Hà Nội lên kế hoạch lát toàn bộ đá tự nhiên quanh Hồ Gươm
Trao đổi với PV, đại diện quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay, hiện đang triển lãm và lấy ý kiến người dân hoàn thiện Dự án “Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm”.
Cụ thể, theo ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, sau nhiều đợt sửa chữa, vỉa hè, đường dạo quanh Hồ Gươm hiện có hơn 20 loại gạch đá khác nhau và thiếu đồng bộ. Do vậy, đợt cải tạo lần này thành phố sẽ cải tạo tổng thể, đem lại bộ mặt hoàn chỉnh cho khu vực Hồ Gươm.
“Quận Hoàn Kiếm xác định đây là dự án bền vững, do vậy vật liệu lát lại ở đây cũng bắt buộc xác định là vật liệu bền, có độ ổn định hàng chục năm”, ông Long cho biết.
Được biết, dự kiến xung quanh Hồ Gươm sẽ được thay thế toàn bộ bằng đá tự nhiên Granite có độ dầy 10 cm, với nguồn gốc từ tỉnh Bình Định chứ không phải các loại đá tự nhiên có nguồn gốc từ Thanh Hóa mà nhiều quận Hà Nội đang lát cho vỉa hè hiện nay.
Đối với vỉa hè hiện đã lát đá xanh tự nhiên và gạch block, theo ông Phạm Tuấn Long, có thể được sử dụng lại ở các vườn hoa khác của quận Hoàn Kiếm. “Các viên đá hiện nay chất lượng vẫn tốt, chỉ bị trầy xước do quá trình sử dụng, về kỹ thuật vẫn xử lý được. Do vậy, chúng tôi sẽ cho dùng lại ở vị trí phù hợp”, ông Long nói.
Dự kiến, Hoàn Kiếm sẽ thực hiện kế hoạch này vào giữa năm nay và hoàn thành vào dịp cuối năm 2018. “Việc lát đá quanh Hồ Gươm thi công không phức tạp. Hạng mục mất thời gian xử lý nhất chủ yếu liên quan đến hệ thống điện đi ngầm, hệ thống tưới nước tự động. Hơn nữa, xác định đây là dự án quan trọng, nên quận và thành phố đã chuẩn bị kỹ từ khâu nghiên cứu, lựa chọn vật liệu và giải pháp kỹ thuật thi công cũng như quá trình giám sát. Thành phố cũng đã xin ý kiến các Bộ ngành để hoàn thiện dự án”, vị cán bộ cho biết.
Trước đó, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vào tháng 4/2010, Hà Nội thực hiện Dự án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm bằng việc thay đá lát vỉa hè bằng đá xanh cỡ lớn với kinh phí dự kiến 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến cho rằng việc lát loại đá trên dễ trơn trượt, gây nguy hiểm và việc thực hiện Dự án có thể gây lãng phí khi vỉa hè khu vực này còn khá mới. Do phản ứng của dư luận, sau đó Hà Nội đã cho tạm dừng dự án để lấy ý kiến nhân dân.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hồ Gươm là di sản cấp quốc gia đặc biệt, với toàn bộ khu vực vườn hoa, đường dạo, cây xanh cảnh quan xung quanh hồ được xác định thuộc vùng bảo vệ di sản, vì vậy các phương án cải tạo, chỉnh trang cần tránh những tác động lớn làm biến đổi hiện trạng đang có.
Ông Tùng cho rằng, việc cải tạo chỉnh trang khu vực Hồ Gươm phải bao gồm các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kiến trúc mặt đứng công trình, hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, vỉa hè, đường dạo…, trong đó phải khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc. “Không chỉ việc lát lại vỉa hè, đường dạo ngay cả việc cải tạo công trình cần nghiên cứu kỹ về màu sơn, hệ thống cửa, ban công, lô gia đảm bảo hài hòa với nét văn hóa đặc trưng. Tóm lại, việc cải tạo, chỉnh trang xung quanh Hồ Gươm đừng tách khỏi nền tảng, giá trị vốn có của nó”, ông Tùng phân tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé