận hành. Việc này được cảnh báo sẽ làm tăng nguy cơ không bảo đảm an toàn trong cung cấp điện, dẫn đến quá tải các TBA và đường dây hiện có...
Không thể chậm thêm...
Do tiến độ các công trình 220kV vào chậm, để đảm bảo cấp điện, EVN HANOI đã tiến hành đầu tư nâng cấp hàng loạt đường dây 110kV để truyền tải công suất từ các trạm 220kV Chèm, Sóc Sơn, Mai Động, Hà Đông. Bên cạnh đó, việc triển khai cải tạo xây dựng các công trình 110kV theo quy hoạch đồng bộ với các dự án 220kV cũng rất khó khăn do các công trình có liên quan đến việc xây dựng các xuất tuyến đường dây 110kV khi xuất hiện các TBA 220kV, do đó các dự án này cần phải được kết hợp đồng bộ.
Đối với các xuất tuyến đường dây 110kV mới từ TBA 220kV, theo quy hoạch, đây là các đường dây quan trọng, có nhiệm vụ cấp điện cho các TBA 110kV mới và là các đường dây đấu nối với các đường dây 110kV hiện có. Tuy nhiên, do không có TBA 220kV nên hiện nay EVN HANOI đang phải triển khai xin bổ sung quy hoạch để cải tạo một số đường dây đang quá tải như: Chèm - Phúc Thọ, Hà Đông - Sơn Tây.
Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết: Để đảm bảo cấp điện an toàn cho Hà Nội giai đoạn tiếp theo, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng mới, đặc biệt là với TBA 220kV để đảm bảo nguồn 110kV cấp điện cho TP.Hà Nội là vô cùng cấp bách và cần thiết.
Cùng với quy hoạch lưới điện, thành phố đang xúc tiến xây dựng các quy hoạch phân khu. Đây là cơ sở để ngành điện tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp thực hiện các dự án đầu tư cho lưới điện. Đối với những dự án xây dựng lớn, thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải dành quỹ đất xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng điện, đây là điều kiện cần và đủ để dự án được phê duyệt. Phó chủ tịch UBND thành phố cũng giao các sở, ngành và một số quận, huyện có dự án đi qua phối hợp với EVN HANOI rà soát lại từng dự án, báo cáo ngay trong tháng 4 để thành phố có quyết định cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp điện cho thủ đô.
Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo